Dòng sự kiện:
Tỷ giá không chịu áp lực vào cuối năm
25/09/2021 13:30:38
Từ đầu năm đến nay, VND đã tăng giá 1,47% so với USD. Tỷ giá được nhận định không có áp lực vào cuối năm, thậm chí còn giảm.

Tỷ giá được nhận định không có áp lực vào cuối năm, thậm chí còn giảm.

Khó tăng cuối năm

Sau kỳ điều chỉnh hạ giá mua vào USD của Ngân hàng Nhà nước xuống mức 22.750 đồng/USD có hiệu lực từ ngày 11/8, tỷ giá tiếp tục vận động theo xu hướng giảm cho đến nay. Tại thời điểm đầu tháng 9/2021, tỷ giá giao dịch quanh mốc 22.760 - 22.770 VND/USD, là mức thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây.

VND là một trong ít loại tiền tệ trong khu vực đã tăng giá so với USD từ đầu năm đến nay. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Từ tháng 11/2019, sau 6 lần điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước đã giảm giá mua vào USD tổng cộng 450 đồng, đi ngược với các năm trước đó khi VND thường xuyên trượt giá so với USD. Mức độ cắt giảm cho đến nay được đánh giá là lớn hơn và sớm hơn dự kiến, thể hiện chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ giá được kỳ vọng đi ngang và biến động trong biên độ hẹp trong giai đoạn tới, do nguồn cung USD tiếp tục duy trì ổn định nhờ dòng tiền kiều hối và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đủ bù đắp cho các tháng thâm hụt cán cân thương mại. Khối Nghiên cứu toàn cầu của HSBC cũng kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục duy trì chính sách điều hành tỷ giá như thời gian qua. Theo đó, tỷ giá được dự báo giảm từ 22.750 VND/USD vào cuối quý III xuống 22.525 VND/USD cuối năm 2021.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV) nhận định, tỷ giá liên ngân hàng giảm mạnh vào tháng 8, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm tỷ giá mua giao ngay sau khi Mỹ và Việt Nam đạt được một thỏa thuận chung về chính sách tiền tệ. Còn theo phân tích của SSI Research, hiện dòng tiền kiều hối và giải ngân FDI vẫn khá tích cực, đủ bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa và dẫn đến cung - cầu ngoại tệ khá cân bằng, tỷ giá có thể giảm nhẹ về cuối năm.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Áp lực vào năm tới?

Theo quan điểm của Nhóm Nghiên cứu toàn cầu HSBC, bước sang năm 2022, tỷ giá sẽ đảo chiều về mức 23.000 VND/USD, trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, dòng vốn FDI chảy vào chậm lại. VND có thể đứng trước áp lực đối diện với một đồng bạc xanh mạnh hơn trên thị trường quốc tế và nhân dân tệ suy yếu hơn.

Trong năm 2021, VND đã vượt qua nhiều yếu tố bất lợi như những lo ngại về ảnh hưởng của Covid-19 kéo dài khiến đà tăng trưởng chậm lại, cán cân thương mại thâm hụt và sự khác biệt chính sách tiền tệ với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nhưng, theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, những vấn đề này có thể trở nên nổi cộm hơn vào năm sau.

Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam thu hẹp xuống còn 0,4 tỷ USD trong quý I/2022 từ mức trung bình hơn 3 tỷ USD mỗi quý trong giai đoạn 2019-2020 và nhiều khả năng thâm hụt nhẹ trong quý II. Thặng dư thương mại (vốn đã giảm xuống 5,9 tỷ USD trong quý I từ mức trung bình 6,5 tỷ USD giai đoạn 2019-2020) cũng bộc lộ thiếu hụt của tài khoản vãng lai khi tiếp tục thiếu các khoản thu từ du lịch.

Thâm hụt dịch vụ và dòng thu nhập chính lên tới 8,2 tỷ USD, trong khi dòng tiền liên quan đến kiều hối đạt 2,6 tỷ USD. Sự suy giảm trong tài khoản vãng lai có thể tăng tốc trong tương lai khi cán cân thương mại thâm hụt 1,3 tỷ USD/tháng kể từ tháng 4/2021. Trong khi đó, thâm hụt dịch vụ lớn hơn là hậu quả của việc mất doanh thu du lịch.

Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, các khoản FDI từ trước đến nay là nguồn chính của dòng vốn ngoại hối (5,9% GDP), nhưng theo ông Ngô Đăng Khoa, dòng tiền này gần đây đang chậm lại. Dữ liệu hằng tháng cho các khoản đầu tư đã thực hiện cho thấy sự sụt giảm từ mức trung bình là 1,8 tỷ USD vào tháng 4-12/2020 xuống còn 1,6 tỷ USD trong giai đoạn tháng 4-7/2021.

Tác giả: Thùy Vinh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến