Hoạt động kinh doanh của Garmex Saigon vẫn tiếp tục ảm đạm khi không thu nổi 2 triệu đồng/ngày. Ảnh: GMC.
Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét của Công ty CP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) cho biết doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm nay của doanh nghiệp chỉ đạt gần 359 triệu đồng, giảm gần 23 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Đây chủ yếu là doanh thu đến từ việc cung cấp dịch vụ và mua bán máy thanh lý đã qua sử dụng. Trong khi công ty không hề ghi nhận phần doanh thu nào từ bán thành phẩm.
Kinh doanh trong tình trạng "trắng" đơn hàng suốt từ đầu năm, Garmex Sài Gòn phải sống nhờ hoạt động tài chính và thu nhập khác.
Trong 6 tháng qua, doanh thu hoạt động tài chính của công ty - phần lớn là lãi tiền gửi ngân hàng - tăng nhẹ lên hơn 2,5 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty ghi nhận khoản thu nhập đột biến gần 8,7 tỷ đồng từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định.
Nhờ phần thuế thu nhập doanh nghiệp được hoàn lại, Garmex Sài Gòn vẫn báo lãi hơn 755 triệu đồng. Tuy vậy, mức lợi nhuận này đã giảm mạnh so với mức lãi hơn 33 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoài.
Với doanh thu và lợi nhuận nói trên, công ty này còn cách rất xa so với kế hoạch gần 50,5 tỷ đồng doanh thu và 40 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đã đề ra cho cả năm.
Tính đến cuối tháng 6, Garmex Sài Gòn đã thanh lý một số máy móc thiết bị, công cụ dụng cụ với số tiền gần 9,3 tỷ đồng, chiếm hơn 2% tổng tài sản. Công ty vẫn ghi nhận tồn kho hơn 160.600 sản phẩm tủ vải, trị giá gần 122 tỷ đồng.
Trong bối cảnh ngành dệt may ảm đạm, Garmex Sài Gòn đã chuyển hướng sang triển khai kinh doanh nhà thuốc tại mặt bằng sẵn có trên đường Hồng Bàng (quận 5, TP.HCM), đồng thời thúc đẩy dự án bất động sản nhà ở Phú Mỹ (Bà Rịa - Vùng Tàu) để bán sản phẩm nhằm thu hồi vốn đầu từ.
Garmex Sài Gòn từng là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may ở TP.HCM với doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng và trên 4.000 nhân công. Công ty này có 5 nhà máy gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên (TP.HCM), Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Quảng Nam với tổng diện tích hơn 10 ha, gồm 70 dây chuyền sản xuất.
Tuy nhiện, tại thời điểm 31/12/2023, tổng số lao động của doanh nghiệp này chỉ còn vỏn vẹn 35 người, giảm 2.066 lao động so với năm 2022. Tính chung 2 năm gần nhất, doanh nghiệp này đã cắt giảm tổng cộng khoảng 3.775 lao động.
Kể từ đầu năm ngoái, ngành dệt may đã phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Trong đó, vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Mỹ và châu Âu đã khiến sức mua và đơn hàng sụt giảm.
Những yếu tố này đã tác động làm giá trị xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam giảm hơn 9% trong năm 2023, đạt khoảng 40,3 tỷ USD, theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).
Trong bối cảnh đó, Garmex Sài Gòn cũng chỉ nhận được một số đơn hàng gia công nhỏ, giá cạnh tranh để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, do năng suất thấp nên doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Trong văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) hồi tháng 3, Garmex Sài Gòn bỏ ngỏ khả năng khôi phục mảng dệt may. Thay vào đó, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư bất động sản, bằng việc góp gần 24 tỷ đồng vào CTCP Phú Mỹ (công ty liên kết), chủ đầu tư của dự án nhà ở thương mại Phú Mỹ. Đồng thời, công ty có kế hoạch chuyển nhượng các thửa đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam.
Tác giả: Diệu Thanh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy