Dòng sự kiện:
Trước thềm huỷ niêm yết, Thép Việt Ý báo lỗ hơn 132 tỷ đồng
23/02/2022 15:32:55
Kết thúc năm 2021, Thép Việt Ý nằm trong nhóm DN lỗ lớn của năm khi ghi nhận khoản lỗ hơn 132 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Công ty sẽ huỷ niêm yết trong quý I/2022.

Tính riêng quý IV/2021, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.434,6 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Song do giá vốn tăng mạnh 24%, lên 1.521 tỷ đồng dẫn tới lỗ gộp 86,1 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gộp 22 tỷ đồng).

Kỳ này, doanh thu tài chính cũng giảm 52%. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 36%. Giải trình về kết quả trong quý IV, doanh nghiệp cho biết do nhà máy phôi phải dừng sản xuất theo kế hoạch nên Công ty đã phải tăng dự trữ tồn kho thép và phôi thép để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Hệ quả là chi phí lãi vay tăng và Công ty phải lập dự phòng cho phần nguyên vật liệu đã nhập, dẫn đến giá vốn tăng mạnh. Cùng với đó, chi phí bán hàng tăng 43% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 8%. Kết quả, Công ty lỗ sau thuế 113,8 tỷ đồng trong quý IV/2021, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế 19,7 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2021, Thép Việt Ý đạt 5.821 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 43% so với năm 2020, nhưng lỗ sau thuế hơn 132 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi sau thuế gần 30 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản doanh nghiệp tăng 4% so với hồi đầu năm lên hơn 2.998 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 20%, lên gần 941 tỷ đồng và hàng tồn kho tăng 59%, lên 1.303 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả cũng tăng 11%, lên 2.602 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 18/1, Đại hội đồng cổ đông của Thép Việt Ý đã thông qua việc hủy tư cách công ty đại chúng và hủy niêm yết toàn bộ cổ phiếu của Công ty trên HoSE với tỉ lệ tán thành đạt 98,172% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Theo kế hoạch, thời gian triển khai trong quý I/2022.

Ban lãnh đạo cho biết, điều này nhằm giúp Công ty không bị mất đi những cơ hội kinh doanh tại môi trường kinh doanh thép miền Bắc, nơi có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong tương lai và tại thị trường Việt Nam nói chung.

Qua đó, phía doanh nghiệp kỳ vọng mức độ ban hành những quyết sách trong điều hành và quản lý sẽ được thực hiện nhanh chóng; giảm chi phí và cải thiện hiệu quả bằng cách loại bỏ các thủ tục bắt buộc đối với công ty đại chúng/công ty niêm yết.

Ngoài ra, HĐQT lấy ý kiến cổ đông chủ trương đầu tư nhà máy cán thép công suất 500.000 tấn/năm tại Hải Phòng. Tổng đầu tư khoảng 80 triệu USD, sản phẩm chính là thép thanh vằn đường kính từ D10:D51mm dùng cho xây dựng, thép thanh tròn trơn và thép dây cuộn.

Công ty sẽ dùng nguồn vốn vay do Kyoei Steel bảo lãnh hoặc vay từ chính Kyoei Steel. Tiến độ thực hiện từ tháng 2/2022 đến tháng 7/2023.

Doanh nghiệp hiện có nhà máy luyện thép với công suất 552.000 tấn/năm tại Hải Phòng và nhà máy cán thép tại Hưng Yên với công suất 350.000 tấn/năm, chủ yếu sản xuất và kinh doanh vật liệu thép xây dựng. Công suất thặng dư của quá trình luyện thép chủ yếu bán thành phẩm ra bên ngoài.

Cùng với đó, dự kiến năm 2022, nhà máy luyện thép tại Hải Phòng đổi mới máy biến áp cũ cho lò điện thì sản lượng luyệt thép có thể tăng lên 650.000 tấn.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến