Dòng sự kiện:
Tỷ giá tăng nóng nhất kể từ đầu năm
12/05/2019 15:09:53
Tuần vừa qua đã chứng kiến tăng nóng của tỷ giá trước những căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ngày 9/5, tỷ giá đã chạm ngưỡng 23.380 đồng, cao hơn 20 điểm mức đỉnh của năm 2018.

Đây là mức tăng “nóng” nhất của tỷ giá sau giai đoạn ổn định kéo dài trong gần bốn tháng đầu năm.

Diễn biến đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã có chiều hướng xấu kể từ ngày tổng thống Trump phát đi thông điệp về sẵn sàng áp dụng mức thuế mới với Trung Quốc sau giai đoạn dài hai bên chưa đạt được thỏa thuận. Tỷ giá USD/CNY và tỷ giá USD/VND đã đồng loạt tăng trước rủi ro chiến tranh thương mại toàn cầu.

Tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh 100 điểm từ 6/5 đến 9/5, vượt qua mức đỉnh 23.360 đồng của năm 2018 chỉ trong 4 ngày, đồng thời nối tiếp đà tăng kéo dài từ nửa cuối tháng 4 đến nay.

Có hai nguyên nhân chính đẩy tỷ giá tăng nóng.

Thứ nhất do chiến tranh thương mại căng thẳng. Điều thứ hai do tâm lý các chủ thể tham gia thị trường tiền tệ và khả năng có đầu cơ tỷ giá. Tỷ giá đã trầm lắng suốt từ đầu năm và “đợt sóng” tỷ giá vừa qua là cơ hội kiếm lời tốt cho các chủ thể trên thị trường ngoại hối. Một dấu hiệu của sự xuất hiện cầu ảo nữa đó là tỷ giá đã giảm khoảng 50 điểm trong ngày cuối tuần, 1 ngày ngay sau khi tỷ giá đạt đỉnh và cũng chính là ngày Mỹ tuyên bố áp thuế mới lên Trung Quốc.

Lẽ ra tỷ giá phải tăng cao hơn khi việc áp thuế kể trên chính thức có hiệu lực thay vì những lời đồn đoán trước đó. Tuy nhiên, ngược lại, tỷ giá lại giảm, đây có lẽ là hiện tượng “giá chạy trước tin” thường xuyên xảy ra trên thị trường ngoại hối. Thông tin đã được thị trường phản ánh thái quá những ngày trước đó, phần nào tạo ra cầu ảo, tình trạng đầu cơ, đẩy tỷ giá tăng quá nóng và đến khi tin chính thức ra thì thị trường lại giảm điểm do tâm lý bán chốt lời.

Về phía nhà điều hành, sau giai đoạn tỷ giá ổn định kéo dài, giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua được khoảng 8 tỉ đô la (USD), cao hơn mức 6 tỉ USD trong cả năm 2018 thì cơ quan này chính thức đương đầu với bài toán tỷ giá. Động thái đầu tiên của NHNN là gọi thầu trở lại tín phiếu. Mục đích để hút ròng nội tệ, giảm áp lực cho tỷ giá. Động thái này là hợp lý do NHNN cũng đang phải đối mặt với rủi ro từ lạm phát.

Nếu chiến tranh tiền tệ tiếp diễn theo chiều hướng xấu hơn thì có lẽ lãi suất liên ngân hàng (LNH) sẽ vẫn còn duy trì ở mức cao như hiện tại khi NHNN tiếp tục duy trì phát hành tín phiếu. Thậm chí, NHNN còn có thể phải bán USD ra để bình ổn tỷ giá.

Tỷ giá Việt Nam có lẽ quá nhạy cảm với các cú sốc tài chính. Bên cạnh đó, lạm phát và lãi suất cũng trong giai đoạn gặp nhiều áp lực. Vì vậy, ổn định vĩ mô phải là mục tiêu tiên quyết và khó khăn của NHNN cũng như chính phủ, thay vì chạy theo mục tiêu tăng trưởng.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến