Dòng sự kiện:
Trong tháng 10 có kết quả đường bay thẳng
10/09/2014 16:10:11
ANTT.VN - “1 phút bay tiết kiệm cũng là quý hóa. Tổ công tác tiếp tục nghiên cứu đường bay thẳng HN-TP.HCM, báo cáo báo kết quả cuối cùng trong tháng 10”, đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT đối với Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan tại cuộc họp về thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội – TP.HCM, ngày 10/9.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai thực hiện đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất sử dụng vùng trời Lào và Campuchia, Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập Tổ công tác gồm đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan như: Vụ Vận tải, Vụ An toàn giao thông, Cục Hàng không Việt Nam, các Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam và một số doanh nghiệp bay.


Đêm ngày 3 và sáng ngày 4/9, 1 tổ bay của Vietnam Airline và các Thanh tra bay Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện các các nội dung bay kiểm chứng bằng buồng lái giải định (bay SIM). Sau 4 ngày bay thử nghiệm, kết quả cho thấy, phương án bay thẳng từ Hà Nội đi TP.HCM có tổng quãng đường bay là gần 1.200km, với thời gian bay là 1giờ 43phút. Trong khi đường hàng không hiện tại có tổng quãng đường bay là 1.276km, thời gian bay là 1 giờ 48phút. Như vậy, chênh lệch giữa hai phương án bay theo đường hàng không thẳng giảm được được 5 phút, 190 kg nhiên liệu và 85 km so với phương án bay cũ.

Theo ông Thanh, kết quả này đã được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) kiểm tra lại và khẳng định, kết quả bay thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM qua không phận Lào và Campuchia của Cục Hàng không Việt Nam là đáng tin cậy.

Ông Lại Xuân Thanh cũng cho biết, Lào và Campuchia cũng ủng hộ việc mở đường bay này. 

Tuy nhiên, ông Lại Xuân Thanh cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là yêu cầu phía Lào, Campuchia cho chúng ta sử dụng mức bay tối ưu với mức bay 350, tức là ở độ cao trên 10 nghìn mét. Nếu bay mực thấp hơn như hiện phía Lào và Campuchia chấp thuận từ mức bay 240-280 ở độ cao từ 7.300 đến 8.550m thì sẽ không tiết kiệm được cả về thời gian và nhiên liệu. 

“Vấn đề lớn nhất là yêu cầu phía nước bạn cho chúng ta sử dụng mực bay tối ưu. Nếu nằm ở mực bay 280 thì chắc chắn không thể thực hiện được đường bay thẳng này, kể cả yếu tố về thời gian, tiết kiệm chi phí nhiên liệu… thì đều không khả thi nếu nằm ở mực bay 280 thì đấy là một trong những khó khăn nhất về mặt kỹ thuật của hàng không, là làm sao cùng với các bạn Lào về mực bay tối ưu”, ông Lại Xuân Thanh nói.

Phân tích về thuận lợi khi có thêm đường bay mới, ông Đinh Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam khẳng định, có đường bay thẳng vẫn tốt hơn là không có. Bởi ngay cả khi đường bay thẳng không tiết kiệm được phút nào thì nó vẫn sẽ giải quyết bài toán tổng thể đường bay của chúng ta. 

Ông Thắng khẳng định: “Vào mùa bão, nếu tính bình quân mỗi năm chúng ta có 10 cơn bão, trong đó bình quân một nửa cơn bão vào Việt Nam thì chungs tôi sơ tính cp 5 cơn bão và có 5 ngày có bão từ biển đông vào thì chúng ta phải bay tránh sang phía Tây. Như vậy, một ngày đường bay Hà Nội – TP. HCm có 50-60 chuyến bay thì mỗi năm cũng có khoảng 200- 300 chuyến bay phải bay sang đất nước lào và Campuchia. Và đường bay lệch hiện Lòa và Campuchia có sẵn cũng xa hơn rất nhiều so với đường bay thẳng này. Nên việc có đường bay thẳng sẽ tốt hơn rất nhiều”.

Ông Đinh Việt Thắng cũng đề xuất, trước mắt, với đường bay thẳng Hà Nội – TP.HCM chỉ bay một chiều từ TP.HCM ra Hà Nội thì bay thẳng, nhưng bay từ Hà Nội vào TP.HCM thì nên bay theo đường cũ. Như vậy, nước bạn Lào sẽ dễ thu xếp mực bay và phù hợp với khả năng, lại đảm bảo an toàn cho ngành hàng không.

Đại diện các hãng hàng không đều đồng tình với quyết tâm mở đường bay thẳng của Bộ GTVT, bởi dù rút ngắn một phút hay mấy trăm kg nhiên liệu cũng là rất quý với doanh nghiệp hàng không. Đại diện hãng hàng không Jetstar cũng cho rằng, các năm vừa qua, do điều kiện thời tiết, hãng này phải bay tránh sang vùng phía Tây. Mỗi lần vòng tránh đều phải xin phép bay của Cục Hàng không Việt Nam, phía Lào và Campuchia. Do vậy, với đường bay thẳng mới, việc xin phép được làm từ ngay đầu đường bay sẽ thuận lợi nhiều về thủ tục hành chính.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị bộ Tổ công tác của Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét lại quy hoạch vùng trời, quy hoạch Cảng hàng không, xây dựng hiệu quả nhất vùng trời và các cảng hàng không. Về đường bay thẳng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, sẽ trực tiếp làm việc với Bộ trưởng giao thông hai nước Lào và Campuchia về những vấn đề cần thiết. Nếu vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ GTVT sẽ báo cáo lên Chính phủ. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Chúng ta phải quán triệt chủ trương việc nghiên cứu, nắn lại các đường bay cho thẳng hơn, cho hiệu quả hơn là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan. Đây là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, trước hết là của Cục Hàng không, của hệ thống vận tải đối với đất nước, đối với nhân dân với mục tiêu đảm bảo quốc phòng an ninh, cũng như hiệu quả kinh tế trong hoạt động hàng không. Như vậy tất cả cơ quan liên quan đều quán triệt tư tưởng này để phối hợp, nghiên cứu nắn lại các đường bay cho hiệu quả nhất, khong chỉ đường bay Hà Nội – TP.HCM mà cả các đường bay khác.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định việc nắn đường bay là giải pháp tổng thể nâng cao hiệu quả và đảm bảo an toàn ngành hàng không, tiết kiệm 1 phút bay cũng là quý. Bộ trưởng cũng yêu cầu tổ công tác cần báo cáo kết quả cuối cùng việc nắn đường bay trong tháng 10. 

M. Đồng

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến