Tin liên quan
Ảnh minh họa: Từ ngày 18-12, lãi suất tiền gửi cá nhân bằng đô la Mỹ đã về 0%
Nhưng vì hành động này xảy ra ngay sau khi Fed quyết định nâng lãi suất USD lên thêm 0,25 điểm phần trăm nên có thể hiểu rằng thực chất của hành động này là nhằm tăng khoảng cách lãi suất tiền gửi giữa tiền đồng (VND) và USD ở Việt Nam thêm một bước nữa để giúp giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD vốn đã kịch trần từ mấy hôm trước đó.
Không mấy tác dụng
Điều đáng chú ý là NHNN đã giảm lãi suất tiền gửi USD của tổ chức và cá nhân trước đó, từ ngày 28-9-2015 (lãi suất tiền gửi USD của tổ chức từ 0,25% xuống còn 0%, của cá nhân từ 0,75% xuống còn 0,25%), trước áp lực phá giá dồn nén đến từ việc Trung Quốc liên tục phá giá nhân dân tệ. Nhưng hành động này trên thực tế cho thấy hầu như không có tác dụng vì tỷ giá VND/USD vẫn đứng ở mức cao, thậm chí còn chạm trần nhiều lần sau đó.
Cũng dễ hiểu chuyện này vì thực ra không chỉ mức độ hạ lãi suất tiền gửi USD là tương đối nhỏ (0,25 và 0,5 điểm phần trăm tương ứng cho doanh nghiệp và cá nhân), mà còn vì trong số người nắm giữ USD chỉ có một phần nhỏ là những người nắm vì mục đích hưởng lãi suất USD và trở nên nhạy cảm với biên độ tăng giảm nhỏ như vậy. Đa phần cá nhân và tổ chức nắm giữ USD trong bối cảnh lãi suất thấp là vì hoặc họ kỳ vọng VND sẽ bị mất giá trong tương lai gần ở mức độ lớn hơn nhiều, hơn cả mức chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa VND và USD, hoặc vì họ có nhu cầu thực sự với USD như để thanh toán trong tương lai, cũng như do nhu cầu phòng ngừa rủi ro lạm phát (so với nếu giữ tài sản dưới dạng VND)...
So với những mục đích trên thì có thể thấy việc cắt giảm lãi suất tiền gửi USD 0,25-0,5 điểm phần trăm hồi tháng 9 và thêm 0,25 điểm phần trăm như trong tuần qua là hoàn toàn không đủ kích thích hoặc buộc các cá nhân và tổ chức có USD chuyển đổi số USD nắm giữ của mình sang VND.
Ví dụ, nếu người ta kỳ vọng rằng VND sẽ bị mất giá thêm ít nhất 2% nữa trong những ngày cuối năm nay hoặc sang tháng 1 năm sau thì có lẽ không mấy ai lại nhanh chóng chuyển đổi số USD nắm giữ của mình sang VND ngay thời điểm hiện tại rồi gửi vào ngân hàng hưởng lãi cho dù ở mức lãi suất quy ra là 0,6%/tháng.
Không còn nhiều lựa chọn và dư địa
Việc giảm lãi suất tiền gửi USD cho dù biết là hiệu quả mang lại sẽ không đáng kể, nhưng thực tế cũng không còn mấy công cụ nào hữu hiệu (hơn).
Như trên đã nói, cho dù có thể chỉ là một phần nhỏ, nhưng vẫn có một số cá nhân và tổ chức nắm giữ USD với mục đích là hưởng lãi suất USD trong một thời gian nào đó. Do đó, khi lãi suất tiền gửi USD bị hạ xuống 0% thì một số trong bộ phận những cá nhân và tổ chức này sẽ cân nhắc việc chuyển đổi USD đang nắm giữ sang các loại hình tài sản khác, trong đó có tài sản bằng VND. Như vậy, việc hạ lãi suất tiền gửi USD vẫn có tác dụng ở một mức độ nào đó dù có thể là không đáng kể, và nếu “tích tiểu thành đại”, sử dụng “đồng bộ” nhiều biện pháp khác thì NHNN hy vọng bàn tay can thiệp của mình sẽ có trọng lượng hơn.
Về những lựa chọn mang tính kinh tế, để bảo vệ tỷ giá thì NHNN có thể nâng lãi suất tiền gửi VND, một biện pháp cũng có tác dụng như hạ lãi suất tiền gửi USD ở góc độ là sẽ tăng khoảng cách lãi suất giữa VND và USD để tăng mức hấp dẫn tương đối của VND so với USD. Nhưng việc nâng lãi suất VND trong bối cảnh hiện tại là không thể, chí ít vì lãi suất VND đã ở mức cao và đang có xu hướng tăng cao hơn, làm cho lãi suất ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với khu vực cũng như thế giới và mức lạm phát ở Việt Nam.
Một lựa chọn mang tính kinh tế khác là NHNN bán USD để bảo vệ tỷ giá. Nhưng lựa chọn này cũng đã tỏ ra là không còn mấy dư địa cho NHNN khi dự trữ ngoại hối của NHNN đã sụt giảm mạnh trong những tháng qua khi NHNN phải can thiệp hỗ trợ tỷ giá.
Do đó, để có thể khuyến khích, chính xác là ép những đối tượng đang nắm giữ USD chuyển đổi từ USD sang VND thì cần phải có những biện pháp mạnh hơn, phần nhiều mang tính hành chính cưỡng chế. Ví dụ, NHNN có thể ra một chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi USD của tổ chức và cá nhân thì không những không trả lãi mà còn thu phí quản lý ngoại tệ, với mục đích làm cho người nắm giữ USD sẽ chỉ còn cách cất USD dưới dạng tiền mặt ở trong két sắt tại gia nếu muốn đầu cơ hay nắm giữ USD cho chi tiêu sau này. Nhưng thực tế cho thấy vẫn có nhiều ngân hàng sẵn sàng chấp nhận “đi đêm” với khách hàng có USD để huy động được USD. Nên dù NHNN có hạ lãi suất hay bắt phải tính phí gửi USD thì cả ngân hàng và khách hàng vẫn tìm được tiếng nói chung ngoài tầm kiểm soát của NHNN.
Hoặc NHNN cũng có thể tăng cường biện pháp kết hối, buộc cá nhân và tổ chức có nguồn thu USD qua hệ thống ngân hàng phải bán ngay số ngoại tệ đó cho ngân hàng với tỷ giá quy định. Biện pháp này đã được thực hiện trước đây nhưng cũng tỏ ra không có mấy tác dụng vì nó sẽ kích thích sự phát triển của hệ thống ngân hàng ngầm chuyển tiền vào, ra khỏi Việt Nam.
Tóm lại, NHNN đang ngày càng gặp khó khăn trong cuộc chiến (bảo vệ) tỷ giá ở Việt Nam chống lại hai “thế lực” lớn từ nước ngoài là lãi suất USD tăng ở Mỹ và nhân dân tệ tiếp tục bị phá giá ở Trung Quốc. Trong bối cảnh này, NHNN nên chủ động tính toán để chọn thời điểm “buông” sao cho có lợi nhất không chỉ cho uy tín còn lại của NHNN mà còn giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế.
Phan Minh Ngọc
Theo TBKTSG
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy