Trụ đỡ mô hình tín dụng hợp tác phát triển
26/02/2016 18:54:00
Một phần năm thế kỷ, so với bề dày lịch sử của ngành ngân hàng và nhiều TCTD không phải là một chặng đường dài. Song từ Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương năm 1995 đến Ngân hàng Hợp tác hiện nay là một hành trình nhiều cam go, thử thách mà tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ cùng nhân viên toàn hệ thống đã quyết tâm nỗ lực vượt qua, khẳng định sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một tổ chức đầu mối liên kết làm điểm tựa hỗ trợ phát triển mô hình Quỹ tín dụng nhân dân.

Tin liên quan

Trên những nấc thang phát triển

          20 năm qua, sự lớn mạnh của Ngân hàng Hợp tác được ghi dấu qua 2 lần chuyển đổi mô hình, góp phần thúc đẩy hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) ngày càng phát triển trở thành một động lực xoá đói giảm nghèo, đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn, tiến tới hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác

          Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (QTDTW) được thành lập thí điểm theo Quyết định 390/QĐ -TTg ngày 27/07/1993 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm mô hình Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) 3 cấp: QTDTW, QTDND Khu vực và QTDND cơ sở. Trong giai đoạn này, các QTDND cơ sở phát triển nhanh về số lượng, mô hình hoạt động tuy nhỏ nhưng tính tương trợ cộng đồng cao, đóng góp tích cực, hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, với mô hình 3 cấp, QTDND Khu vực chủ yếu giữ vai trò là một cấp trung gian chuyển vốn đến các QTDND cơ sở dẫn đến làm tăng chi phí, làm chậm việc điều hòa vốn đến QTDND cơ sở trên địa bàn; vì vậy tính liên kết giữa QTDTW và QTDND cơ sở bị chia cắt, lỏng lẻo. Các chỉ tiêu về tiền gửi huy động, điều hòa vốn đều rất thấp, việc cho vay các thành phần kinh tế ngoài hệ thống còn khiêm tốn, không thật sự thuận lợi cho việc mở rộng mạng lưới, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của hệ thống.

          Trước những bất cập về tính an toàn, hiệu quả và khả năng phát triển bền vững của mô hình 3 cấp, năm 2000 đã đánh dấu một bước chuyển mới của QTDTW với việc Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị 57/CT-TW ngày 10/10/2000 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND. Theo đó, NHNN đã phê duyệt Đề án tổng thể mở rộng mạng lưới hoạt động của QTDTW với việc chuyển đổi hệ thống QTDND thành mô hình hai cấp, trong đó các QTDND Khu vực được sáp nhập vào QTDTW và chuyển thành Chi nhánh của QTDTW; Đồng thời đưa công tác điều hòa vốn cho hệ thống về một mối với việc các Chi nhánh QTDTW tiếp nhận công tác điều hoà vốn cho các QTDND cơ sở từ 32 Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố nơi chưa có QTDND khu vực.

          Dưới sự chỉ đạo và giám sát tích cực của NHNN cùng với những công cụ hỗ trợ về mặt pháp lý, vai trò đầu mối của QTDTW được cải thiện rõ rệt; cơ chế điều hoà vốn đã có chuyển biến tích cực, linh hoạt; nguồn vốn điều hoà nội bộ trong hệ thống đã có bước tăng trưởng vượt bậc; tính liên kết hệ thống ngày càng chặt chẽ.

          Đặc biệt năng lực tài chính của QTDTW đã có bước phát triển mạnh mẽ: Nếu như năm 2001 vốn điều lệ của QTDTW chỉ vỏn vẹn 110 tỷ đồng, thì đến thời điểm chuyển đổi mô hình năm 2013 đã tăng lên 2.034 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu hoạt động và tài chính hàng năm của QTDTW đều có sự tăng trưởng tốt; tổng nguồn vốn hoạt động đến 31/12/2012 là 14.871,23 tỷ đồng, tăng hơn 16 lần so với năm 2001.

          Năng lực tài chính tăng mạnh khiến khả năng ứng cứu, xử lý các sự cố trong hệ thống càng nhanh nhạy, kịp thời hơn. Không những vậy, cơ chế điều hoà linh hoạt đã tạo điều kiện thuận lợi cho các QTDND gửi nguồn vốn nhàn rỗi về QTDTW (sau hơn 12 năm củng cố, chấn chỉnh, số vốn điều hoà trong hệ thống QTDND tăng trưởng 29 lần, dư nợ cho vay trong hệ thống QTDND tăng 27 lần). Cơ chế lãi suất tiền gửi điều hoà cũng được điều hành linh hoạt trên nguyên tắc đảm bảo cho các QTDND cơ sở  có thể bù đắp đủ chi phí và có lãi; lãi suất cho vay áp dụng đối với các QTDND đều ưu đãi hơn so với mức lãi suất cùng loại áp dụng đối với khách hàng ngoài hệ thống QTDND.

          Tuy nhiên, trong bối cảnh tích lũy dân cư ngày càng cao, kinh tế nông nghiệp hướng tới mô hình sản xuất hàng hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nhu cầu của các thành viên QTDND không chỉ đơn thuần là vốn mà còn là nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ tín dụng, thanh toán hiện đại.

"Ngân hàng của các QTDND"

          Thực hiện Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, QTDTW được chuyển đổi mô hình hoạt động thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Ngân hàng Hợp tác) và chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới từ tháng 7/2013.

           Ngân hàng Hợp tác đã triển khai thành công tái cơ cấu mô hình tổ chức hoạt động theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/3/2012 về việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015; một mặt vẫn đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng đầu mối liên kết, hỗ trợ cho toàn hệ thống QTDND phát triển bền vững, mặt khác không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh để củng cố, xây dựng Ngân hàng Hợp tác vững mạnh, đáp ứng những yêu cầu, trọng trách mới.

Thời gian qua, Ngân hàng Hợp tác đã nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan đến các QTDND theo quy định tại Thông tư 31/2012/TT-NHNN  “Quy định về Ngân hàng Hợp tác xã”, Thông tư 03/2014/TT-NHNN “quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND” và Thông tư 36/2014/TT-NHNN “quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài”. Đồng thời, tiếp tục tập trung nguồn lực rà soát, chỉnh sửa, tổ chức nhiều Hội thảo lấy ý kiến trước khi trình đại hội thành viên thông qua các văn bản nhằm triển khai thực hiện quyền hạn, trách nhiệm đối với hệ thống QTDND như: Văn bản số 177/QC/HĐQT-NHHT về Quy chế điều hòa vốn đối với QTDND; Văn bản số 159/2013/CV-NHHT ngày 16/8/2013 về việc tham gia ý kiến nhân sự đối với QTDND; Văn bản số 178/CV-NHHT ngày 28/3/2014 về việc hướng dẫn gửi báo cáo của QTDND cho Ngân hàng Hợp tác…

Cùng với việc tổ chức thành công Đại hội thành viên Ngân hàng Hợp tác năm 2013 (tháng 3/2014), Ngân hàng Hợp tác cũng đã thông qua các Quy chế điều hòa vốn, Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND với sự nhất trí của 100% đại biểu tham dự Đại hội. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Hợp tác đã ban hành văn bản số 179/QC-NHHT ngày 28/3/2014 về Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND, sau đó tổ chức 21 Hội nghị cụm khu vực để phổ biến, hướng dẫn Quy chế này đến tất cả 1.200 QTDND. Bộ máy tổ chức, nhân sự Ban quản lý và điều hành Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND (Quỹ bảo toàn) đã được thành lập và kiện toàn, Quỹ bảo toàn đã đi vào vận hành, tạo thêm một vành đai an toàn cho hệ thống QTDND.

Với sợi dây xuyên suốt là đảm bảo sự phát triển và an toàn của hệ thống QTDND, trong 3 năm qua Ngân hàng Hợp tác đã chủ động điều hành vốn linh hoạt, bám sát diễn biến lãi suất thị trường cũng như tính mùa vụ trong hoạt động của hệ thống, có cơ chế lãi suất và mức phí điều hòa vốn hợp lý, linh hoạt nhằm một mặt khuyến khích các Chi nhánh và QTDND có khả năng huy động vốn tích cực gửi tiền về trụ sở chính, mặt khác đảm bảo cung ứng vốn cho các Chi nhánh và QTDND khi có nhu cầu kể cả khi thị trường căng thẳng, khan hiếm về vốn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát chất lượng tín dụng để nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống.

          Đặc biệt đối với các QTDND gặp khó khăn trong thanh khoản, khách hàng rút tiền gửi nhiều, có dấu hiệu mất an toàn... Ngân hàng Hợp tác đã cho vay hỗ trợ khả năng chi trả kịp thời và chủ động tham mưu, phối hợp với NHNN, cấp ủy và chính quyền địa phương có những biện pháp giúp đỡ để QTDND có thể vượt qua khó khăn.

          Tính đến nay toàn hệ thống có 27 Chi nhánh, 67 Phòng Giao dịch phục vụ cho 1.148 QTDND tại 56/63 tỉnh, thành phố với 2.831 xã, phường, thị trấn (chiếm 25,4% số xã, phường, thị trấn trên cả nước) và gần 2,1 triệu thành viên là các hộ gia đình chủ yếu ở khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đến 31/12/2015 tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND là gần 99 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn huy động là 80.127 tỷ đồng. Dư nợ cho vay thành viên là 59.808 tỷ đồng (tăng 14.11% so với năm 2014).

    Vai trò Ngân hàng đầu mối của hệ thống càng được khẳng định với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích cung ứng cho QTDND để đáp ứng nhu cầu của các thành viên. Dự án QTDND - Ngân hàng điện tử (CF – eBank) đã trang bị cho các QTDND dịch vụ ngân hàng mới, hiện đại, an toàn, tiện ích, tiết kiệm chi phí, góp phần thực hiện chủ trương của Thống đốc NHNN về chương trình ngân hàng phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn. Tính đến nay Ngân hàng Hợp tác  đã đào tạo nghiệp vụ chuyển tiền cho khoảng 1.300 học viên là lãnh đạo và cán bộ của 433 QTDND trên phạm vi 47 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó đã kết nạp 344 QTDND, nâng tổng số điểm kết nối thanh toán của hệ thống lên tới 433 đơn vị, bao gồm 27 Chi nhánh, 62 Phòng Giao dịch của NHHT và 344 QTDND. Còn 70 QTDND đang chờ cấp phép của Ngân hàng Nhà nước. Doanh số chuyển tiền của các QTDND đã tăng liên tục qua các năm. Trong năm 2015 các QTDND đã thực hiện giao dịch chuyển tiền đi là 393.115 món, tăng 48% so với năm trước, với doanh số chuyển đi là 208.639 tỷ đồng tăng 79% so với năm trước; Giao dịch chuyển tiền đến 272.605 món, tăng 45% so với năm trước, với doanh số chuyển tiền đến là 204.015 tỷ đồng, tăng  80% so với năm trước.

          Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác đã xây dựng thành công hệ thống dịch vụ thẻ và phát triển đội ngũ nhân sự chuyên trách thống nhất từ Trụ sở chính tới các Chi nhánh, phòng giao dịch đưa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đến với khách hàng trong toàn hệ thống. Trong năm 2014, việc chuyển đổi toàn bộ thẻ Bông Lúa vàng cũ thuộc QTDTW sang thẻ Bông Lúa vàng mới của Ngân hàng Hợp tác đã được hoàn tất.

          Ngân hàng Hợp tác cũng đã tham gia là thành viên liên minh Banknetvn và kết nối thông suốt với các tổ chức chuyển mạch trong nước, triển khai kết nối với các ngân hàng về các giao dịch tài chính qua tài khoản thẻ như: chuyển khoản, thanh toán dịch vụ nhà hàng, siêu thị và thanh toán hóa đơn… Đặc biệt, hiện nay Ngân hàng Hợp tác đã triển khai sản phẩm thẻ thành viên đồng thời là thẻ ghi nợ nội địa trên toàn hệ thống...

          Đây là những nền tảng để Ngân hàng Hợp tác và QTDND mang lại lợi ích cho thành viên và khách hàng, tăng cường tính liên kết hệ thống, tạo uy tín và hình ảnh, chỗ dựa tin cậy cho toàn hệ thống QTDND.

Cần thêm những điểm tựa chính sách

          Việt Nam đang trong lộ trình thực hiện các cam kết WTO, là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (ACE) và vừa ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức với mọi ngành nghề kinh tế. Trong bối cảnh đó, trước yêu cầu ngày càng cao của các thành viên và sự cạnh tranh gay gắt của hệ thống các TCTD, Ngân hàng Hợp tác cần nỗ lực nhiều hơn nữa để làm tốt vai trò, sứ mệnh đầu mối điều hòa và hỗ trợ hệ thống QTDND, tăng cường tính liên kết hệ thống, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Theo đó, trong thời gian tới Ngân hàng Hợp tác rất cần thêm những điểm tựa chính sách và sự hỗ trợ tích cực từ phía NHNN và các Bộ ngành liên quan nhằm phát triển Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND theo hướng tăng trưởng – an toàn, phát triển – bền vững.                    

Trước hết, để nâng cao năng lực tài chính tương xứng với quy mô, mạng lưới ngày một lớn mạnh của hệ thống, việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước là hết sức quan trọng và cần thiết, giúp Ngân hàng Hợp tác đủ mạnh để hỗ trợ cho các QTDND, làm tốt vai trò đầu mối hệ thống, hướng tới phát triển thành một ngân hàng đa năng hiện đại.

Ngoài ra, Ngân hàng Hợp tác đang rất cần sự hỗ trợ của NHNN và các bộ ngành trong việc tháo gỡ những rào cản pháp lý như đối với nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 17 Thông tư 36, đề nghị NHNN xem xét, bổ sung quy định áp dụng riêng đối với Ngân hàng Hợp tác, theo đó cho phép Ngân hàng Hợp tác được phép tính nguồn vốn ngắn hạn bao gồm cả các khoản tiền gửi của QTDND tại Ngân hàng Hợp tác.

          Bên cạnh đó, đề nghị NHNN Việt Nam sớm ban hành Thông tư quy định về mạng lưới Ngân hàng Hợp tác và QTDND, Thông tư quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, thanh lý, phá sản đối với hệ thống TCTD là HTX và các văn bản pháp quy khác tạo hành lang pháp lý giúp tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạt động, nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh và uốn nắn các QTDND hoạt động đúng mô hình tổ chức HTX, đúng tôn chỉ mục đích, phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững theo mục tiêu chung của hệ thống. Đối với các khoản Ngân hàng Hợp tác cho vay hỗ trợ chi trả tiền gửi đối với các QTDND gặp khó khăn không có khả năng thu hồi, đề nghị NHNN có cơ chế xử lý rủi ro phù hợp.

 NHNN cũng cần xem xét thành lập lại đơn vị đầu mối chuyên trách trong bộ máy NHNN Việt Nam để trực tiếp quản lý hoạt động của loại hình TCTD là HTX (bao gồm Ngân hàng Hợp tác và các QTDND) nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống TCTD này thực sự trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống các TCTD Việt Nam.

          Mặt khác, NHNN và các bộ ngành cũng cần quan tâm và tạo điều kiện để Ngân hàng Hợp tác được tiếp cận nguồn vốn của các Ngân hàng, các Tổ chức tài chính quốc tế; Qua đó có thể tranh thủ được sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ, và học tập phương pháp quản lý, kỹ thuật tiên tiến để Ngân hàng Hợp tác tiếp nhận, chuyển giao đến các QTDND, tạo điều kiện cho hệ thống QTDND theo kịp sự phát triển chung của toàn ngành ngân hàng.

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng Hợp tác đã vinh dự được nhận những phần thưởng mà các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể trao tặng. Năm 2005, vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III. Năm 2009, vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng II. Năm 2005, 2006, 2008, 2011, 2012, 2013 Thủ tướng Chính phủ tặng cơ thi đua đơn vị xuất sắc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 57-CT/TW của Bộ chính trị”; Cờ thi đua của NHNN...; Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN Việt Nam, Liên Minh Hợp tác xã tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cho cá nhân và tập thể.
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến