Dòng sự kiện:
Trái phiếu ngân hàng hút nhà đầu tư
23/06/2019 09:00:50
Mặc dù mức lãi suất chưa thực sự hấp dẫn nhưng các đợt phát hành trái phiếu của các nhà băng những năm qua đều có kết quả khả quan, được nhà đầu tư mua hết.

Các đợt phát hành trái phiếu của các nhà băng những năm qua đều có kết quả khả quan, được nhà đầu tư mua hết. 

Theo báo cáo của CTCP chứng khoán (MBS), từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) đã phát hành gần 60.000 tỷ đồng trái phiếu DN, trong đó nhóm ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chiếm tỷ trọng 72%…

MBS cho biết, ngành ngân hàng hiện dẫn đầu về phát hành trái phiếu DN với giá trị phát hành 18.200 tỷ đồng, chiếm 32%.

Dồn dập phát hành trái phiếu

Khảo sát thị trường có thể thấy, từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng đã phát hành thành công trái phiếu như: VPBank, HDBank, VIB, TPBank, SeABank…

Dẫn đầu nhóm ngân hàng là VPBank phát hành 5.900 tỷ đồng, chiếm 32%, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,4% – 6,9%.

Tiếp đó là HDBank với 4 đợt phát hành trái phiếu trong vòng 6 tháng đầu năm thu về 4.400 tỷ đồng. Cụ thể, đợt 1 và đợt 2 phát hành trong tháng 4 với 25 triệu trái phiếu tương ứng tổng giá trị phát hành 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 2 – 3 năm; đợt 3 và đợt 4 phát hành trong tháng 5 với tổng giá trị 1.900 tỷ đồng, trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

Mới đây, TPBank (TPB) đã thông qua chủ trương lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế vốn cấp 2 trong năm 2019.

Được biết, số trái phiếu này sẽ được niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore và là trái phiếu thường, không chuyển đổi.

Cuối tháng 5 vừa qua, VietinBank cũng đã nhận được chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc phát hành trái phiếu năm 2019 với tổng mệnh giá phát hành là 10.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, ACB phát hành trái phiếu đợt 1 trong năm 2019 với 2.500 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu tương ứng tổng giá trị phát hành là 2.500 tỷ đồng.

Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngành ngân hàng, cho rằng việc các ngân hàng chọn phát hành trái phiếu trở thành xu hướng khi huy động vốn cấp 1 gặp nhiều khó khăn, dẫn tới sự cần thiết phải huy động vốn cấp 2 qua trái phiếu để bổ sung tăng tín dụng trung và dài hạn nhằm đáp ứng tỷ lệ quy định của NHNN, đồng thời là nguồn bổ sung vốn cấp 2 giúp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR).

Theo thống kê, mức lãi suất trái phiếu ngân hàng hiện nay phổ biến 6,4 – 7%/năm, kỳ hạn thường là 2 – 3 năm. Mức lãi suất trái phiếu ngân hàng cao nhất ghi nhận được trên thị trường hiện nay là 8,825%/năm của VIB (tuy nhiên chỉ áp dụng cho kỳ đầu tiên), theo sau là 7,3%/năm của SeABank, còn lại phổ biến dưới 7%/năm.

So sánh với trái phiếu do các DN, đặc biệt là DN bất động sản thì lãi suất trái phiếu của ngân hàng còn thấp hơn rất nhiều, có thời điểm chỉ bằng một nửa.

Chẳng hạn, Bất động sản Phát Đạt phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 14,45%/năm, kỳ hạn 1 năm; CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm, trả lãi 6 tháng/lần; CTCP Đầu tư Văn Phú phát hành trái phiếu năm lãi suất 12%/năm…

Vì sao "đắt hàng"?

Mặc dù mức lãi suất chưa thực sự hấp dẫn nhưng các đợt phát hành trái phiếu của các nhà băng những năm qua đều có kết quả khả quan, được nhà đầu tư "mua sạch".

Vì sao lãi suất thấp hơn so với các DN khác, nhưng trái phiếu ngân hàng vẫn "đắt hàng"?. Một chuyên gia cho rằng không chỉ thấp hơn lãi suất trái phiếu DN bất động sản, chứng khoán…, thậm chí lãi suất trái phiếu chỉ ở mức tương đương, hoặc có thể thấp hơn lãi suất tiết kiệm, song các nhà đầu tư vẫn muốn mua vì độ tin cậy, uy tín và tính an toàn của sản phẩm này.

Chuyên gia này phân tích: khách hàng sẽ yên tâm hơn vì ngân hàng và tổ chức tư vấn phát hành là những tổ chức uy tín, nghiên cứu kỹ tình hình hoạt động kinh doanh của DN. Ngoài ra, các sản phẩm đầu tư trái phiếu hiện hành cũng rất đa dạng và linh hoạt.

Khách hàng hoàn toàn có thể chuyển nhượng tự do hoặc nhượng lại cho ngân hàng một cách dễ dàng. Với các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm, người gửi sẽ được cầm về sổ tiết kiệm, còn chứng chỉ tiền gửi thì có chứng chỉ hoặc đầu tư trái phiếu sẽ có giấy xác nhận đầu tư.

Trong khi đó, mức độ minh bạch thông tin của nhiều DN bất động sản ở Việt Nam không cao nên nhà đầu tư có thể đối mặt với những rủi ro khi mua phải trái phiếu của những DN kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả.

Ngoài ra, nhiều DN có năng lực tài chính hạn chế, dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, khả năng hoàn vốn thấp. Chưa kể, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, trình độ quản lý thấp, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể.

Đặc biệt, nhiều DN còn ngại công bố thông tin, thậm chí giấu thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa rõ ràng, trong khi tính minh bạch là một trong những điều kiện quan trọng.

Đánh giá chung về xu hướng thị trường trái phiếu thời gian tới, hầu hết các ý kiến chuyên gia đều cho rằng đầu tư vào trái phiếu sẽ tiếp tục tăng trưởng, các ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh này để hút vốn dài hạn trong bối cảnh NHNN ngày càng siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các nhà băng.

Theo Thời báo kinh doanh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến