Dòng sự kiện:
Trưởng đại diện UNESCO: 'Tết Việt tỏa ra từ anh xe thồ, chị hàng rong'
01/02/2019 15:16:50
Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội cũng chia sẻ: “nếu tham dự hết các lễ hội được mời thì chắc tôi chẳng bao giờ ở Văn phòng”.

Mới đảm nhận chức Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội được khoảng 1 năm rưỡi nhưng ông Michael Croft dường như đã “bắt nhịp” rất tốt với công việc lẫn đời sống văn hóa, xã hội của Việt Nam.

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Michael Croft.

Trên cương vị mới, ông Michael Croft đã gieo được những hạt mầm hợp tác hứa hẹn cho những bông hoa nở rộ trong năm 2019. Bản thân ông cũng bắt đầu có những cảm nhận rất riêng về Tết Việt và các lễ hội văn hóa của đất nước này, vừa với tư cách là một người nước ngoài, vừa với tư cách là một quan chức UNESCO đầy nhiệt huyết với các hoạt động hợp tác phát triển văn hóa giữa 2 bên.

Trong không khí cả nước rộn ràng đón năm mới Kỷ Hợi, PV đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội để hỏi về những cảm nhận của ông đối với Tết và văn hóa lễ hội Việt Nam.

Ông đã công tác ở Việt Nam hơn 1 năm nên có lẽ đây không phải là cái Tết Việt đầu tiên?

Đúng vậy, đây là cái Tết thứ hai của tôi ở Việt Nam. Năm nay tôi và gia đình định đi nghỉ ở Phú Quốc.

Tuy nhiên, năm ngoái tôi đã có một cái Tết Việt đúng nghĩa khi ở lại Hà Nội vào dịp đó và được các đồng nghiệp, bạn bè người Việt mời tới từng nhà ăn Tết. Đó là một cảm giác rất tuyệt vời!

Người Việt rất thích thú với việc nhịp sống hàng ngày bỗng như “khựng” lại vào dịp Tết, nhường chỗ cho hoa đào, bánh trưng, áo quần xúng xính, lì xì đỏ thắm. Còn ông thì sao? Ông cảm nhận thế nào về Tết Việt?

Tôi có thể cảm nhận bầu không khí hạnh phúc lan tỏa khắp nơi, tỏa ra từ tất cả mọi người, không chỉ các công chức, viên chức hay nhân viên văn phòng tôi vẫn tiếp xúc hàng ngày, mà ở cả những người công nhân, những người lái xe taxi, đạp xe thồ hay bán hàng rong tôi chỉ nhìn thấy lướt qua trên đường phố. Sau 1 năm lao động vất vả, tất cả chúng ta đều xứng đáng có một cái Tết quây quần bên gia đình.

Bầu không khí Tết khiến trong lòng ai cũng hân hoan và ấm áp, cảm giác muốn ở bên gia đình và bạn bè, người thân yêu. Đối với tôi, một người mới sống ở Việt Nam chưa lâu, bầu không khí ấy khiến tôi cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Đó là thời khắc đẹp nhất trong khoảng thời gian tôi ở đây.

Tết không chỉ là dịp người Việt quây quần bên người thân và gia đình mà còn là “mùa” lễ hội. Ở khắp các thôn, các làng, đền chùa, miếu mạo đều diễn ra các lễ hội lớn nhỏ. Bản thân ông đã có trải nghiệm đó chưa?

Nhìn tổng thể thì thực ra là có quá nhiều lễ hội ở Việt Nam đến nỗi nhiều lúc tôi cảm thấy khó có thể theo dõi hết.

Hình ảnh lễ hội chém lợn gây nhiều tranh cãi. (Ảnh: Reuters)

Tất nhiên, tôi rất may mắn được mời đến khá nhiều lễ hội với tư cách là Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, nhưng thực tế là số lượng lễ hội tôi được mời đến nhiều hơn rất nhiều so với số tôi có thể thực sự tham dự được. Nếu tham dự hết những lễ hội đã được mời thì chắc tôi chẳng bao giờ ở Văn phòng.

Còn về lễ hội Tết, tôi nghĩ đa phần chúng đều rất phù hợp với dịp này trong năm bởi đó là cơ hội cho những nền văn hóa khác nhau ở những vùng miền khác nhau của đất nước Việt Nam được bày tỏ cảm xúc và mong ước của họ vào dịp Tết theo cách riêng, với ý nghĩa riêng với mỗi cộng đồng.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hộ, tức là bình quân mỗi giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội được tổ chức. (Số liệu tháng 3/2018 - Infographic: Lao Động)

Ông đang nói về đa số, nhưng cũng có một số lễ hội đang bị chính dư luận Việt Nam phê phán và cho rằng nên dẹp bỏ, thậm chí từng có ý kiến hợp nhất Tết Âm lịch với Tết Dương lịch như cách Nhật Bản đã làm. Quan điểm của ông về những vấn đề này như thế nào?

Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy ý kiến như thế [hợp nhất Tết Âm lịch với Tết Dương lịch - PV]. Tôi nghĩ rằng chuyện gì cũng vậy, phải tùy vào việc đa số người dân Việt Nam cảm thấy như thế nào.

Nhưng để lấy một ví dụ so sánh, ở Canada quê hương tôi có 10 tỉnh khác nhau mà mỗi tỉnh lại có những quy định riêng, có thể chỉ là việc nhỏ như các cửa hàng có được phép mở cửa vào ngày chủ nhật hay không, nhiều nơi cho phép, một số nơi lại cấm. Chuyện đó phụ thuộc vào văn hóa, vào việc người dân nghĩ gì.

Nhân dịp xuân Kỷ Hợi này, ông có muốn gửi một lời chúc đến độc giả VOV nói riêng cũng như người dân Việt Nam nói chung?

Tôi chúc tất cả người dân Việt Nam một cái Tết tuyệt vời, an khang, thịnh vượng bên người thân và bạn bè. Việt Nam là một đất nước tuyệt đẹp, mọi người đều biết điều đó và nói về điều đó nhưng cái cốt lõi là chính con người Việt Nam đã khiến đất nước các bạn đặc biệt đến thế. Tôi và cả gia đình rất hạnh phúc khi được ở đây cùng tận hưởng bầu không khí Tết với các bạn cũng như tình cảm đầm ấm mà mọi người dành cho chúng tôi.

Xin cảm ơn ông.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến