Với nền tảng tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các giải pháp của cơ quan quản lý, các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn trong năm 2023.
VN-Index quay trở lại vùng 1.180 - 1.200 điểm?
Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trước ảnh hưởng của các biến động về kinh tế - chính trị trên thế giới, cũng như các bước điều chỉnh chính sách trong nước, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2022 đã trải qua nhiều biến động, với xu hướng giảm điểm bắt đầu từ tháng 4, trong đó có những nhịp phục hồi vào tháng 5 và tháng 8 và cuối tháng 11 đến nay.
Tính đến ngày 30/11/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.048,42 điểm, giảm 30% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 208,79 điểm, giảm 56% so với cuối năm trước. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 30/11/2022 ước đạt 5.383 nghìn tỷ đồng, giảm 30,7% so với cuối năm 2021, tương đương 63,5% GDP.
Những biến động trên TTCK chủ yếu xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới (Ảnh minh họa: KT)
Cũng theo UBCKNN, thanh khoản thị trường có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, với giá trị giao dịch bình quân giảm từ 26.299 tỷ đồng/phiên trong tháng 4, xuống còn 13.017 tỷ đồng/phiên trong tháng 11. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.556 tỷ đồng/phiên, giảm 22,7% so với bình quân năm 2021.
“Những biến động trên TTCK nêu trên chủ yếu xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới”, đại diện UBCKNN cho hay.
Tuy nhiên, từ tháng 11, TTCK đã có sự hồi phục mạnh chủ yếu đến từ dòng tiền khối ngoại bắt đáy. Trong tháng 11 đến đầu tháng 12, thị trường hồi phục rất nhanh từ vùng đáy dưới 900 điểm, tăng một mạch và tiến sát 1.100 điểm chỉ trong vòng 3 tuần.
Dự báo về các kịch bản của TTCK trong tháng cuối năm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng có 2 kịch bản có thể xảy ra. Theo kịch bản 1, dòng tiền khối ngoại tiếp tục duy trì đà mua ròng mạnh mẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực lan tỏa trên thị trường.
“Thông điệp giảm nhịp độ tăng lãi suất của FED kể từ tháng 12/2022 sau dữ liệu lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu tạo đỉnh và các động thái từng bước gỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Chính phủ thực thi các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công được khẩn trương triển khai trong tháng cuối cùng bên cạnh những tín hiệu lạc quan về thị trường trái phiếu sẽ tạo động lực để VN-Index quay trở lại vùng 1.180 – 1.200 điểm”, chuyên gia của BSC cho hay.
Ở kịch bản 2, diễn biến trên thị trường trái phiếu chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và giải ngân đầu tư công chưa được như kỳ vọng. Mặt khác, đà tăng mua ròng của khối ngoại chậm lại bên cạnh tâm lý chốt lời lấn át sự hồi phục tích cực trước đó sẽ khiến VN-Index có thể quay trở lại ngưỡng 1.000 điểm.
“Nếu xuất hiện những thông tin và diễn biến bất lợi trong nước cũng như trên thế giới, VN-Index có thể lui về các vùng điểm thấp hơn đã thiết lập trước đó”, chuyên gia của BSC nêu quan điểm.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCSI) cho rằng, năm 2022 sắp kết thúc, hiện nay, chỉ số VN-Index đang dao động quanh ngưỡng 1.030-1.050 điểm. Thời điểm hiện tại, càng về cuối năm, tâm lý nhà đầu tư càng cẩn trọng hơn, các cá nhân, tổ chức đầu tư thường sẽ có nhu cầu chốt sổ cho nên cuối năm nay sẽ không có nhiều biến động.
“Chỉ số VN-Index sẽ kết thúc năm 2022 ở ngưỡng 1.030-1.100 điểm”, ông Đỗ Bảo Ngọc dự báo.
TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn
Nhận định về TTCK năm 2023, lãnh đạo UBCKNN cho rằng, bước sang năm 2023, TTCK Việt Nam vẫn có cơ hội. Cụ thể, trước tình hình lạm phát Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tháng vừa qua nên kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục giảm cường độ tăng lãi suất. Áp lực tỷ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần. Đây sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng.
Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam. Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023. Ngoài ra, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện đang ở mức 11,3 và được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với 100% hầu hết các thị trường khác trên thế giới.
"Tất cả những yếu tố trên cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn", bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCKNN nhìn nhận.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
“Nếu lãi suất huy động tiếp tục gia tăng như trong giai đoạn vừa qua thì dòng tiền sẽ tiếp tục quay trở lại hệ thống ngân hàng, đồng thời gây áp lực đến lãi suất cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn vay của doanh nghiệp trong nước; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới có thể khó khăn hơn”, lãnh đạo UBCKNN lo ngại.
Trong bối cảnh đó, nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt của TTCK, thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đại diện UBCKNN cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và thể chế. UBCKNN đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK.
Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của TTCK trong nước và quốc tế; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên TTCK, có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của TTCK; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững./.
Tác giả: Diệp Diệp
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy