Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters).
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 19/6 đưa tin, trong suốt hội nghị toàn thể lần thứ 3 kéo dài 4 ngày của Ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thảo luận về cách thức đối phó với những thách thức về kinh tế, bao gồm tình trạng thiếu lương thực và các nỗ lực chống dịch Covid-19.
Ông Kim Jong-un cũng thảo luận về việc duy trì mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông tuyên bố rằng Triều Tiên nên chuẩn bị sẵn sàng cho cả đối thoại và đối đầu, đặc biệt là chuẩn bị toàn diện cho đối đầu, trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang "thay đổi nhanh chóng".
Trước đó, Triều Tiên từng cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden theo đuổi "chính sách thù địch". Về phía Mỹ, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ đối phó các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên thông qua cả các biện pháp ngoại giao và răn đe.
Tại cuộc họp báo ngày 18/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết "tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ở giai đoạn quan trọng" và kêu gọi các quốc gia liên quan vào cuộc để giảm bớt căng thẳng.
Ông Triệu cho biết Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên liên quan, đặc biệt là Bình Nhưỡng và Washington, nên tìm kiếm một giải pháp lâu dài và thiết thực trong bối cảnh Triều Tiên vẫn duy trì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân mà nước này cho là cần thiết để đảm bảo sự tồn tại của mình.
Kết thúc hội nghị vào ngày 18/6, ông Kim Jong-un thay mặt Ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên tuyên bố Triều Tiên chắc chắn sẽ "vượt qua những khó khăn đặt ra trên con đường cách mạng và trung thành với lý tưởng cách mạng cho đến cùng", bất chấp "những khó khăn lớn hơn có thể phải đối mặt trong tương lai".
Một trong những thách thức được ông Kim Jong-un đề cập tới tại hội nghị lần này là khó khăn về kinh tế đặt ra với Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un cho biết nền kinh tế Triều Tiên đã cải thiện trong nửa đầu năm nay, với tổng sản lượng công nghiệp tăng 25% so với một năm trước. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng thừa nhận "một loạt sai lầm" trong nỗ lực thực hiện các kế hoạch do một số trở ngại, khiến nguồn cung lương thực trở nên khó khăn.
"Tình hình lương thực của người dân đang trở nên căng thẳng khi ngành nông nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản xuất ngũ cốc vì thiệt hại do bão vào năm ngoái", ông Kim Jong-un nói.
Hồi tháng 1, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa nhận kế hoạch kinh tế 5 năm trước đó của Triều Tiên đã thất bại trong hầu hết mọi lĩnh vực, trong bối cảnh tình trạng thiếu điện triền miên và thiếu lương thực ngày càng trầm trọng do các lệnh trừng phạt, đại dịch Covid-19 và lũ lụt.
Việc đóng cửa biên giới cùng với các biện pháp phòng dịch khác được cho là ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của Triều Tiên do hoạt động giao thương với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng - bị gián đoạn. Ngoài ra, việc phong tỏa biên giới cũng khiến Triều Tiên gặp khó khăn trong việc nhập khẩu và nhận viện trợ nhân đạo.
Báo cáo mới đây của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy, Triều Tiên có thể thiếu 860.000 tấn lương thực trong năm 2021.
Tác giả: Thành Đạt
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy