"Ở đâu có tự chủ, minh bạch, ở đó vận hành tốt”
Sáng ngày 6/1, bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 99/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34), qua 6 đầu cầu truyền hình: Hà Nội, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/2/2020.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Trong bối cảnh xuất phát điểm thấp, đầu tư còn hạn chế, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học sống bằng học phí nhưng giáo dục đại học của Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Nếu xét trên toàn hệ thống, giáo dục đại học Việt Nam năm 2019 đã có sự cải thiện thứ bậc rõ nét trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới và khu vực.
Sống trong môi trường hội nhập, Việt Nam may mắn được học hỏi, kế thừa, tiếp thu những kinh nghiệm thực tiễn về tự chủ đại học trên trường quốc tế, nhưng vẫn cần xác định bước tiến nhanh nhưng bền vững, chắc chắn...
Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam cũng “vấp” phải những tồn tại, không ít trường tự chủ hạn chế, nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh, xử lý để giáo dục đại học tiến tới minh bạch về chất lượng, bình đẳng trong cạnh tranh, tiếp cận đến chất lượng thực và chất lượng quốc tế”.
Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý một số nội dung quan trọng cần thống nhất nhận thức trong Luật 34, Nghị định 99. Đó là nhóm vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức nhà trường, thành lập trường trong đại học, trường đại học; điều kiện từ trường đại học sang đại học; nhóm vấn đề về thiết chế hội đồng trường. Hội đồng trường phải thực quyền, chỉ như vậy thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến văn bằng, các trình độ đặc thù; tên giao dịch quốc tế của trường, trách nhiệm của hội đồng trường… cũng cần được các cơ sở đào tạo quan tâm thực hiện triệt để.
Vị tư lệnh ngành cũng lưu ý thêm, trong thời gian tới đây, cần thống nhất việc phân công trách nhiệm giữa các bên liên quan: “Bộ GD&ĐT, các cơ quan chủ quản tập trung vào quản lý nhà nước, không can thiệp sâu vào công tác điều hành của các cơ sở giáo dục đại học bằng biện pháp hành chính; đề cao trách nhiệm giám sát, kiểm tra của địa phương trên địa bàn quản lý cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan tổ chức liên quan đều cùng phải vào cuộc, phải chịu trách nhiệm theo phân công”.
Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 99/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (đầu cầu Hà Nội).
Theo Bộ trưởng, vai trò, vị trí của hội đồng trường phải là quyết định các quyết sách lớn chứ không phải chỉ là nơi thông qua, đây là một cuộc cách mạng nâng cao nhận thức, quyết tâm để nâng cao hiệu lực quy chế này.
“Thứ hai, về việc lựa chọn, ngoài những thành phần tất yếu, thành phần mở rộng cũng rất quan trọng, chọn được những người thực sự am hiểu, tâm huyết, có trách nhiệm tham gia vào hội đòng trường. Và thực sự có hiểu biết, có trách nhiệm quyền hạn của mình, từ đó, bầu ra được một vị Chủ tịch hội đồng trường đủ năng lực, trách nhiệm.
Xây dựng một quy chế tổ chức hoạt động hội đồng trường đúng với quy định của luật và căn cứ vào đó để giám sát. Nâng cao năng lực quản trị cho hội đồng trường, phải bồi dưỡng nhận thức, am hiểu thì mới đưa ra những quyết sách lớn.
Lúc này, quyền quyết định đối với nhà trường không phải Hiệu trưởng hay ban giám hiệu mà phải là hội đồng trường, hoạt động theo cơ chế tập thể, dân chủ, công khai, minh bạch, và có sự giám sát.
Lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học cần quán triệt sâu cho cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động trong đơn vị mình để hiểu rõ Luật 34 và Nghị định 99 cũng như quyền, trách nhiệm của đơn vị, của từng cá nhân. Không chỉ tự chủ đến các nhà trường mà phải tự chủ sâu đến từng đơn vị liên quan, đến từng cán bộ viên chức, nhất là các giáo sư. Họ cũng phải có trách nhiệm để từng thành viên trong cơ sở giáo dục đại học thấm nhuần thì mới thành công, chứ không phải tự chủ chỉ dừng lại ở bộ máy lãnh đạo.
Theo quan sát cũng như thực tế đang rà soát, chỉ đạo, ở đâu có tự chủ công khai minh bạch, ở đó vận hành tốt”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục đại học khi được trao quyền tự chủ phải đảm bảo tự chủ đồng bộ, không chỉ dừng lại ở bộ máy lãnh đạo hay bất kỳ một bộ phận nào.
Bước đầu “cởi trói” và những kỳ vọng sắp tới
Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng, thay đổi lớn nhất trong Luật Giáo dục đại học sau sửa đổi, bổ sung, đó là thay đổi quyền về quản lý nhà nước với giáo dục đào tạo, với quyền quản trị của các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, trao quyền quản trị cho các cơ sở giáo dục đại học theo một tinh thần tự chủ đầy đủ nhất. Các trường bây giờ được toàn quyền quyết định những vấn đề liên quan đến tổ chức, tài chính, học thuật,...
Đặc biệt nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục đại học như chúng tôi khi được trao quyền tự chủ, hoàn toàn có quyền được quyết định đào tạo gì, đào tạo như thế nào, đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội, đồng thời, phải chịu trách nhiệm giải trình với xã hội, giải trình với người học và giải trình với cơ quan quản lý nhà nước.
Như vậy, xóa bỏ cơ chế theo kiểu “xin - cho”, hay cấp “giấy phép con”..., tôi cho rằng đây là yếu tố căn bản nhất giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể vươn lên, đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu xã hội.
Bên cạnh đó, tăng cường thực quyền của hội đồng trường, được toàn quyền quyết định những nội dung quản trị nhà trường, như vấn đề tổ chức bộ máy, tài chính vật chất... không cần đi xin các cơ quan quản lý nhà nước, như vậy, tính tự chủ mới thực sự được phát huy”.
PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Luật 34 đã “cởi trói” được những vấn đề quản lý nhà nước về mặt chuyên môn...
Đánh giá về sự thay đổi tích cực, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ: “Về cơ bản, tôi cho rằng, Luật 34 đã “cởi trói” được những vấn đề quản lý nhà nước về mặt chuyên môn, đặc biệt là về mặt học thuật, đây là vấn đề lớn nhất để các cơ sở giáo dục đại học có thể tự chủ.
Bên cạnh đó, có thể còn những vấn đề khác không nằm trong phạm vi quản lý của chúng tôi, ví dụ, quản lý về mặt tài chính, còn liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Cán bộ công chức... tuy nhiên chúng tôi cũng đang kỳ vọng sắp tới, sau khi sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Cán bộ công chức, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được trao quyền nhiều hơn, để đảm bảo tính tự chủ được phát huy đầy đủ, mạnh mẽ”.
ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, đây là một cuộc cách mạng lớn, những thay đổi có ý nghĩa lớn đối với sức sống của hệ thống giáo dục đại học: “Để thi hành luật, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định, Thông tư để hướng dẫn thi hành, thực hiện thống nhất trong thực tiễn, tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến từng đối tượng chịu sự tác động, sự điều chỉnh... tạo sự nhận thức thống nhất.
Luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể của đời sống. Nhà trường cũng là một môi trường trong xã hội, nên không chỉ chịu sự điều chỉnh, tác động của Luật giáo dục đại học, mà còn có các luật khác cơ sở giáo dục đại học phải triển khai. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng đã có những “tháo gỡ” nhất định đối với các lĩnh vực thuộc hoạt động của nhà trường, cởi mở hơn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc... để các cơ sở giáo dục đại học phát huy tính tự chủ.
Việc giao cho các cơ sở giáo dục đại học quyền tự chủ chính là tạo điều kiện phát huy nguồn lực phát triển nhà trường, đặc biệt, phát huy tính sáng tạo, qua đó, thúc đẩy những phát minh, kết quả nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học...”.
ĐBQH Phạm Tất Thắng đánh giá đây là một cuộc cách mạng lớn, những thay đổi có ý nghĩa lớn đối với sức sống của hệ thống giáo dục đại học.
Trao đổi tại hội nghị, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT một lần nữa nhấn mạnh về các nhiệm vụ cần triển khai theo quy định của Nghị định 99, trong đó, có 4 nhóm nội dung chính căn bản: thành lập hội đồng trường; hướng dẫn về hệ thống cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; hệ thống văn bằng giáo dục đại học.
Trong khuôn khổ hội nghị trực tuyến với 6 đầu cầu truyền hình trực tiếp, các chuyên gia đến từ hệ thống các trường đại học trong cả nước đã cùng thảo luận, thống nhất về các nội dung cần triển khai thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99; làm rõ hơn một số vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc để việc thực hiện tự chủ đại học đạt hiệu quả.
Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự tin tưởng, năm 2020 là năm bản lề thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 để giai đoạn 2021-2025, giáo dục đại học có những đột phá.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy