'Tỷ giá sẽ tiếp tục là vấn đề cần cân nhắc trong năm 2016'
21/10/2015 15:30:57
Mặc dù không nhìn thấy yếu tố rõ ràng nào có thể gây áp lực lớn cho tỷ giá từ nay đến hết 2015, tuy nhiên CTCK Vietcombank cho rằng rủi ro tỷ giá sẽ tiếp tục là vấn đề cần cân nhắc trong năm 2016.

Tin liên quan

Theo Báo cáo kinh tế Vĩ mô Quý III/2015 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thị trường ngoại hối biến động mạnh quý III và sau đó ổn định dần trở lại. Công ty này kỳ vọng tỷ giá sẽ không điều chỉnh thêm trong 2015.

Trong Quý 3, tỷ giá và thị trường ngoại hối đã ghi nhận biến động mạnh do chịu tác động từ những yếu tố trên thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc. Cụ thể, nhằm ứng biến trước động thái Trung Quốc bất ngờ thay đổi chính sách điều hành tỷ giá đi cùng với diễn biến liên tục lao dốc của đồng Nhân dân tệ (CNY), vào giữa tháng 8, NHNN quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% lên mức 21.890 VND/USD và nới rộng biên độ lên 3%.

Sau diễn biến này, tỷ giá và thị trường ngoại hối vẫn tiếp tục nóng lên. Đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, sức nóng của thị trường mới thực sự suy giảm sau khi thị trường đón nhận những thông tin và diễn biến mới trên thế giới đi cùng với những động thái và biện pháp nhất quán của NHNN để can thiệp nhằm bình ổn thị trường.

Trước tiên phải kể đến hai sự kiện lớn trên thế giới đã xoa dịu và đẩy lùi đáng kể rủi ro tỷ giá: FED quyết định chưa nâng lãi suất trong tháng 9 và đàm phán TPP chính thức kết thúc mở ra kỳ vọng Việt Nam sẽ là tâm điểm thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ trong dài hạn. Song song với đó, những biện pháp can thiệp của NHNN cũng phát huy tác dụng như hạ lãi suất huy động USD (giúp cải thiện tính hấp dẫn của VND so với USD) và ban hành Thông tư số 15/2015/TT-NHNN.

Thông tư 15 quy định khá chặt chẽ việc mua - bán ngoại tệ giao ngay chỉ được thực hiện khi khách hàng có nhu cầu và chứng minh được nhu cầu thanh toán trong phạm vi 2 ngày làm việc.

Trong trường hợp từ 3 ngày trở lên, giao dịch phải thông qua phương thức kỳ hạn nhưng tỷ giá kỳ hạn không được vượt quá mức tỷ giá được xác định dựa trên tỷ giá giao ngay vào ngày giao dịch; chênh lệch giữa lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố và lãi suất mục tiêu USD của FED và kỳ hạn giao dịch. Việc siết chặt hơn quy định về giao dịch ngoại tệ giúp hạn chế hiện tượng đầu cơ hoặc mua và găm giữ USD trước khi nhu cầu thanh toán phát sinh, từ đó giảm bớt áp lực cầu ngoại tệ.

"Xét riêng các yếu tố trong nước, chúng tôi không nhìn thấy yếu tố rõ ràng nào có thể gây áp lực lớn cho tỷ giá từ nay đến hết 2015. Theo yếu tố mùa vụ, cầu ngoại tệ có thể tăng lên để đáp ứng nhu cầu thanh toán và sản xuất cho các đơn hàng vào dịp cuối năm", VCBS nhận định.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, vốn FDI giải ngân và kiều hối được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng tích cực (trong 9 tháng đầu năm, tổng vốn FDI giải ngân đạt 9,7 tỷ USD (+8,4%); kiều hối năm 2015 dự báo sẽ đạt khoảng 13 - 14 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với 2014). Ngoài ra, thâm hụt thương mại 2015 cũng được kỳ vọng sẽ không quá đột biến (khoảng 4 – 4,5 tỷ USD và tác động của thâm hụt thương mại đã phản ánh nhiều trong diễn biến tỷ giá 9 tháng đầu năm).

"Như vậy, trong thời gian tới, chúng tôi duy trì đánh giá, diễn biến trên thị trường thế giới sẽ là những yếu tố chính ảnh hưởng lên tỷ giá và thị trường ngoại hối trong nước, trong đó tâm điểm là khả năng tiếp tục mất giá của đồng CNY và thời điểm bắt đầu và lộ trình nâng lãi suất của FED", VCBS đánh giá.

VCBS kỳ vọng vào một diễn biến dao động hẹp của đồng CNY trong Quý 4 với cơ sở là nỗ lực bình ổn thị trường từ phía PBOC sau những biến động mạnh hồi tháng 8. Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, theo biên bản họp của FED, tổ chức này cũng đang tỏ ra quan ngại những diễn biến xấu trên thị trường thế giới, đặc biệt là các vấn đề xung quanh nền kinh tế Trung Quốc, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

VCBS cho rằng thời điểm nâng lãi suất của FED sớm nhất cũng phải đến cuối năm nay (tháng 12). Với giả định kinh tế thế giới không xảy ra những cú sốc lớn nằm ngoài dự đoán, tỷ giá có thể sẽ không điều chỉnh thêm trong năm 2015. Tuy nhiên, VCBS cũng đánh giá rủi ro tỷ giá sẽ tiếp tục là vấn đề cần cân nhắc trong năm 2016.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng với nỗ lực của nhà điều hành (thậm chí phải bán ngoại tệ từ quỹ dự trữ ngoại hối), khả năng sẽ không có thêm đợt phá giá nào từ nay đến cuối năm dù tại một số thời điểm, tỷ giá có thể có những đợt tăng căng thẳng mang tính ngắn hạn.

Theo Trí thức trẻ/VCBS

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến