Dòng sự kiện:
Trái ngang khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
02/05/2023 16:52:10
Nhiều nhà đầu tư cá nhân đổ tiền vào TPDN với mong ước sinh lời, có khoản lãi lớn nhưng cuối cùng lại ôm về sự thất vọng, lo sợ vì tài sản có thể "bốc hơi".

Lời tư vấn chỉ mang nửa sự thật

Mang tiền tới ngân hàng để gửi tiết kiệm, nhiều người được mời chào mua trái phiếu doanh nghiệp với lời cam kết sinh lời, lãi “khủng” hàng năm và khả năng thêm/rút tiền linh động.

Tuy nhiên điều đáng nói là nhiều khách hàng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhưng thực sự lại không có hiểu biết đầy đủ về loại hình đầu tư này. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên ngân hàng khi tư vấn cho khách hàng cũng sử dụng lối nói thiếu rõ ràng, thậm chí đánh tráo khái niệm với những lời có cánh về trái phiếu.

Kết quả là nhiều khách hàng dù đã rót từ trăm triệu đến hàng tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp mà vẫn không biết mình đang thực sự đầu tư sản phẩm tài chính nào.

Giữa tháng 3/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tiến hành thanh tra đột xuất 11 ngân hàng có tham gia đầu tư trái phiếu. Mặc dù danh tính của 11 ngân hàng bị thanh tra đột xuất cũng như một số đơn vị vi phạm không được tiết lộ nhưng có một điều có thể khẳng định là ngoài phát hành trái phiếu nhiều nhất trên thị trường thời gian qua, các ngân hàng còn là nhà mua trái phiếu sôi nổi của các doanh nghiệp trên thị trường.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 17 trên tổng số 28 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường tính tới cuối năm 2022 đang nắm giữ gần 188.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 13% so với năm 2021.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, nhiều nhà đầu tư cá nhân nói rằng ngân hàng là nơi có thể cung cấp những sản phẩm tài chính minh bạch, do đó họ có một niềm tin mãnh liệt vào việc mua trái phiếu, bảo hiểm qua ngân hàng sẽ được đảm bảo hơn so với mua trực tiếp từ các doanh nghiệp.

Điều đó dẫn đến trường hợp nhiều ngân hàng đã dựa vào niềm tin của khách hàng với cách tư vấn lập lờ, khiến khách hàng cho rằng việc mua trái phiếu doanh nghiệp cũng là một hình thức gửi tiết kiệm của ngân hàng.

Tư vấn trái phiếu mập mờ về thông tin (ảnh minh hoạ).

Chị Vũ Hường (35 tuổi, Hà Nội) kể về lần mang tiền đi gửi tiết kiệm ngân hàng nhưng lại được tư vấn mua trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát như một sản phẩm đầu tư sinh lời, có cách hoạt động tương đương với gửi tiết kiệm và có lãi suất cao hơn, đặc biệt có thể rút tiền bất cứ khi nào cần để sử dụng, chỉ cần thông báo trước 1 tháng.

Tin tưởng uy tín của ngân hàng và cũng không quá am hiểu về trái phiếu, chị Hường đã đồng ý gửi vào ngân hàng số tiền vài trăm triệu đồng với tâm thế vui vẻ vì nghĩ mình đã đầu tư được một món hời.

Cho đến đầu năm 2023, khi đến ngày thanh toán lãi trái phiếu theo định kỳ nhưng không thấy tiền về tài khoản, chị Hường mới tá hoả tìm đến ngân hàng thì nhận được câu trả lời không thỏa đáng về việc doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu.

Bên cạnh đó, chị được ngân hàng đề xuất ký hợp đồng đồng ý gia hạn cho lô trái phiếu trên nhưng chị không đồng ý vì lo lắng sẽ mất cả chì lẫn chài.

“Hiện tại doanh nghiệp còn không có tiền trả, nếu kéo dài thời gian đầu tư tiền thêm nữa thì doanh nghiệp đó lấy đâu ra tiền trả cho khách hàng? Mình cảm thấy hợp đồng gia hạn không thoả đáng nên cương quyết không ký, chỉ sợ giãn nợ thêm rồi mất trắng cả gốc lẫn lãi”, chị Hường chia sẻ.

Khi niềm tin đặt sai chỗ…

Cũng là nhà đầu tư trái phiếu, chị Trần Quyên (32 tuổi, Hà Nội) đã đầu tư vào trái phiếu của một công ty bất động sản có tiếng với số tiền 1,8 tỷ đồng.

Theo lời chị Quyên, trong thời gian học Thạc sỹ, chị đã quen và chơi thân với một môi giới trái phiếu tên Việt Anh. Sau này, khi đã hiểu hết về gia cảnh của nhau, Việt Anh có giới thiệu bản thân đang làm việc cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Thủ đô và hiện anh đang có suất đầu tư trái phiếu sinh lời vô cùng hấp dẫn.

Vì tin tưởng bạn giới thiệu, chị Quyên đã rót ngay 1,8 tỷ đồng vào trái phiếu tại thời điểm cuối năm 2022.

“Lúc ấy, tôi không hiểu thế nào là trái phiếu. Chỉ đơn giản là được bạn bè giới thiệu, trong tay lại đang có một khoản tiền nhàn rỗi, tin tưởng vào lời giới thiệu rằng đây chỉ như gửi tiết kiệm nhưng lãi suất cao hơn, mà đặc biệt còn được rút ra rất dễ dàng mà vẫn đảm bảo lãi được giữ nguyên nên tôi xuống tiền ngay”, chị Quyên nói.

Từ đó đến nay, thị trường trái phiếu gần như đóng băng, đã qua nhiều kỳ trả lãi, thứ chị Quyên nhận được không phải lãi suất “vô cùng hấp dẫn”, mà chỉ là sự trốn tránh trách nhiệm từ phía công ty, đùn đẩy của lãnh đạo và những cuộc trò chuyện đi vào bế tắc.

Sau đó, khi bị đòi tiền, môi giới tên Việt Anh đã yêu cầu chị Quyên ký hợp đồng gia hạn, nhưng với điều khoản không rõ ràng nên chị cương quyết không đồng ý. Ngay khi nhận được thái độ cứng rắn của chị Quyên, môi giới Việt Anh tỏ thái độ không hài lòng và nói chị Quyên là… “lừa đảo”!?

Tương tự với trường hợp của chị Quyên, anh Nguyễn Quang (40 tuổi, Bắc Giang) cũng mua sản phẩm trái phiếu tương tự qua Chứng khoán Thủ đô do môi giới Việt Anh giới thiệu. Tuy nhiên, may mắn hơn chị Quyên, anh Quang đã được nhận vài lần lãi định kỳ.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, bắt đầu từ cuối năm 2022, anh Quang thấy xuất hiện dấu hiệu công ty chậm thanh toán trái phiếu như hợp đồng đã ký. Cùng với việc gia đình cần tiền sử dụng cho mục đích riêng, anh Quang liên hệ với môi giới để ngừng khoản đầu tư này, xin rút tiền gốc và lãi.

Vậy nhưng, đáp lại anh Quang là những ngày tháng chờ đợi mòn mỏi, Chứng khoản Thủ đô đổ lỗi do doanh nghiệp chậm thanh toán và không đồng thuận tất toán trái phiếu.

Trong khi đó, hợp đồng ký kết ban đầu có nhấn mạnh về vấn đề nếu tổ chức phát hành không trả được gốc, lãi trái phiếu đúng hạn, công ty chứng khoán sẽ đứng ra bảo lãnh và chi trả toàn bộ khoản đầu tư này.

Nhiều lần làm việc với môi giới không thành công, anh Quang đã đến trụ sở để gặp trực tiếp lãnh đạo Chứng khoán Thủ đô nhưng chỉ nhận được sự né tránh, lãnh đạo thường xuyên cáo bận, báo đang đi công tác, không nghe điện thoại và không hề có thiện chí lắng nghe hay động thái thể hiện muốn trả lại tiền cho nhà đầu tư.

“Sự việc trên đã kéo dài nhiều tháng khiến tôi và gia đình vô cùng mệt mỏi. Cả tôi và vợ đều mua trái phiếu ở đây với tổng giá trị là 2,8 tỷ đồng nhưng đến nay cảm giác như bị lừa”, anh Quang chia sẻ.

“Trái phiếu giờ lại hoá trái bom!”

Nghị định 08 ban hành ngày 5/3 vừa qua được nhiều chuyên gia đánh giá là “hâm nóng” lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau thời gian dài “đóng băng”. Theo Nghị định 08 có quy định về vấn đề tổ chức phát hành trái phiếu được phép hoán đổi trái phiếu bằng tài sản như bất động sản, các dự án của công ty nếu nhận được sự đồng thuận của các trái chủ.

Theo đó, kể từ sau khi Nghị định 08 được ban hành, chị Quyên cũng như anh Quang đều nhận được nhiều tin nhắn và cuộc gọi từ môi giới trao đổi việc hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm bất động sản. Thế nhưng việc trao đổi này cũng đặt ra nhiều vấn đề khúc mắc.

Cụ thể, theo lời môi giới tên T. giới thiệu, với 1,8 tỷ đồng trái phiếu đang nắm trong tay, chị Quyên có thể đổi một căn hộ giá gốc nằm trong dự án toạ lạc tại Tp.Quy Nhơn của tổ chức phát hành trái phiếu.

Tưởng chừng như một món hời, cho đến khi tìm hiểu kỹ càng thì chị Quyên biết thông tin dự án này hiện còn chưa bắt đầu khởi công xây dựng. Hiện tại vị trí dự án dự kiến xây dựng vẫn đang là một bãi đất trống, và mọi thứ như căn hộ hay giá trị đều chỉ nằm trên giấy. Và tất nhiên, môi giới cũng không biết chính xác bao giờ dự án sẽ bắt đầu xây dựng.

Khi nắm được thông tin trên, chị Quyên ngỏ ý muốn đổi trái phiếu lấy một căn hộ khác cũng ở Tp.Quy Nhơn, nằm tại một dự án đang trong thời gian hoàn thành, dự kiến bàn giao căn hộ trong năm tới thì ngay lập tức bị môi giới từ chối.

Môi giới cho biết căn hộ này đã được khách đặt cọc hết, chỉ còn một vài căn ở góc xấu, và giá trị từ 2,5 – 3 tỷ đồng. Nếu chị Quyên muốn đổi thì cần phải bỏ thêm chi phí chênh lệch nhưng kể cả bỏ thêm tiền thì môi giới cũng nhấn mạnh “rất khó để hoán đổi trái phiếu với sản phẩm bất động sản này”.

Nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi nhiều điều khoản có lợi của trái phiếu doanh nghiệp.

Không khác là mấy so với chị Quyên, anh Quang cũng nhận được nhiều lời mời chào của môi giới về việc đổi 2,8 tỷ đồng trái phiếu với một căn hộ tại vùng ven Hà Nội.

Tuy nhiên căn hộ trên có giá trị gần 4 tỷ đồng nên nếu đồng ý hoán đổi trái phiếu, anh Quang phải bù thêm chênh lệch gần 1 tỷ đồng nữa. Khi đến tham quan thực tế, anh Quang cho biết dự án trên đang “đắp chiếu”, các vật liệu xây dựng bị bỏ lâu ngày ngoài trời đã hoen gỉ và không thấy có nhân công đang làm việc.

Khi hỏi về tiến độ dự án thì anh Quang nhận được câu trả lời khá mập mờ, vòng vo của môi giới và những lời hứa về tiến độ “trên trời” nên anh Quang đã từ chối xuống tiền.

“Tôi tự đi qua dự án để xem không báo với môi giới thì thấy dự án giờ tan hoang, đồ đạc lổn nhổn và gỉ sét như đống sắt vụn. Khi hỏi dân cư xung quanh thì nhận được thông tin dự án đã nằm im như vậy vài tháng nay, có lẽ do chủ đầu tư hết tiền nên công nhân cũng đình công. Tôi không hiểu mình đổi trái phiếu lấy một sản phẩm cũng rủi ro không kém như vậy để làm gì nên đã từ chối”, anh Quang nói.

Không chỉ chị Hường, chị Quyên, anh Quang mà nhiều nhà đầu tư trái phiếu khác cũng đang rất hoang mang vì không biết tiền của mình đi đâu, về đâu và như lời bông đùa rất thật của anh Quang “trái phiếu giờ lại hoá trái bom!”.

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nhung

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến