Tước quyền quản trị, điều hành ngân hàng vĩnh viễn nếu vi phạm tỷ lệ sở hữu vốn
02/02/2017 19:03:37
Các ông chủ ngân hàng và những người liên quan sở hữu tỷ lệ vốn góp tại ngân hàng vượt quy định đang toát mồ hôi khi sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết liệt xử lý vi phạm về sở hữu vốn, tước quyền tham gia quản trị điều hành vĩnh viễn trong ngân hàng của tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tin liên quan

Vốn góp phải là tiền sạch

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2017 trên địa bàn TP.HCM, ngày 17/1/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Lê Minh Hưng cho biết sẽ tăng cường an toàn hệ thống bằng cách kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định an toàn trong hoạt động của các ngân hàng. Trong đó, các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc góp vốn mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn vốn góp, hợp pháp, hợp lệ, tiền thật, không vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trả chậm.

Việc nghiêm khắc siết chặt kỷ luật trong quản trị ngân hàng được thực thi bằng các chế tài mạnh. Nếu vi phạm tỷ lệ vốn góp thì cá nhân đó sẽ vĩnh viễn không được tham gia điều hành ngân hàng. Đã phát hiện những sai phạm trong công tác thanh tra tại các ngân hàng, có những vụ án bị khởi tố có sự vi phạm về sở hữu vốn góp trong ngân hàng. Siết chặt tỷ lệ sở hữu vốn ngân hàng để ngăn ngừa đầu tư để thao túng ngân hàng, phục vụ cho những nhóm công ty có liên quan.

Các nhóm cổ đông của người có liên quan của người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng phải công khai hoạt động đầu tư kinh tế, đảm bảo mọi việc được thực hiện theo đúng quy định.

Đề án tái cơ cấu Sacombank đang trình Chính phủ xem xét

Năm 2016, ngành ngân hàng đã tập trung quyết liệt tập trung tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Đã hoàn thành chi tiết Đề án tái cơ cấu đối với 03 ngân hàng 0 đồng, DongAbank (đang bị kiểm soát đặc biệt) và đang xem xét đề án tái cơ cấu của Sacombank sau khi sáp nhập ngân hàng Phương Nam.

Hiện đề án của 05 ngân hàng này đã trình Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện chi tiết của từng ngân hàng này để triển khai sớm.

Trong 5 năm tới (2016-2020), Đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng sẽ gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường quản trị điều hành, công nghệ... Sau khi được Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ lên phương án tái cơ cấu tiếp theo cho từng ngân hàng.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng cho biết các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với những rủi ro trong hoạt động vẫn còn tồn tại. Rủi ro kỳ hạn rất cao khi cơ cấu tín dụng hiện nay có tới 51% tỷ lệ tín dụng cho vay trung, dài hạn nhưng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn lại chỉ chiếm 12-15% trên tổng vốn huy động của ngân hàng.

Nợ xấu vẫn còn cao, tốc độ xử lý nợ xấu vẫn chậm. Tuy nhiên, trách nhiệm hàng đầu về xử lý nợ xấu vẫn là trách nhiệm của ngân hàng.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến