Dòng sự kiện:
Trồi sụt cho vay, ngân hàng lại “đặt cửa” trái phiếu
15/08/2014 16:41:00
Tín dụng tăng trưởng ì ạch và thậm chí có thể quay trở lại mức âm trong tháng 7 vừa qua được cho là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục đổ mạnh tiền của vào kênh tín phiếu ngân hàng và trái phiếu Chính phủ.

Trái phiếu đắt hàng…
 

Việc các ngân hàng tiếp tục đổ tiền vào kênh trái phiếu NHNN cũng như trái phiếu Chính phủ (TPCP) không còn là chuyện lạ hay quá bất ngờ suốt từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng cho vay toàn hệ thống đến cuối tháng 7 vừa qua chỉ nhích nhẹ lên con số 3,68% từ mức 3,52% vào cuối tháng trước đó theo báo cáo chính thức của NHNN. Chưa kể một số tổ chức đầu tư mới đây thậm chí còn đưa ra thống kê trong đó nhìn nhận, tín dụng nhiều khả năng còn quay đầu giảm trở lại mức 3,4%. Do đó sẽ hoàn toàn dễ hiểu khi mà chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) mua tới gần 89.000 tỉ đồng tín phiếu NHNN trong lúc lượng tín phiếu đạo hạn cùng thời gian chỉ đạt hơn 30.600 tỉ đồng. Có nghĩa rằng, bất chấp xu hướng giảm rõ rệt của lãi suất đầu tư vào tín phiếu và rõ nhất với mức giảm 0,3%, xuống còn 3,9% của kỳ hạn 91 ngày, các ngân hàng vẫn bỏ ra tới hơn 58.000 tỉ đồng vào kênh tín phiếu chỉ riêng trong một tháng.

Các NHTM đang đổ tiền vào trái phiếu Chính phủ.

Diễn biến tương tự dường như cũng xuất hiện ở kênh TPCP khi trong tháng này, tổng lượng đấu thấu thành công đạt tới gần 23.000 tỉ đồng, cao hơn nhiều mức 18.000 tỉ đồng và hơn 15.500 tỉ đồng lần lượt trong hai tháng trước đó. Sức hấp dẫn của trái phiếu đối với các ngân hàng thể hiện ở chỗ, tổng lượng phát hành thành công tín phiếu KBNN và TPCP trong tháng 7 đạt tới hơn 50% kế hoạch phát hành của cả quý III/2014. Trong đó, kỳ hạn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong quý là kỳ hạn 5 năm cũng hoàn thành 68% kế hoạch phát hành trong cả quý.
 
Số lượng trúng thầu TPCP gia tăng mạnh mẽ trái ngược hoàn toàn với sức hấp dẫn của kênh đầu này ngày càng giảm khi lợi suất TPCP ghi nhận mức giảm đáng kể trong tháng 7. Cho đến cuối tháng 7 vừa qua, so sánh của giới đầu tư cho thấy, lãi suất phát hành kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 22 điểm cơ bản (0,22%) so với lần phát hành gần nhất (ngày 26.6), kỳ hạn 5 năm giảm 36 điểm cơ bản so với hồi đầu tháng, kỳ hạn 3 năm cũng giảm 32 điểm cơ bản và kỳ hạn 2 năm giảm 12 điểm cơ bản. Ở thị trường thứ cấp, lợi suất giao dịch tại tất cả các kỳ hạn theo tính toán của giới đầu tư cũng giảm khoảng 50 điểm cơ bản so với thời điểm đầu tháng 7. “Tăng trưởng tín dụng khó khăn khiến các NHTM tiếp tục đổ tiền vào kênh tín phiếu NHNN và TPCP” – một tổ chức đầu tư phân tích.
 
...và tương lai cho lãi suất
 

Đặt giả thuyết tín dụng toàn hệ thống khó có thể bật tăng trở lại trong hai tháng còn lại của quý III/2014, lượng cung TPCP còn lại vào khoảng 24.000 tỉ đồng vốn khá ít ỏi sẽ tiếp tục là kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn của các NHTM. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, nếu các ngân hàng không sớm cải thiện được mức tăng trưởng tín dụng mà vẫn tiếp tục đầu tư vào kênh trái phiếu, nhiều khả năng lợi suất phát hành sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay và thậm chí không loại trừ khả năng sụt giảm tiếp.
 
Một tác động tích cực có thể phát sinh và được chờ đón trên thị trường có thể sẽ sớm xuất hiện. Bởi khi mức sinh lời khi đầu tư vào kênh TPCP giảm bớt, các NHTM sẽ buộc phải cân đối giảm chi phí đầu vào bằng cách giảm lãi suất huy động hoặc tìm mọi biện pháp để kích thích tăng trưởng tín dụng. “Trong trường hợp này, các ngân hàng có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay bên cạnh việc có thể đẩy mạnh phát triển các mảng tín dụng mới, đặc biệt là tín dụng cá nhân để bù đắp phần nào cho sự giảm sút của tín dụng doanh nghiệp” – một chuyên gia đưa đánh giá.
 
Đặt các tín hiệu trên thị trường tiền tệ như hiện nay bên cạnh diễn biến lạm phát 7 tháng đầu năm thấp cũng như dự báo lạm phát ở mức 5-5,5%, nhiều đơn vị kinh doanh chứng khoán chung quan điểm khi cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 0,5-1% trong thời gian ngắn sắp tới. Thực tế chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 7 vừa qua chỉ tăng nhẹ 0,23% so với tháng trước và tương đương các mức tăng của tháng 5, tháng 6. Chỉ số CPI theo đó chỉ mới tăng 1,62% so với cuối tháng 12 năm ngoái và tăng 4,94% so với cùng kỳ năm 2013. Ngay cả trong trường hợp CPI chịu tác động đáng kể trong tháng 9 tới do việc tăng học phí và có thể khiến chỉ số này tăng thêm khoảng 0,4-0,5%, lạm phát cả năm được dự báo sẽ vẫn ở mức thấp, dao động trong khoảng 5-5,5% - một điều kiện cần thiết cho động thái điều chỉnh lãi suất điều hành từ phía cơ quan ngân hàng trung ương.
 
VĂN NGUYỄN – laodong.com.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến