Dòng sự kiện:
Tỷ giá gia tăng: Hai nửa vui - buồn
17/07/2018 10:39:55
Trong quý II/2018, thị trường ngoại hối xuất hiện những biến động mạnh, khi có 2 đợt sóng tăng tỷ giá VND/USD vào nửa cuối tháng 5 và nửa cuối tháng 6, biến động mỗi đợt tăng vào khoảng 100 - 150 đồng/USD.

Trong quý II/2018, thị trường ngoại hối xuất hiện những biến động mạnh nhất kể từ đầu năm, khi có 2 đợt sóng tăng tỷ giá VND/USD vào nửa cuối tháng 5 và nửa cuối tháng 6, biến động mỗi đợt tăng vào khoảng 100 - 150 đồng/USD.

Tại thị trường liên ngân hàng, kết thúc quý II, tỷ giá VND/USD ở mức 22.965 đồng/USD, tăng 0,8% so với thời điểm đầu tháng 3/2018. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm cũng tăng đáng kể, từ 22.458 đồng/USD vào đầu quý II lên 22.650 đồng/USD, tăng 129 đồng/USD, tương đương mức tăng 0,85%.

Trước diễn biến này của tỷ giá, cộng đồng doanh nghiệp đón nhận những tác động ngược chiều.

Doanh nghiệp xuất khẩu vui mừng

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, việc tỷ giá tăng trong thời gian qua là rất có lợi đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu. Cho dù các công ty có khoản vay bằng USD, thì khi bán hàng ra nước ngoài cũng sẽ nhận về đồng tiền này, sau khi bù trừ vẫn được hưởng lợi.

“Ước tính trung bình, nếu tỷ giá tăng 1% thì doanh nghiệp sẽ có thặng dư lợi nhuận từ diễn biến này khoảng 0,1%. Đối với một quốc gia tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu như Việt Nam, TNG cũng như các doanh nghiệp trong ngành, cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng tỷ giá để vừa hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, vừa khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhiều hơn”, ông Thời cho biết.

Sở dĩ, tỷ giá theo xu hướng tăng trong thời gian qua, bởi có nhiều yếu tố hỗ trợ khá mạnh. Theo một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV, các yếu tố tác động nhìn chung đã và đang theo hướng đẩy tỷ giá lên cao. Cụ thể, cung - cầu ngoại tệ có xu hướng bớt thuận lợi khi cán cân thương mại trong quý II chỉ đạt thặng dư 100 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức 2,73 tỷ USD trong quý I.

Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp gia tăng mạnh, nhất là trong nửa cuối tháng 6 với hoạt động chuyển lợi nhuận về nước của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhu cầu mua ngoại tệ kỳ hạn của các tổ chức nhằm bảo hiểm tỷ giá. Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài đã và đang bán ròng trên thị trường chứng khoán, ước đạt 300 - 400 triệu USD trong quý II.

Chưa kể, chênh lệch tỷ giá trên thị trường tự do - liên ngân hàng mở rộng mạnh, có thời điểm chênh lệch tới 100 - 150 đồng. Một lãnh đạo cao cấp BIDV nêu quan điểm: “Với sự liên thông nhất định, chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường cũng là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá”.

Tại thị trường quốc tế, các sức ép lên tỷ giá VND/USD cũng gia tăng. Cụ thể, USD tăng giá mạnh trong quý II (tăng hơn 5%), trong khi nhân dân tệ (CNY) giảm mạnh hơn 5%, nhất là sau thời điểm Fed tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm. Diễn biến tăng giá của USD đến từ kỳ vọng Fed sẽ đẩy nhanh hơn nữa tốc độ thắt chặt tiền tệ trong nửa cuối năm 2018, cùng triển vọng kinh tế không mấy tích cực từ khu vực châu Âu.

Trong bối cảnh này, tâm lý thị trường chuyển từ trạng thái ổn định sang lo ngại và thận trọng, nhà đầu tư có xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán giảm mạnh, chiến tranh thương mại có nguy cơ leo thang…

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, thanh khoản USD của hệ thống liên ngân hàng tiếp tục xu hướng bớt dồi dào hơn trong quý II/2018. Tình trạng này được dự báo sẽ duy trì trong quý III và mặt bằng lãi suất có thể tăng thêm khoảng 10 - 20 điểm phần trăm, lên mức 2,1 - 2,2%/năm kỳ hạn qua đêm - 1 tuần.

Nỗi lo của doanh nghiệp nhập khẩu

Một cuộc khảo sát toàn cầu được thực hiện với 200 giám đốc tài chính, gần 300 chuyên viên quản lý nguồn vốn, một bộ phận lớn các giám đốc tài chính (CFO) của các công ty lớn do HSBC và FT Remark thực hiện cho thấy, hơn một nửa các CFO tin rằng, rủi ro biến động tỷ giá là loại rủi ro mà doanh nghiệp ít có sự chuẩn bị để đối phó nhất. Những quan ngại này phản ánh mức độ biến động ngày càng tăng của các loại tiền tệ trong bối cảnh triển vọng về địa chính trị và kinh tế vĩ mô thiếu ổn định.

Các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến động tỷ giá, cũng đang có chung nỗi lo này. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP) cho hay: “Tỷ giá tăng dẫn đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành nhựa đi lên, bởi lượng hàng nhập khẩu chiểm tới 50%, trong khi đầu ra chưa kịp tăng giá, dẫn tới lợi nhuận bị ảnh hưởng. Ước tính tỷ giá tăng khoảng 1% mà sản phẩm chưa kịp tăng giá tương ứng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 0,5%. Do vậy, nếu tỷ giá tiếp tục leo dốc, các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh giá đầu ra cho phù hợp”.

Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Thép Việt (Pomina) cho biết, nếu tỷ giá tăng, giá thành của sản phẩm thép sẽ tăng cao tương ứng do phôi thép hoàn toàn là nhập khẩu. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nhìn xa hơn, tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa nói chung của nền kinh tế, có thể dẫn đến lạm phát cao, tạo nên nỗi lo chung của tất cả các doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, mặc dù NHNN đã triển khai các giải pháp can thiệp cần thiết, góp phần quan trọng trong việc ổn định thị trường ngoại hối, bao gồm giải pháp truyền thông và bán ngoại tệ, chưa kể, cung - cầu ngoại tệ cơ bản trong quý III/2018 được dự báo có thể tích cực hơn trong quý II, nhưng theo vị lãnh đạo BIDV, vẫn còn những yếu tố hỗ trợ tỷ giá tăng trong thời gian tới mà NHNN không thể can thiệp.

Theo đó, yếu tố tạo áp lực lớn nhất đối với thị trường ngoại hối trong giai đoạn tới đến từ những diễn biến phức tạp của môi trường kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại được phát động từ Mỹ. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc hay với một số quốc gia khác như Canada, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) có chiều hướng leo thang đang tạo ra ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế của các quốc gia mới nổi.

Với đặc thù của một nền kinh tế có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 200% GDP, cộng với vị trí địa lý là quốc gia láng giềng của Trung Quốc - tâm bão trong cuộc chiến tranh thương mại, Việt Nam chắc chắn sẽ đối mặt với không ít thử thách. Trong đó, tác động ngắn hạn đối với tỷ giá VND/USD có thể đến từ các khía cạnh như tâm lý lo ngại gia tăng, xu hướng leo dốc của USD, xuống dốc của nhân dân tệ trên thị trường quốc tế, hay nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Trong trung và dài hạn, phạm vi hay mức độ tác động sẽ phụ thuộc vào tình hình của cuộc chiến thương mại mà chúng tôi kỳ vọng sẽ duy trì trạng thái giằng co trong ít nhất một vài tháng tới”, vị lãnh đạo BIDV chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn, HSBC Việt Nam cho biết: “Trong dài hạn, các yếu tố cơ bản trên thị trường quốc tế được dự báo vẫn sẽ diễn biến phức tạp.

Để chủ động trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả, các doanh nghiệp cần tích cực thực hiện công tác phòng vệ rủi ro tỷ giá, lãi suất, thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ.

Trong bối cảnh này, việc NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng luôn đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp được đáp ứng kịp thời, đầy đủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp an tâm hoạt động sản xuất - kinh doanh”.

Theo Tin nhanh chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến