Dòng sự kiện:
Trái phiếu AT1 là gì và vì sao 17 tỷ USD trái phiếu Credit Suisse bị xóa sổ?
22/03/2023 18:08:56
Thị trường trái phiếu AT1 toàn cầu trị giá 275 tỷ USD có thể bị ảnh hưởng sau thương vụ UBS mua lại Credit Suisse.

Điều khiến các trái chủ Credit Suisse phẫn nộ không phải ở việc mất trắng khoản đầu tư, mà ở chỗ các cổ đông ngân hàng sẽ nhận 3,2 tỷ USD, đi ngược thông lệ của trái phiếu AT1.

Thị trường trái phiếu AT1 toàn cầu trị giá 275 tỷ USD có thể bị ảnh hưởng sau thương vụ UBS mua lại Credit Suisse.

Các trái chủ, chủ yếu là các quỹ đầu tư, những người nắm giữ trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của Credit Suisse, đang làm việc với các hãng luật để phát đơn kiện, đòi lại quyền lợi tài sản cho khoản trái phiếu bị xoá sổ của họ, khoản đầu tư bị mất trắng sau thoả thuận mua lại Credit Suisse của UBS.

Trước đó, chính quyền Thụy Sĩ đã bất ngờ quyết định xóa sổ toàn bộ số trái phiếu AT1 của Credit Suisse trị giá khoảng 17 tỷ USD (14 tỷ bảng Anh), trong khi cho phép các cổ đông của Credit Suisse được thanh toán 3 tỷ franc Thụy Sĩ (2,6 tỷ bảng Anh) dưới dạng cổ phiếu UBS.

Với quyết định này, các cổ đông nói trên mặc dù chỉ nhận được một khoản tiền rất nhỏ, ít hơn một franc trên một cổ phiếu, nhưng theo quyền, con số này phải bằng 0. Theo các quy tắc đã được thống nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008: các cổ đông phải hấp thụ trước các khoản lỗ và chỉ sau khi sử dụng hết công cụ này, mới đến các trái chủ chịu trách nhiệm.

Tính đến hiện tại, Credit Suisse là trường hợp mất mát lớn nhất trong lịch sử trái phiếu AT1, khiến nhà đầu tư phải tái cân nhắc loại chứng khoán này.

Chuyện gì đã xảy ra?

AT1 - trái phiếu cấp 1 bổ sung (additional tier 1), là một loại trái phiếu ngân hàng ra đời sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vốn được thiết kế để tăng vùng đệm an toàn cho các ngân hàng, đồng thời giải quyết rủi ro “quá lớn để sụp đổ” mà các ngân hàng có thể cần sự hỗ trợ của chính phủ nếu khủng hoảng xảy ra.

Như vậy có thể hiểu, AT1 được thiết kế như một loại trái phiếu để chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu khi các ngân hàng gặp khó khăn.

Trong việc tiếp quản Credit Suisse, Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) cho biết, thỏa thuận này sẽ kích hoạt "việc ghi giảm hoàn toàn" giá trị của tất cả các trái phiếu AT1 của ngân hàng - đồng nghĩa với việc các trái chủ sẽ mất trắng khoản đầu tư của họ.

Điều này đã khiến thị trường hoảng sợ và châm ngòi cho việc bán tháo của các trái chủ ngân hàng khác, trong bối cảnh nhà đầu tư đau đầu với suy nghĩ liệu điều tương tự có thể xảy ra đối với các trái phiếu AT1 họ đang nắm giữ ở các ngân hàng khác hay không?

Trái phiếu AT1 là gì?

Với vai trò then chốt là nhà cung cấp tài chính cho hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp, các ngân hàng chịu sự quản lý chặt chẽ – bao gồm các quy định về số tiền họ nên dành ra để bù đắp các tổn thất tiềm ẩn.

Để làm được điều này, các ngân hàng nắm giữ một lượng vốn nhất định - về cơ bản là tiền huy động được từ các cổ đông và các nhà đầu tư khác, cũng như bất kỳ khoản lợi nhuận giữ lại nào - để phục vụ như một bộ giảm xóc trong thời kỳ căng thẳng.


Các cổ đông của Credit Suisse sẽ không bị xóa sổ hoàn toàn nhưng sẽ được đền bù bằng cổ phiếu của UBS.

Theo các quy tắc, được đẩy mạnh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng nắm giữ nhiều mức vốn khác nhau được chia thành các cấp - hơi giống một chiếc bánh xếp tầng kiểu bánh trong đám cưới.

Đứng đầu là vốn cổ phần phổ thông cấp 1, là nguồn vốn chủ yếu của ngân hàng, được rút ra từ vốn cổ đông và lợi nhuận giữ lại.

Lớp tiếp theo là vốn AT1, hoạt động như một chứng khoán lai giữa trái phiếu và cổ phiếu. Trái phiếu AT1 – đôi khi được gọi là trái phiếu chuyển đổi dự phòng, hoặc CoCos – một loại trái phiếu huy động vốn do ngân hàng phát hành có thể chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu nếu mức vốn của ngân hàng đó thấp hơn yêu cầu. Điều này giúp giảm nợ, đồng thời giúp ngân hàng tăng vốn hóa.

Đây là loại trái phiếu đặc biệt, như một cách để “bảo lãnh” cho các ngân hàng đang phá sản - trái ngược với gói cứu trợ kinh tế hoạt động bằng tiền của người nộp thuế - bằng cách chuyển thiệt hại sang các nhà đầu tư. Do đó, những trái phiếu này mang lại lợi tức cao hơn, nhưng có rủi ro lớn hơn cho những người nắm giữ chúng, vì nếu hoạt động kinh doanh của ngân hàng suy giảm mạnh, tổ chức đó có thể xóa nợ trái phiếu AT1 của mình.

Bên dưới là vốn cấp 2, có thể bao gồm nợ thứ cấp – trái phiếu xếp sau nợ cao cấp và tiền gửi thông thường.

Vấn đề ở Credit Suisse là gì?

Tranh cãi lớn về việc tiếp quản Credit Suisse tập trung vào hệ thống phân cấp: Ai sẽ bị thiệt hại khi ngân hàng gặp khó khăn? Một mặt, các nhà đầu tư đã mua trái phiếu AT1 đứng trước rủi ro bị mất sạch tiền đầu tư.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là vì sao các cổ đông của Credit Suisse sẽ không bị xóa sổ hoàn toàn mà sẽ được đền bù dưới dạng cổ phiếu UBS trị giá tương đương 0,76 Sfr (0,67 bảng Anh) một cổ phiếu.

Thông thường, khi một công ty phá sản, các trái chủ xếp hạng trước các cổ đông theo thứ tự phân hạng chủ nợ đối với bất kỳ khoản thu hồi nào có thể được thanh toán. Mặc dù mong muốn được xếp sau các trái chủ thông thường theo thứ tự ưu tiên, nhưng những người sở hữu trái phiếu AT1 vẫn nghĩ rằng họ sẽ xếp trước các nhà đầu tư bằng vốn cổ phần.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Trong trường hợp của Credit Suisse, tài liệu về trái phiếu cho thấy các nhà quản lý Thụy Sĩ có quyền thay đổi hệ thống phân cấp thông thường. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng một tiền lệ có thể được thiết lập, điều này sẽ đẩy chi phí nợ AT1 lên cao trong tương lai.

“Sẽ cần phải có thêm phí bảo hiểm cho những chứng khoán đó, ít nhất là trong môi trường hiện tại” - Jerry del Missier - cựu giám đốc điều hành của Barclays, hiện là giám đốc đầu tư tại Copper Street Capital, cho biết. “Thông điệp rõ ràng đã được gửi đi rằng nếu một ngân hàng dường như đang gặp rắc rối – và định nghĩa về rắc rối hiện bao gồm cả sự “mất niềm tin” bên cạnh các cân nhắc về khả năng thanh toán và thanh khoản – những người nắm giữ AT1 sẽ ngay lập tức nhận định có xác suất được giải quyết cao hơn”.

Cố gắng làm dịu thị trường vào hôm 20/3, các nhà quản lý châu Âu khác đã đưa ra tuyên bố nói rằng chủ sở hữu trái phiếu AT1 sẽ chỉ bị lỗ sau khi các cổ đông bị xóa sổ – không giống như những gì đã xảy ra tại Credit Suisse.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cơ quan ngân hàng châu Âu - tổ chức giám sát hoạt động ngân hàng của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các công cụ vốn chủ sở hữu phổ thông (cổ đông) là những người đầu tiên chịu lỗ và chỉ sau khi sử dụng hết công cụ, AT1 mới được yêu cầu áp dụng. Tức là, chỉ khi nhóm trước đã mất trắng thì các nhóm sau mới được tính đến.

“Cách tiếp cận này đã được áp dụng một cách nhất quán cho các trường hợp trước đây và sẽ tiếp tục là định hướng cho các hành động của cơ quan giám sát ngân hàng SRB và ECB khi can thiệp khủng hoảng. AT1 đang và sẽ vẫn là một phần quan trọng trong cơ cấu vốn của các ngân hàng châu Âu” - ECB cho biết trong một tuyên bố chung.

Theo Ngân hàng Trung ương Anh, trái phiếu AT1 xếp hạng trước vốn cấp 1, đồng thời thông tin thêm: “Những người nắm giữ các công cụ như vậy (cổ đông) sẽ phải đối mặt với các khoản lỗ khi giải quyết hoặc mất khả năng thanh toán theo thứ tự vị trí của họ trong cấp bậc này”.

Thụy Sĩ giải quyết một vấn đề tại Credit Suisse, nhưng tạo ra một vấn đề khác cho các trái chủ

Cách tiếp cận của Thụy Sĩ - có khả năng có thể gây ra những hậu quả lớn. Nếu trái phiếu AT1 được coi là rủi ro hơn giả định trước đây, các ngân hàng sẽ phải đưa ra mức lãi suất cao hơn để phát hành chúng, điều này sẽ làm tăng chi phí của họ với tác động dây chuyền theo thời gian đối với tín dụng trong thế giới thực. Vì các công cụ này được cho là trị giá 275 tỷ USD đang được phát hành trên toàn thế giới, nên đây không phải là một thị trường nhỏ, đó cũng là lý do khiến các cơ quan quản lý khác ở châu Âu lập tức phản hồi rằng, không có gì thay đổi ở sân sau của họ.

Với một công cụ tài chính được thiết kế để hấp thụ các cú sốc nhưng lại có thể bắt đầu tạo ra một vài cú sốc, điều này sẽ không giúp tăng thêm niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Song, những người nắm giữ trái phiếu AT1 tại các ngân hàng không phải của Thụy Sĩ có thể nhún vai và nói rằng đó chỉ là hành động của người Thụy Sĩ, mang phong cách riêng của Thụy Sĩ, đây cũng là điều mà ECB đang hy vọng.

Tin tốt hơn là căng thẳng trong thế giới ngân hàng đang giảm bớt khi các ngân hàng trung ương cung cấp một lượng lớn thanh khoản bằng đô la, nhưng tác động lâu dài của vụ AT1 vẫn là một ẩn số lớn.

Tác giả: Hoàng Lê/ Theo The Guardian

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến