Dù vậy, những gia đình người có công vẫn luôn nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, các chính sách đối với người có công cũng được quan tâm, trong đó có những người đã tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ngày càng đầy đủ hơn.
Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tạ Hải/TTXVN
Tại cuộc gặp mặt đại biểu thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc mới đây, bà Vũ Thị Mỹ (70 tuổi), xã Đông Côn, huyện Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cho biết: Chồng bà là liệt sĩ Vũ Văn Thơm đã hy sinh tại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đúng ngày 17/2/1979. Khi cán bộ trên đơn vị về thăm và trao lại kỷ vật của chồng, chỉ còn chiếc chăn và cái bút bi.
“Chồng tôi đi bộ đội từ những năm 1961. Thời còn tại ngũ, thỉnh thoảng ông ấy cũng viết thư động viên tôi và các con nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Sau khi ông ấy mất, tôi vẫn luôn nỗ lực vươn lên với sự giúp đỡ của bà con lối xóm, sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương nên đời sống cũng đã được cải thiện. Nay 3 con tôi đã trưởng thành và luôn chăm lo cho tôi. Công tác quan tâm tới các gia đình thương binh, liệt sĩ cũng ngày càng tốt hơn”, bà Vũ Thị Mỹ chia sẻ.
Còn ông Bùi Văn Tuấn, xã Đại Đồng, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cho biết: Anh trai ông là liệt sĩ Bùi Văn Liên hy sinh tại đồi 400, bản Hòa Mục, xã Xuân Hòa, Hà Quảng (Cao Bằng) vào ngày 19/2/1979. Kỷ vật còn lại là lá thư chúc Tết gia đình đúng năm 1979. Theo lời mẹ ông Tuấn kể lại, đây là thư cuối cùng trước khi hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Trong bức thư là những lời nhớ thương, quan tâm, lo toan tới gia đình ở quê nhà dịp giáp Tết. Kết thúc bức thư, người chiến sĩ biên cương gửi gắm biết bao hứa hẹn, sự lạc quan “thư sau con viết nhiều”, “bao giờ được nghỉ phép về…”.
Cứ Tết đến, vào đúng những ngày tháng 2 lịch sử, gia đình ông Bùi Văn Tuấn lại đem lá thư đó ra để đọc cho con cháu nghe như là một lời nhắc nhở cũng như thương nhớ về người đã khuất.
Tay run run, đôi dòng lệ ngắn dài, ông Tuấn chậm rãi đọc thư: “Hà Quảng, 10/1/1979. Cha mẹ kính quý, các em thương nhớ! Cha mẹ ạ, lâu quá con không nhận được thư gia đình. Lòng con buồn không hiểu vì sao. Thư con đã gửi về cho cha mẹ tính đến nay đã hơn 2 tháng rồi. Con cứ đợi mãi không thấy tin gia đình. Ngồi buồn nhớ nhà, hơn nữa năm hết Tết đến. Năm nay chúng con ăn Tết tại đơn vị và có khả năng là ăn trước Tết… Nhớ cha mẹ và các em, vội cầm ngọn bút thay lời hỏi thăm sức khỏe của cha mẹ và các em. Vui sang năm mới con chẳng biết nói gì hơn, con kính chúc cha mẹ và các em cùng toàn thể trong đại gia đình có sức khỏe thật tốt, sản xuất và học tập thu được nhiều thắng lợi. Phần con mong cho cha mẹ và các em được biết vẫn mạnh giỏi bình an. Cha mẹ không phải lo nghĩ gì đến phần con nhiều miễn làm sao lo đủ cho các em con được ăn học là con vui nhiều”.
Bà Nguyễn Thị Sửu (áo đỏ) tại buổi gặp mặt đại biểu thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ảnh: TL
Còn bà Nguyễn Thị Sửu, quê xã Quế Lâm, Đoan Hùng (Phú Thọ), 59 tuổi, vợ liệt sĩ Hoàng Trọng Thúy chia sẻ: "Đám cưới của tôi diễn ra vào mùng 4 Tết năm 1980. Ngay sáng mùng 5 Tết, ông Thúy đã phải về lại Trường Quân chính (Tuyên Quang). Sau đó, năm 1984, ông Thúy được điều động lên bảo vệ biên giới phía Bắc tại Vị Xuyên, Hà Giang. Ngày 20/6/1987, ông Hoàng Trọng Thúy đã hy sinh tại Vị Xuyên".
“Phải 50 ngày sau, tôi mới nhận được tin chồng hy sinh tại Hà Giang. Đây là mất mát to lớn nhưng tôi vẫn luôn nhìn vào các con để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Lấy nhau 7 năm nhưng hai vợ chồng ở cạnh nhau chưa đầy 6 tháng. Liên lạc với nhau duy nhất là những lá thư. Bức thư cuối cùng ông ấy viết khi con đầu mới vào học lớp 1. Trong thư ông ấy dặn dò con học lớp 1 thật giỏi để lên lớp 2 thì khi về bố mua quà. Tuy nhiên, lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện. Đồng đội của chồng tôi là ông Đào Đắc Điểm hàng năm vẫn đến tặng quà là chiếc cặp, cuốn sách… để động viên các con tôi”, bà Nguyễn Thị Sửu chia sẻ.
Cũng theo bà Sửu, mỗi lần nhìn di ảnh của chồng, bà thầm nói với chồng mong ông siêu thoát phù hộ cho vợ con. Vì lúc ông Thúy còn sống, mỗi lần bận đi công tác, bà thường nói với chồng cứ yên tâm công tác, mọi việc ở nhà đã có gia đình... Giờ ông Thúy đã hy sinh vì Tổ quốc, bà Sửu đã thay chồng vừa là mẹ vừa là cha chăm sóc hai con khôn lớn, trưởng thành…
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 cho biết: “Cuộc chiến đã kết thúc, tuy nhiên còn nhiều hài cốt của liệt sĩ vẫn nằm dọc biên giới. Bây giờ chúng ta phải có trách nhiệm quy tập đưa các đồng đội về các nghĩa trang và quê mẹ…, nếu không vài chục năm nữa thi hài các chiến sĩ sẽ thành nước, thành đá… Thông tin Bộ Chỉ huy quân sự Hà Giang thành lập đơn vị quy tập các hài cốt liệt sĩ vẫn còn nằm lại trên điểm cao của chiến trường xưa cần sớm triển khai ”.
Còn Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Lê Tấn Dũng cho biết, trong những năm tới, công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ sẽ tiếp tục được quan tâm hơn nữa; việc rà soát bom, mìn sót lại sau chiến tranh sẽ tập trung ở những nơi có địa hình hiểm trở, nhất là ở các cao điểm trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong đó có huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, xác nhận người có công với cách mạng cũng được triển khai quyết liệt, khẩn trương, trách nhiệm.
Đáng chú ý, những điểm chưa hợp lý trong quá trình triển khai chính sách ưu đãi người có công đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.
Theo ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH), Pháp lệnh ưu đãi người có công hiện nay chưa quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bị địch bắt sau ngày 30/4/1975; mức trợ cấp một lần cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế còn thấp… Những nội dung này được đề xuất điều chỉnh, bổ sung cũng có nghĩa là các chính sách dành cho người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ ngày càng đầy đủ, hoàn thiện hơn.
Trong những năm qua, các cấp, ngành chức năng luôn quan tâm đến người có công nói chung, người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nói riêng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và bằng những tình cảm, trách nhiệm cao nhất.
Theo báo Tin tức
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy