Tranh giành thị phần, doanh nghiệp FDI đem cả ô tô tiền tỉ tặng đại lý
08/01/2016 10:51:21
Nhiều doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản áp dụng mức chiết khấu lên đến 30% cho các đại lý, thậm chí tặng cả xe Camry tiền tỉ cho họ. Điều này đã làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tin liên quan

Trước phản ánh về việc có hiện tượng các doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn chăn nuôi chuyển giá và thao túng thị trường, mới đây, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu các bộ Tài chính, Công an, Công Thương và các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra. Mục tiêu là xem xét có hay không sự chuyển giá đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để xử lý theo quy định (văn bản số 8122/VPVP-KTTH về quản lý sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản ngày 7-10 của Văn phòng Chính phủ).

Trong buổi họp báo chiều 5-1 về tổng kết năm 2015 của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), cho hay vừa qua, đoàn thanh tra do ông Điền làm trưởng đoàn gồm đại diện của năm bộ (NNPTNT, Công An, Kế hoạch Đầu tư, Công Thương và Tài chính) kiểm tra bảy doanh nghiệp FDI sản xuất TACN, thủy sản có thị phần lớn nhất. Tuy nhiên ông Điền cho hay, đoàn vẫn chưa phát hiện ra hiện tượng chuyển giá.

Song, một điểm đáng chú ý, theo ông Điền, là tiền chiết khấu và tiền hoa hồng của các doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản rất lớn, lên tới 20-30%.

“Có những đại lý chỉ bán được vài chục tấn mỗi năm thôi nhưng tiền hoa hồng rất lớn và thậm chí còn được tặng xe Camry lên tới cả tỉ bạc”, ông Điền nói và đề nghị Bộ Tài chính xem xét thêm yếu tố này.

Cho cá ăn tại Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: TL

Về vấn đề chuyển giá, ông Điền cho biết trước đây, các bộ NNPTNT, Công an, Tài chính, Công Thương…  cũng đã từng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra doanh nghiệp FDI trong ngành này, song kết quả vẫn không doanh nghiệp nào bị kết luận liên kết định giá hay chuyển giá, tất cả mới chỉ dừng lại ở “nghi án”, hầu như chưa có sai phạm lớn nào được phơi bày.

Trong khoảng 15 năm qua, đã có vô số các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới tham gia ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản như các doanh nghiệp đến từ Thái Lan ( Công ty CP), Đài Loan ( Grobest, Uni President, Dinh dưỡng Á Châu...), Trung Quốc ( Thăng Long, Tongwei, Hoa Chen...), Hàn Quốc ( CJ Master...), Pháp ( Tomboy, Proconco...), Mỹ ( Cargill...). Các doanh nghiệp này ngày càng lớn mạnh và chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Riêng đối với thức ăn chăn nuôi cho tôm, ba doanh nghiệp FDI chiếm tới 80% thị phần là là Grobest, Uni President, và CP với sản lượng hàng năm của cả ba doanh nghiệp này là trên  600.000 tấn.

Theo một doanh nhân có nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản trong nước, doanh nghiệp FDI có rất nhiều lợi thế như kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, mối quan hệ với nguồn nguyên liệu đầu vào….Nhưng một yếu tố rất quan trọng là vốn của họ rất dồi dào với chi phí lãi vay thấp từ các ngân hàng nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam không đủ vốn đầu tư cho đại lý và người dân nên không phát triển được thị phần, không thể tăng giá khi có biến động chi phí đầu vào như tăng giá nguyên liệu hay tỉ giá thay đổi. “Đây là yếu tố sống còn và bóp chết doanh nghiệp Việt Nam”, vị doanh nhân này nói.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến