Dù vậy, thị trường đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế và cần sự thay đổi mạnh mẽ, đồng bộ từ nhiều mặt để trở thành kênh huy động vốn hiệu quả và lành mạnh cho nền kinh tế.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, đến cuối tháng 9/2019, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 9,91% GDP. Ảnh: Minh Khuê
Nóng hay không?
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, đến cuối tháng 9/2019, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 9,91% GDP. Dự kiến, năm 2019 quy mô thị trường sẽ tăng 29% so với cuối năm 2018, gấp 9,6 lần so với năm 2012.
Trước ý kiến quan ngại thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phát triển “nóng”, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng thuộc Bộ Tài chính cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh trong thời gian gần đây là do các doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn để phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Từ góc độ khác, theo một chuyên gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhận định thị trường trái phiếu phát triển nóng là chưa chuẩn xác. Bởi lẽ, quy mô thị tường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ tương đương 10% GDP. Trong khi đó, con số này tại Thái Lan là 20,80%, Hàn Quốc là 73,57%; Malaysia là 33,77%, Singapore là 46,34%. “Có thể nói thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khởi và cần có nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý để phát triển thị trường này”, vị chuyên gia nói.
Quản lý, giám sát chặt chẽ
Dù chưa đến mức phát triển nóng, song theo ông Nguyễn Hoàng Dương, sự tăng trưởng và phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần gắn liền với công tác quản lý, giám sát.
Do đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, giám sát đối với hoạt động phát hành, đầu tư, giao dịch và cung cấp dịch vụ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời chấn chỉnh các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán trong hoạt động phát hành, đầu tư, giao dịch và cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Từ góc độ khác, đã có ý kiến lo ngại có rủi ro từ việc phát hành để "đảo nợ" và làm méo mó thị trường, tuy nhiên, vị chuyên gia trái phiếu nêu trên lại cho rằng, tái cơ cấu các nguồn vốn là việc các doanh nghiệp luôn cần làm.
Chẳng hạn, khi công ty mới phát triển ở giai đoạn sơ khai, phải đi vay ngân hàng với lãi suất 12%/năm cho giai đoạn 5 năm. Sau 2 năm kinh doanh sản xuất tốt và tiếp cận được với nguồn vốn mới có lãi suất thấp hơn, chẳng hạn 10%/năm cho 3 năm còn lại, doanh nghiệp phải vay ngay khoản đó và trả lại khoản cũ. Tất cả các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và hiệu quả đều phải đi vay. Khi khoản này đến hạn thì phải vay khoản khác thay thế, miễn làm sao dòng tiền lành mạnh.
“Vì vậy, nhìn nhận việc đảo nợ dưới góc nhìn tiêu cực là không thích hợp. Việc tái cơ cấu các khoản nợ xấu cũng vậy. Nếu tái cơ cấu để doanh nghiệp hồi phục trở lại và sinh lời thì đó là việc cần phải làm. Quan trọng là khung pháp lý phải chuẩn xác để không có lạm dụng”, vị chuyên gia nhận định.
Cần đổi mới đồng bộ
Đánh giá về xu hướng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng thuộc Bộ Tài chính cho rằng vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm. Đó là: Quy mô của thị trường nhỏ, phát hành trái phiếu chưa trở thành kênh huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp; thị trường thứ cấp chưa phát triển, thanh khoản sau khi phát hành thấp, tính công khai minh bạch còn hạn chế;…
Bên cạnh đó, hạ tầng thị trường còn thiếu một số yếu tố như: tổ chức xếp hạng tín nhiệm chưa hoạt động và cung cấp dịch vụ; chưa có tổ chức định giá trái phiếu.
Thêm vào đó, đội ngũ nhà đầu tư còn mỏng, thiếu các nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh, nhà đầu tư chủ yếu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng thương mại. Các quỹ đầu tư chưa tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trong khi nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng mua trái phiếu, nhưng không có khả năng phân tích rủi ro và thiếu kinh nghiệm đầu tư.
Bộ Tài chính cho biết, đang xây dựng báo cáo các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó đề xuất các giải pháp tổng thể từ hoàn thiện khung khổ pháp lý đến phát triển cơ sở nhà đầu tư, tổ chức thị trường, tăng cường quản lý, giám sát. Theo đó, bên cạnh vấn đề về thị trường sơ cấp, vấn đề về cơ sở hạ tầng thị trường và phát triển thị trường thứ cấp đang là các nội dung được quan tâm.
Từ góc nhìn thị trường, một số chuyên gia cho rằng, cần có sự đổi mới đồng bộ của các cơ quan chức năng và bộ máy xây dựng hành lang pháp lý, tất cả các bộ phận phải phát triển đồng bộ mới có thể tạo dựng được thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh và phát triển đúng mục tiêu.
Theo báo Đấu thầu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy