TPCP ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, những năm trước đây, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) của Việt Nam phải đối mặt với một số vấn đề lớn (như quy mô còn nhỏ, cơ sở nhà đầu tư hầu hết là các ngân hàng thương mại, nhất là kỳ hạn bình quân ngắn) gây ảnh hưởng đến tính bền vững của nợ công. Ðể giải quyết vấn đề này, đã có nhiều biện pháp phát triển thị trường TPCP gắn với tái cơ cấu nợ công được thực thi, trong đó chú trọng kéo dài kỳ hạn danh mục nợ, đa dạng hóa nhà đầu tư trên thị trường.
Sau ba năm thực hiện, cho tới nay, các mục tiêu đề ra đã về đích. Theo đó, trên thị trường này, các sản phẩm đã được đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, thúc đẩy giao dịch trên thị trường thứ cấp TPCP: Bên cạnh sản phẩm trái phiếu truyền thống với lãi suất cố định, thị trường đã phát triển sản phẩm trái phiếu không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi linh hoạt song song với phát hành đa dạng các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm, hình thành đường cong lãi suất chuẩn.
Sự đa dạng này đã giúp quy mô giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng lên mức khoảng 9.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017, tăng mạnh so với mức khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng/phiên trong giai đoạn từ 2011 - 2013. Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch bình quân đã đạt 10,4 nghìn tỷ đồng/phiên.
Tuy nhiên, động thái được giới chuyên môn đánh giá cao cho sự phát triển thị trường này chính là việc chủ động phát hành TPCP kỳ hạn dài, đặc biệt là các kỳ hạn 15 năm, 20 năm, 30 năm nhằm vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư của các quỹ bảo hiểm, vừa giúp kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục nợ TPCP, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và tăng tính bền vững của nợ công.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, kỳ hạn phát hành bình quân TPCP hằng năm đã được cải thiện, năm 2017 đạt mức 12,74 năm, bảy tháng đầu năm 2018 đạt mức 13,16 năm, trong khi năm 2013 chỉ là 3,21 năm. Kết quả là kỳ hạn bình quân của danh mục nợ TPCP đã được kéo dài từ mức 2,38 năm vào thời điểm cuối năm 2013 lên mức 6,71 năm cuối năm 2017 và lên mức 6,73 năm vào thời điểm hiện nay.
Về cơ sở nhà đầu tư trên thị trường, đáng chú ý, sau ba năm tái cơ cấu theo hướng mở rộng, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, giảm mạnh tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại, tính đến cuối tháng 7/2018, tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại là 51,1%, giảm mạnh so với mức khoảng 79,7% vào năm 2014.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Chính phủ đẩy mạnh sự tham gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào thị trường TPCP theo nguyên tắc thị trường giống như một thành viên thị trường, làm cho thị trường ngày càng đa dạng hơn về hệ thống nhà đầu tư. Trước đó, năm 2017, Chính phủ đã phát hành thành công 11 nghìn tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20, 30 năm cho nhà đầu tư đến từ thị trường bảo hiểm.
Nhận định về quá trình tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội Nguyễn Thành Long cho biết, việc hình thành và phát triển các nhà đầu tư dài hạn, tạo cầu bền vững cho thị trường, như quỹ hưu trí tự nguyện; quỹ bảo hiểm liên kết; hoạt động đầu tư vào trái phiếu của các công ty bảo hiểm, Bảo hiểm Tiền gửi, nhà đầu tư nước ngoài... là rất quan trọng. Với kết quả đã đạt được, có thể thấy rõ thị trường TPCP hiện nay không còn lệ thuộc vào các ngân hàng thương mại.
Sự đầu tư vào trái phiếu, nhất là TPCP của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (vốn có tỷ lệ bình quân chiếm 70 - 80% trong cơ cấu danh mục đầu tư của các doanh nghiệp này) là điều rất đáng ghi nhận, nhất là sau khi Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo các chuyên gia đánh giá, các quy định mới về đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ linh hoạt hơn trong việc xây dựng các phương án đầu tư và đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm/liên kết đầu tư.
Như vậy có thể thấy, TPCP ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của nền kinh tế. Việc cơ cấu lại thị trường về cơ sở nhà đầu tư, về kỳ hạn của danh mục nợ thông qua tập trung phát hành các trái phiếu dài hạn từ 5 năm đến 30 năm, sử dụng các nghiệp vụ tái cơ cấu, mua lại, hoán đổi đã làm cho danh mục nợ TPCP nói riêng và danh mục nợ công nói chung ngày càng được cải thiện theo hướng bền vững hơn.
Xu hướng này cũng phù hợp với nghị quyết, chính sách của Ðảng và Nhà nước về phát triển thị trường vốn, từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và đã "tốt nghiệp" nguồn vốn IDA (nguồn vốn vay với lãi suất bằng không, cung cấp cho các nước nghèo) của Ngân hàng Thế giới. Tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư và đa dạng hóa sản phẩm, để tăng cường tính bền vững và an toàn cho nền tài chính quốc gia.
Theo Nhân dân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy