Dòng sự kiện:
Trái phiếu chính phủ đã hội đủ yếu tố để hình thành thị trường hợp đồng tương lai?
05/10/2018 15:48:48
Việc triển khai thành công sản phẩm HĐTL TPCP không những giúp thị trường TPCP vận hành hiệu quả hơn mà còn là một nhân tố quan trọng để kích thích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Sáng ngày 5/10, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) tổ chức hội thảo “Triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ”. 

Có thể nói, đây là một bước thăm dò để làm rõ hơn nhu cầu giao dịch Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ của các thành viên thị trường, trước thời điểm triển khai sản phẩm chứng khoán phái sinh thứ hai đang cận kề.

Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ sẽ được triển khai trong quý IV này. Đến nay, mọi công việc chuẩn bị do HNX và VSD triển khai để đưa sản phẩm này vào giao dịch đã cơ bản hoàn tất, chỉ chờ ngày khai trương.

Ảnh minh hoạ

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc HNX, với các quy định hiện hành và sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) hiện nay, đã hội đủ yếu tố để hình thành thị trường hợp đồng tương lai (HĐTL) TPCP.

Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng chứng khoán phái sinh (HNX) cho biết thêm, thị trường TPCP vừa qua phát triển mạnh mẽ. Sau 13 năm, khối lượng huy động vốn qua HNX từ 205 tỷ đồng năm 2005 tăng lên mức cao nhất 316.729 tỷ đồng năm 2016, đạt 194.315 tỷ đồng năm 2017 và 6 tháng đầu năm 74.581 tỷ đồng. 

Thị trường sơ cấp có một số đặc điểm lớn như: quy mô trúng thầu trên thị trường cơ sở tăng trưởng tốt; phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu từ 5 năm đến 30 năm, trong đó cơ cấu phát hành ngày càng dài hạn: kỳ hạn phát hành bình quân của trái phiếu Kho bạc Nhà nước được kéo dài lên 12,86 năm; cơ cấu nhà đầu tư cũng dần chuyển dịch, tỷ lệ tham gia của các quỹ bảo hiểm và các quỹ đầu tư tính trong 7 tháng đầu năm 2017 đã tăng lên 53,2%.

Đặc điểm trên thị trường thứ cấp, theo bà Hà đó là quy mô niêm yết tăng mạnh: Thời điểm cuối năm 2010, tính đến 31/12/2017, quy mô niêm yết tăng gấp 5 lần; quy mô giao dịch cũng tăng trưởng mạnh (năm 2017 gấp 24 lần so với năm 2010) với giá trị giao dịch bình quân tăng từ mức 375 tỷ đồng/phiên năm 2010 lên 9.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017 và 10.099 tỷ đồng/phiên trong 7 tháng đầu năm; tỷ trọng giao dịch repo tăng mạnh, chiếm 52,3% giao dịch toàn thị trường.

Dự kiến mẫu HĐTL với TPCP 5 năm bao gồm: tài sản cơ sở là TPCP kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần, trả gốc 1 lần khi đáo hạn; quy mô hợp đồng là 1 tỷ đồng; hệ số nhân 10.000; tháng đáo hạn là 3 tháng cuối 3 quý gần nhất; biên độ dao động +/-3% so với giá tham chiếu; tiêu chuẩn trái phiếu giao hàng là TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành, có kỳ hạn 3-7 năm tính đến ngày thanh toán cuối cùng, có giá trị niêm yết tối thiểu 2.000 tỷ đồng và hệ số chuyển đổi được tính theo lãi suất danh nghĩa 5%/năm; giới hạn lệnh là 500 hợp đồng/lệnh…

Theo bà Hà, một số chiến lược có thể dùng khi giao dịch HĐTL TPCP như: Bán khống (HĐTL TPCP cho phép nhà đầu tư có thể thu lời từ việc lãi suất thay đổi ngay cả khi họ không nắm giữ trái phiếu); thay đổi thời gian đáo hạn bình quân của rổ trái phiếu; thay đổi tỷ trọng của danh mục đầu tư một cách dễ dàng mà không làm thay đổi cấu phần bằng cách mua/bán HĐTL; phòng ngừa rủi ro biến động lãi suất cho danh mục đầu tư trái phiếu.

Có thể thấy, thị trường TPCP tại Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh mẽ trong những năm vừa qua và chiếm khoảng 22% GDP năm 2017, do đó nhu cầu phòng vệ rủi ro cho các giao dịch TPCP là rất lớn. TPCP là một loại chứng khoán an toàn, có độ rủi ro thấp hơn so với các loại chứng khoán khác nhưng có quy mô giao dịch rất lớn và cần tính chuyên nghiệp cao.

Nếu triển khai thành công sản phẩm HĐTL TPCP không những giúp thị trường TPCP vận hành hiệu quả hơn mà còn là một nhân tố quan trọng để kích thích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển. Từ đó hướng đến một cơ cấu thị trường cân bằng giữa thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCKPS.

Ở đây, vai trò quan trọng của HĐTL TPCP là công cụ phòng vệ rủi ro lãi suất - một trong những rủi ro quan trọng mà các NHTM, các nhà đầu tư phải đối mặt. Triển khai thành công HĐTL TPCP sẽ thu hút các nhà đầu tư tổ chức, góp phần tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư nói riêng và tái cấu trúc TTCK nói chung, qua đó thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.

Hoàng Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến