Trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,31%, xuống 93,65.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ đang hỗ trợ thị trường vàng, giữa bối cảnh những nhận định về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm bớt quy mô chương trình mua trái phiếu với tốc độ nhanh hơn hoặc triển vọng ngân hàng này nâng lãi suất đã bị hạn chế.
Về dữ liệu kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 2% trong quý III do nhiễm làn sóng Covid-19 bùng phát, thấp hơn so với ước tính 2,7%.
Trong khi đó, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước là 281.000 người, thấp hơn một chút so với dự báo 289.000 người từ các chuyên gia kinh tế, Bộ Lao động Mỹ cho biết.
Trong biên bản sau cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, các quan chức Fed cho rằng lạm phát có nguy cơ tiếp tục tăng vì tâm lý lo ngại gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu lao động có thể kéo dài và kéo theo những tác động lớn hơn hoặc dai dẳng hơn đến giá cả và tiền lương so với những dự tính hiện tại.
Các quan chức cũng nhất trí nếu đà phục hồi kinh tế tiếp tục duy trì đúng lộ trình hiện nay, việc thu hẹp dần và tiến tới chấm dứt chương trình kích thích kinh tế vào giữa năm 2022 là hợp lý.
Nền kinh tế các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) duy trì đà phục hồi sau tác động của dịch Covid-19, với tăng trưởng kinh tế trong quý III đạt mức 2,2%, tăng nhẹ so với dự báo.
Lạm phát của Eurozone trong tháng 10 tăng mạnh, cao hơn tới 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức cao kỷ lục trong 13 năm qua, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong bối cảnh giá năng lượng tăng 23,5%. Giới phân tích cho rằng lạm phát tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Tác giả: Đông Sơn