Dòng sự kiện:
Trung Quốc đứng trước nguy cơ thừa khẩu trang, lo ngại hàng kém chất lượng tuồn về Việt Nam
18/03/2020 11:00:17
Trung Quốc nâng quy mô sản xuất khẩu trang gấp 10 lần năm 2019 mặc dù đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam có thể trở thành thị trường béo bở để Trung Quốc tiêu thụ lượng hàng kém chất lượng sản xuất ồ ạt.

Khẩu trang ở Việt Nam không còn là của hiếm

Trong hơn 1 tháng qua, tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã xuất ra thị trường hơn 25 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn. Dự kiến, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục nghiên cứu, sản xuất sản phẩm khẩu trang vải, bao gồm lớp vải kháng khuẩn và vải dệt thoi xử lý chống thấm nước, với giá 12.000 đồng/chiếc để đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Theo ông Cao Hữu Hiếu - Phó tổng giám đốc tập đoàn Vinatex, việc may khẩu trang cũng giúp một số doanh nghiệp dệt may bù đắp lại một phần doanh thu trong bối cảnh xuất khẩu giảm như hiện nay.

Nhiều công ty tăng doanh thu nhờ sản xuất khẩu trang

Không chỉ bù đắp doanh thu, một số doanh nghiệp dệt may còn "bội thu" sản xuất, phân phối có “chiến thuật”. Đơn cử, công ty Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) vừa công bố doanh thu nội địa tháng 2 vừa qua tăng đột biến chủ yếu đến từ các đơn hàng sản xuất khẩu trang phục vụ thị trường. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu tiêu thụ của TNG đạt 559,5 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp này vẫn tự tin không chỉ cung cấp đủ cho thị trường trong nước, mà có thể xuất khẩu ra thế giới.

Nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế của người dân đã giảm do có khuyến cáo của Bộ Y tế về việc sử dụng khẩu trang trong sinh hoạt. Theo đó, nếu người dân không mắc bệnh thì không cần sử dụng khẩu trang y tế, tránh tình trạng sử dụng sai mục đích gây lãng phí và mất cân bằng nguồn cung cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Không để xảy ra tình trạng thiếu khẩu trang y tế trong hoạt động khám chữa bệnh, Tổng công ty y tế Danameco (DNM) từ giữa tháng 2 đến nay cũng đã tăng ca để sản xuất khẩu trang y tế. Đồng thời cuối tháng 2, Hội đồng quản trị công ty đã ra nghị quyết đề xuất phương án đầu tư thêm 4-6 dây chuyền sản xuất khẩu trang đáp ứng nhu cầu cấp bách về trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch hiện nay. 

Thị trường Việt lo ngại nguồn dư cung khẩu trang từ Trung Quốc

Mới đây, nhà phân tích Gao Shen ở Thượng Hải đã dự báo trong năm 2020, Trung Quốc sẽ sản xuất số lượng khẩu trang lớn gấp 10 lần năm 2019. "Tình trạng thừa mứa sẽ xảy ra. Tỷ lệ lợi nhuận của ngành này rất thấp và nhu cầu sẽ rơi tự do sau khi dịch bệnh được kiềm chế", ông khẳng định.

Dịch bệnh đã kéo 3.000 doanh nghiệp nước này gia nhập ngành sản xuất khẩu trang. Có thể điểm mặt các ông lớn trong ngành sản xuất như các đại gia xe hơi BYD và SAIC-GM-Wending, hãng công nghệ Foxconn Technology và nhà sản xuất dầu khí Sinopec cũng “nhúng tay” vào làm khẩu trang. Trước đó, nước này đã có 4.000 doanh nghiệp sản xuất 4,2 tỷ chiếc khẩu trang hồi năm 2019.

Trung Quốc tăng năng suất sản xuất khẩu trang lên gấp 10 lần so với năm 2019

Trao đổi với chuyên gia, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, ông cho rằng Việt Nam là 1 thị trường "béo bở" đối với Trung Quốc ở mọi mặt hàng, trên mọi lĩnh vực, không riêng gì mặt hàng khẩu trang. Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp như thế này.

Khẩu trang Trung Quốc vào Việt Nam có thể theo con đường chính ngạch, tiểu ngạch, thậm chí là buôn lậu hết sức dễ dàng. Vì vậy, chuyên gia này nhận định “với tình hình dịch bệnh đang diễn ra như hiện nay số lượng khẩu trang từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ càng ngày càng nhiều”.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã bắt giữ và ngăn chặn được nhiều lô hàng khẩu trang buôn lậu từ Việt Nam sang Trung Quốc – khi nước bạn là tâm dịch COVID-19. Kịch bản này rất có thể xảy ra ngược lại với Việt Nam nếu như dịch bệnh bùng phát.

Cần có qui định cụ thể để bảo vệ doanh nghiệp và thị trường nội địa

Theo Tiến sĩ kinh tế Vũ Đình Ánh, “mặt hàng khẩu trang là mặt hàng không phải kiểm tra kĩ thuật, kiểm tra chất lượng trước khi nhập”. Trên thực tế, chúng ta chưa có 1 tiêu chuẩn nhập khẩu nào dành cho mặt hàng này vì vậy câu chuyện kiểm soát chất lượng dành cho khẩu trang nhập khẩu là khó.

“Đến cả hàng trong nước mình còn chưa kiểm soát được thì hàng nhập khẩu, có khi cả nhập lậu thì làm sao mà kiểm soát? Mặt hàng khẩu trang có đặc thù là dễ sản xuất, số lượng lớn và chỉ sử dụng một vài lần chứ không phải mặt hàng lâu bền. Nên những tiêu chuẩn về kĩ thuật để dựng hàng rào, ngăn chặn nó có lẽ sẽ không đi đến đâu cả”- TS Vũ Đình Ánh chia sẻ thêm.

Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cho các loại khẩu trang vải kháng khuẩn

Hiện nay, ở Việt Nam, chỉ có văn bản qui định về tiêu chuẩn của khẩu trang y tế TCVN 8389 – 1:2010 do Viện Trang thiết bị và Công trình y tế biên soạn, Bộ Y tế đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Bộ tiêu chuẩn dành cho 3 sản phẩm: khẩu trang y tế thông thường, Khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn và khẩu trang y tế phòng độc hóa chất.

Chúng ta đang chưa có tiêu chuẩn cho mặt hàng khẩu trang nào khác ngoài 3 loại trên. Tại cuộc họp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất khẩu trang, trang phục phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (nCoV) do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/2, thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại khẩu trang sản xuất từ vải kháng khuẩn để phòng chống dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường giao cho Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn cho khẩu trang vải kháng khuẩn. Trước khi doanh nghiệp đưa loại khẩu trang này ra thị trường tiêu thụ, các cơ quan chức năng cần phải kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng.

Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, “cần sớm công bố tiêu chuẩn chất lượng đối với các mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn tại Việt Nam trước. Chứ việc kiểm định chất lượng mặt hàng khẩu trang nhập khẩu là rất khó. Muốn kiểm định chất lượng của khẩu trang, phải đem mẫu khẩu trang về phòng thí nghiệm, qua các công đoạn trắc nghiệm và thử nghiệm nhiều bước mới kết luận được. Có lẽ, dễ nhất là mình có danh sách 1 số nhà sản xuất khẩu trang có giấy phép, có sản phẩm đạt chất lượng và chỉ cho khẩu trang từ những nhà sản xuất đó nhập vào Việt Nam mà thôi. Đặc biệt, cần phải thông báo điều này trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng để các nhà xuất khẩu Trung Quốc nắm bắt được.”     

Như đã nói ở phần đầu bài viết, thị trường khẩu trang của Việt Nam đang cung ứng đủ cho thị trường và có những doanh nghiệp đủ năng lực để xuất khẩu ra Thế giới. Nhưng chúng ta nên có sự ưu tiên và những phương án bảo vệ thị trường nội địa của mình và bảo vệ các nhà sản xuất của Việt Nam trước khi có ý định nhập khẩu mặt hàng này từ nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng. Các doanh nghiệp hay các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cần sáng suốt khi lựa chọn mặt hàng đảm bảo chất lượng, ưu tiên sử dụng hàng nội địa đã qua kiểm định để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông để nắm bắt được những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, được phép nhập khẩu và bán ra cho người tiêu dùng Việt Nam.

Thu Trang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến