Dòng sự kiện:
Trạm thu phí thứ 2 sẽ được xây dựng trên tuyến tránh Cai Lậy
25/02/2020 21:45:20
Đây là phương án được Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan thống nhất để thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang (BOT Cai Lậy).

Ngày 25/2, thông tin báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay cơ quan này và các đơn vị có liên quan thống nhất chọn phương án đầu tư thêm trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy để thực hiện hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy.

Như vậy, để thực hiện hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy, chủ đầu tư là Công ty TNHH BOT đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang sẽ được thu phí hai trạm, gồm trạm thu phí hiện hữu trên quốc lộ 1 và trạm thu phí được xây mới trên tuyến tránh Cai Lậy.

Theo đó, trạm thu phí hiện hữu sẽ thực hiện hoàn vốn cho phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang), còn trạm thu phí sắp xây trên tuyến tránh sẽ hoàn vốn cho phần đầu tư, xây dựng tuyến tránh Cai Lậy. Theo ông Nhật, với phương án thu phí như vậy, trạm thu phí nào hoàn vốn xong sẽ tiến hành dỡ bỏ.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy hiện hữu trên QL1 

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về chi phí đầu tư dự án BOT Cai Lậy (có cập nhật kết luận của thanh tra, kiểm toán) cho biết: tổng chi phí đầu tư là trên 1.380 tỉ đồng. Trong đó, tuyến tránh là 680,77 tỷ đồng, phần tăng cường mặt đường (quốc lộ 1 đoạn qua Tiền Giang) là hơn 379 tỷ đồng, xây trạm thu phí là trên 100 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 219 tỷ đồng.

Phương án được Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan thống nhất như nêu trên cũng trùng với phương án đã được tỉnh Tiền Giang chọn trước đó, tức sẽ xây thêm một trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy.

Tuy nhiên, song song với phương án đã được thống nhất như nêu trên, thì các đơn vị liên quan thực hiện phân luồng xe qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (đoạn thuộc dự án BOT Cai Lậy) theo hướng: cấm xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 ghế ngồi (trừ xe buýt) vào thị xã Cai Lậy hay nói cách khác phải đi trên tuyến tránh.

Trên thực tế, việc phân luồng này đã được Tổng cục đường bộ Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho thực hiện trước đó.

BOT Cai Lậy khởi công năm 2014, đến năm 2017 hoàn thành và bắt đầu thu phí từ tháng 8/2017. Sau đó, nhiều tài xế đã phản đối bằng cách sử dụng tiền lẻ mua vé, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng buộc phải xả trạm nhiều lần. Sau đó, trạm dừng thu phí từ tháng 12/2017 đến nay.

Tháng 10-2019, tỉnh Tiền Giang thống nhất chọn phương án 2 là xây dựng thêm trạm thu phí trên tuyến tránh và thực hiện thu phí đồng thời cả hai trạm.

Thu Trang (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến