(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến tuần giao dịch khởi sắc của VN-Index, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Chỉ số tăng điểm trong bốn phiên và điều chỉnh giảm một phiên vào cuối tuần, VN-Index chốt tuần tăng 22,75 điểm (+1,5%) và lên 1.501,71 điểm, lần lượt chạm mức cao nhất 1.512,88 điểm và thấp nhất là 1.491,78 điểm.
Tương tự, HNX-Index tăng điểm trong ba phiên và hai phiên đi xuống, cả tuần tăng tổng cộng 10,16 điểm (+2,4%) và lên 426,89 điểm.
Tuần giao dịch thành công
Như vậy, các nhà đầu tư trong nước có một tuần giao dịch thành công trong mùa Xuân mới Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, dòng tiền đổ vào thị trường vẫn khá thận trọng, thanh khoản duy trì mức thấp hơn trung bình trong tuần thứ 3 liên tiếp.
Cụ thể, giá trị giao dịch trên sàn HoSE tăng 1,4% và giảm 14,2% tại sàn HNX, tính trung bình đạt gần 23.800 tỷ đồng/phiên trên hai sàn.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán SHS, đây cũng là điều bình thường giống như các năm trước đó khi một bộ phần nhà đầu tư "kéo dài" kỳ nghỉ Tết.
Về hoạt động giao dịch, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu mang lại “lộc” đầu năm cho cổ đông, tăng giá mạnh nhất thị trường 10,4% giá trị vốn hóa, tiêu biểu là nhóm cổ phiếu thép, như HPG (+11,7%), HSG (+22,2%), NKG (+24,8%), TLH (+15,6%)...
Bên cạnh đó, cổ phiếu nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng cũng có mức tăng tốt với 5,5% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ lực đẩy từ nhóm ngành hàng không với kỳ vọng sớm mở cửa trở lại ngành du lịch, như HVN (+7,8%), VJC (+8,9%), ACV (+6,9%)...
Top 5 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE:
(Nguồn: SHS) - (*) Giá tham chiếu - Đơn vị: Nghìn đồng
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có một tuần giao dịch tưng bừng với mức tăng 5,4% nhờ hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu thế giới với BSR (+11%), OIL (+7,6%), PVS (+7%), PVB (+5,6%), PVC (+7,6%)...
Các nhóm ngành khác đều có mức tăng khả quan, như nhóm tiện ích cộng đồng (+3,3%), hàng tiêu dùng (+3,3%), dược phẩm và y tế (+1,2%), công nghiệp (+4,2%), công nghệ thông tin (+3,2%).
Ở chiều ngược lại, nhóm tài chính đi ngược xu thế rơi 2% giá trị vốn hóa do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm “ngành con” là bất động sản.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng
Tuần qua, các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán ròng 1.100 tỷ đồng trên HoSE, tương ứng với khối lượng gần 26 triệu cổ phiếu. Trong đó, mã VIC bị họ “đè bán” lên tới 18,5 triệu cổ phiếu. Kế đến là mã HPG với 7,3 triệu cổ phiếu. Song, họ lại mua ròng hơn 15 triệu chứng chỉ quỹ FUEVFVND.
Tại sàn HNX, các nhà đầu tư ngoại mua ròng với giá trị ròng 56 tỷ đồng tương ứng với khối lượng ròng gần 1,5 triệu cổ phiếu. Trong đó, họ mua ròng lớn nhất tại PVS với 1,3 triệu cổ phiếu và TNG bị bán ròng nhiều nhất với 479.000 cổ phiếu.
Nhìn lại lịch sử giao dịch trước đó, ông Thắng cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những tuần khai xuân thành công giống như các năm trước (ngoại trừ 2020, thị trưởng giảm do COVID-19).
Theo đó, cổ đông của một số nhóm ngành đã được thị trường "mừng tuổi" lớn, như nhóm ngành thép, hàng không, dầu khí.
“Điểm chưa được tích cực là việc dòng tiền vẫn đang vào thị trường khá yếu. Tuy nhiên, điều này có thể được cải thiện trong thời gian tới. Trước mắt nhà đầu tư sẽ là khoảng thời gian tương đối tích cực của thị trường nếu nhìn trên góc độ thống kê lịch sử các năm trước,” ông Thắng nhấn mạnh.
Về cơ bản, ông Thắng cho biết thị trường đã tăng điểm 5/6 lần trong giai đoạn 2016-2021 vào khoảng 3 tháng sau Tết (chỉ có 2020 là giảm). Trên góc độ đó, trong tuần giao dịch tiếp theo từ ngày 14/2-18/2, VN-Index khả năng tiếp tục tăng điểm để hướng đến những ngưỡng cao hơn khi mà dòng tiền quay trở lại thị trường tốt hơn so với tuần qua.
“Nhà đầu tư tham gia bắt đáy trong các phiên ngày 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại để tận dụng xu hướng tăng của thị trường,” ông Thắng khuyến nghị.
Thận trọng hơn, nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời tại các ngưỡng kháng cự của từng cổ phiếu riêng lẻ và tạm thời ngừng giải ngân mới để quan sát thêm diễn biến trên thị trường trong một vài phiên tới.
Theo VCBS, VN-Index chưa có khả năng quay lại vùng hỗ trợ 1.480 điểm ngay trong tuần sau. Do đó, nhà đầu tư vẫn còn khá nhiều thời gian để cơ cấu lại danh mục trước khi thị trường bước vào trạng thái thiếu vắng thông tin hỗ trợ trước thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 và mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết trong năm./.
Tác giả: Hạnh Nguyễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy