Dòng sự kiện:
Triển vọng kinh tế toàn cầu 2019 lần đầu bị cắt giảm
26/10/2018 06:00:22
Cuộc khảo sát mới đây của Reuters cho thấy, các nhà kinh tế tỏ ra bi quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2019.

Kết quả này hoàn toàn trái ngược với cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu năm 2018 khi sự lạc quan về triển vọng mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu là đồng nhất trong giới chuyên gia.

Cuộc khảo sát ​​của Reuters được thực hiện trong tháng này với sự tham gia của hơn 500 nhà kinh tế cho thấy, mặc dù dự báo về tăng trưởng toàn cầu năm nay vẫn được giữ nguyên ở mức 3,8% như cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 7, tuy nhiên dự báo tăng trưởng năm 2019 đã giảm xuống mức 3,6% từ mức 3,7% của cuộc khảo sát trước đó. Đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ khi các nhà kinh tế bắt đầu dự báo về tăng trưởng năm 2019 vào tháng 7/2017.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm suy giảm kinh tế toàn cầu

Có tới 18 trong số 44 nền kinh tế được khảo sát đã bị cắt giảm triển vọng tăng trưởng, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi. Trong khi chỉ có 3 nền kinh tế được nâng nhẹ triển vọng tăng trưởng và 23 nền kinh tế khác được giữ nguyên. Một điểm đáng chú ý nữa trong cuộc khảo sát lần này là các nhà kinh tế cho rằng, tăng trưởng đã đạt đỉnh tại 70% trong số 44 nền kinh tế được khảo sát.

Theo Janet Henry - chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của HSBC, có một thực tế đơn giản đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay đó là Hoa Kỳ đang bùng nổ, trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới đều chậm lại hoặc thậm chí trì trệ. Những hiệu ứng gây ra bởi sự phân kỳ chính sách đang gây ra nhiều khó khăn cho nhiều thị trường mới nổi.

“Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất để ngăn chặn nền kinh tế Mỹ không rơi vào tình trạng quá nóng đang hạn chế các lựa chọn chính sách của các quốc gia trong bối cảnh điều kiện tài chính đang được thắt chặt lại và căng thẳng thương mại ngày càng tăng”, vị chuyên gia này cho biết.

Cũng có cái nhìn như vậy, Adam Slater - nhà kinh tế học hàng đầu tại Oxford Economics cho biết: “Dòng vốn chảy vào EM (các thị trường mới nổi) đã “dừng đột ngột” trong những tháng gần đây, đã tạo ra những hệ lụy đau đớn cho EM với mức thâm hụt đối ngoại lớn”.

Sự thay đổi về kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu đến ngay sau khi các thị trường tài chính đang chứng kiến đợt bán tháo mạnh, đặc biệt là tại những thị trường mới nổi, phần lớn là do những lo ngại về chiến tranh thương mại.

Đó chính là lý do mà phần lớn các nhà kinh tế tham gia khảo sát cho biết, có hai yếu tố gây ra cuộc suy thoái toàn cầu tiếp theo là sự leo thang hơn nữa của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự thắt chặt các điều kiện tài chính dẫn tới chứng khoán toàn cầu bị bán tháo mạnh trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng nhanh.

“Đầu tiên, sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại toàn cầu. Ngay cả khi tổn thất là không lớn và chủ yếu hướng tới các nền kinh tế mở, nhưng cuối cùng tất cả các nước đều sẽ tồi tệ hơn so với hiện nay”, Neil Shearing – Trưởng nhóm các nhà kinh tế của Capital Capital cho biết. “(Chiến tranh thương mại)... sẽ gây thiệt hại lâu dài cho sự tăng trưởng”.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc sau khi đã đánh thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc trước đó, có nghĩa toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc xuất sang sẽ bị đánh thuế. Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ trả đũa tương xứng. Nước này cũng đã đánh thuế lên tổng cộng là 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Phần lớn các nhà kinh tế nghiên cứu về Mỹ, những người được hỏi một câu hỏi bổ sung, đều cho biết chính sách kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc trong vài năm tới sẽ trở nên đối đầu hơn.

Trong khi đó, lãi suất tại Mỹ cũng được dự kiến sẽ tăng nhanh hơn so với cuộc thăm dò trước đó. Tất cả những điều đó có thể dẫn đến sự suy giảm đáng kể của kinh tế Mỹ vào cuối năm tới, ngay cả khi nó vẫn là động lực tăng trưởng toàn cầu hiện tại.

“Nguy cơ Mỹ tự gây thương tích cho mình đang tăng lên. Rủi ro suy giảm chính đối với triển vọng toàn cầu vẫn là nỗ lực của chính quyền Trump trong việc tái cân bằng thương mại với Trung Quốc thông qua chính sách thuế quan”, Jean-François Perrault - Kinh tế gia trưởng của Scotiabank lưu ý.

“Những hậu quả của căng thẳng thương mại leo thang là không thể phủ nhận: giá cao hơn ở Trung Quốc và Mỹ, trong khi sức mua của người tiêu dùng ở các nước này giảm, chi phí đầu vào cao hơn, biến động thị trường tài chính cao hơn, và có thể lãi suất cao hơn. Những hiệu ứng này có thể sẽ lan tỏa ra nơi khác từ những quốc gia này”, vị chuyên gia này cho biết thêm.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã không được dự kiến ​​sẽ mở rộng chương trình mua trái phiếu của mình trong năm nay, mặc dù đã có thêm những quan ngại về diễn biến kinh tế và chính trị của Italia, hay nguy cơ Brexit không thỏa thuận.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến