Dòng sự kiện:
Tỷ lệ phủ vaccine nằm top thế giới, Việt Nam vượt qua e ngại để mở cửa
26/03/2022 08:06:11
Khôi phục đường bay quốc tế, mở cửa du lịch trên toàn quốc kèm theo nới lỏng nhiều quy định cách ly, điều trị F0 là những tín hiệu vui có được nhờ thành quả của chiến dịch vaccine.

Với động thái mở cửa trở lại hoạt động du lịch trên phạm vi toàn quốc từ 15/3 và gỡ bỏ mọi hạn chế, khôi phục hoàn toàn các đường bay quốc tế từ 15/2, Việt Nam đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc nới lỏng các hoạt động, bước vào trạng thái “bình thường mới” sau hơn 2 năm đối mặt với cơn cuồng phong mang tên “đại dịch Covid-19”.

Cũng trong tháng 3, Chính phủ đồng ý khôi phục toàn bộ chính sách visa, chính sách xuất nhập cảnh như trước khi áp dụng biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch hồi năm 2020. Tỷ lệ bao phủ vaccine về đích sớm và đạt kết quả vượt xa kỳ vọng chính là “chìa khóa” giúp Việt Nam tự tin mở cửa.

Tốc độ tiêm vaccine nhanh kỷ lục
Tính đến 21/3, số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt 471 triệu ca, trong đó có trên 6,1 triệu ca tử vong.

Ngày 20/3, Trung Quốc phải đưa ra quyết định phong tỏa thêm một thành phố 4,5 triệu dân do dịch lây lan. Cụ thể, lệnh ở trong nhà đã được ban bố đối với hàng triệu người dân ở thành phố Cát Lâm trong nỗ lực ứng phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất trong 2 năm qua.

Trong khi đó, Việt Nam đang từng bước tiến tới cuộc sống “bình thường mới” với việc nới lỏng, mở cửa nhiều hoạt động.


Hàng nghìn người có mặt tại điểm tiêm chủng của Nhà thi đấu Phú Thọ khi TP.HCM phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử hồi tháng 6/2021. Ảnh: Quỳnh Danh.

Khi làn sóng dịch lần thứ 4 càn quét tại TP.HCM, số ca mắc và số ca tử vong, nguy kịch đều rất cao, nhất là vào thời điểm khoảng tháng 8. Thời điểm ấy, tỷ lệ bao phủ vaccine còn hạn chế.

“Trong những cuộc họp khi đó, nhiều người e dè đặt câu hỏi: 'Làm sao có thể tiêm vaccine nhanh được? Liệu qua Tết có tiêm hết được cho người dân không’? Và câu trả lời đã có rất nhanh sau đó, chưa cần chờ đến Tết”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, kể lại.

Với nỗ lực ngoại giao vaccine và thỏa thuận để kêu gọi đa dạng hóa nhiều nguồn vaccine, tốc độ tiêm cho người dân TP.HCM khi đó “nhanh kỷ lục”.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, khi nhập vaccine từ nhiều nguồn, không ít chuyên gia, nhà khoa học “nghi ngờ” một loại vaccine nào đó. Về phía người dân, cũng có trường hợp e ngại không muốn tiêm. Nhưng rất may, đa số đồng thuận nên việc tiêm vaccine được triển khai rất nhanh, hầu hết loại vaccine nhập về đều được sử dụng hiệu quả.

Trái ngược với một số quốc gia trên thế giới có hiện tượng “anti vaccine” khiến hiệu quả của việc tiêm chủng không được phát huy, ông Dũng nhìn nhận chiến dịch vaccine ở Việt Nam được triển khai rất nhanh, trong đó có ngày đã tiêm được hơn 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Đầu tháng 8/2021, tỷ lệ tiêm chủng vaccine của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong Đông Nam Á (chỉ hơn Myanmar) với hơn 8 triệu liều tiêm, mới đạt mức bao phủ 1 liều cho 7,5% dân số từ 18 tuổi trở lên. Tờ The Straits Times (Singapore) khi đó dự đoán Việt Nam phải mất hơn 10 năm mới có thể tiêm được vaccine cho 75% dân số.

Đến hết năm 2021, hơn 151 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Việt Nam. Độ bao phủ vaccine của Việt Nam cũng vượt xa mức trung bình trên thế giới (48,37%)

Nhưng chỉ đến hết năm 2021, hơn 151 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Việt Nam. So với thời điểm cuối tháng 8, số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine mũi 1 tăng khoảng 4 lần, số người được tiêm mũi 2 tăng hơn 21 lần. Độ bao phủ vaccine của Việt Nam cũng vượt xa mức trung bình trên thế giới (48,37%).

Nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine tăng cao trong thời gian ngắn, số ca mắc dù tăng cao, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng và tử vong thấp hơn nhiều so với giai đoạn chưa bao phủ vaccine.


Rất đông du khách đến tắm biển Vũng Tàu khi tình hình dịch trong nước dần được kiểm soát tốt. Ảnh: Quỳnh Danh.

Giữa tháng 3, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Việt Nam ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện tại Việt Nam (23/1/2020). Nếu như năm 2021, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Việt Nam là 1,94%/tổng số ca mắc thì trong 10 tuần đầu năm 2022, tỷ lệ này giảm còn 0,36%. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy số người tử vong do Covid-19 mỗi ngày ở Việt Nam hiện nay khoảng trên dưới 80 người.

Khi vaccine chưa được bao phủ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết nhiều người e ngại rằng “Mở cửa có sớm quá hay không? Nếu mở cửa mà bùng dịch thì phải làm thế nào”? Nhưng mong muốn của cả người dân và chính quyền đều là sớm mở cửa.

Và đến nay, nhìn lại tỷ lệ bao phủ vaccine với thành tích nằm trong top những quốc gia cao nhất thế giới, Việt Nam đã tự tin mở cửa để dần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian dài đóng băng vì dịch bệnh.

Vaccine vẫn là "vũ khí chủ chốt"

Tiến sĩ Thu Anh, chuyên gia về dịch tễ học, nhận định Việt Nam đang ở đỉnh cao của miễn dịch cộng đồng, có độ phủ vaccine lớn. Dù số ca mắc lớn, triệu chứng của người bệnh nhẹ nên dịch vẫn trong ngưỡng an toàn. Theo vị chuyên gia, với tỷ lệ tiêm vaccine cao như vừa qua, nếu ngồi yên mà không dám mở cửa sẽ rất lãng phí vaccine.

Dẫn chứng từ việc mở cửa du lịch, nhiều chuyên gia khuyến khích chính sách mở cửa sớm để giúp phục hồi kinh tế, bởi việc đóng cửa hay bế quan tỏa cảng cũng không giúp ngăn được dịch Covid-19.

Minh chứng là trong hai tháng thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Việt Nam chỉ ghi nhận 27 ca mắc Covid-19 trong số gần 9.000 du khách. Trong số đó, chỉ có một trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế, số còn lại không có triệu chứng và không gây lây nhiễm ra cộng đồng.


Nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao, Việt Nam đang tự tin mở cửa và sống thích ứng với dịch Covid-19. Ảnh: Đoàn Nguyên.

GS.TS Hoàng Văn Cường (Đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết khi dịch Covid-19 bùng phát, việc đóng cửa để phòng chống dịch đã khiến nền kinh tế suy giảm trầm trọng. Năm 2021, khi nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam giãn cách xã hội, tăng trưởng kinh tế trong nước giảm mạnh từ mức 6% trong quý II xuống âm 6% trong quý III.

Nhưng đến nay, nhờ ý thức chống dịch của người dân được nâng cao cộng với “vũ khí vaccine”, Việt Nam có thể tự tin mở cửa nền kinh tế.

Với những nỗ lực kiểm soát đại dịch rất thành công trong hai năm qua, Việt Nam đã trở thành một tiêu chuẩn trên thế giới, đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu

Bà Rana Flowers - quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Dù là nước tiếp cận vaccine chậm hơn nhiều quốc gia trên thế giới, cho đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 200 triệu liều vaccine Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên; hơn 17 triệu liều tiêm cho trẻ 12-17 tuổi.

Tính theo tỷ lệ, 100% người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1; 99,1% đã tiêm mũi 2 và 43,5% đã tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại). Trẻ 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt tỷ lệ 99% và tiêm mũi 2 đạt tỷ lệ 94%.

“Với những nỗ lực kiểm soát đại dịch rất thành công trong hai năm qua, Việt Nam đã trở thành một tiêu chuẩn trên thế giới, đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu để bảo vệ người dân, bao gồm cả những người dân nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất”, bà Rana Flowers (quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam), chia sẻ trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 14/3.

Hoàn thành tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi trước tháng 9

Nghị quyết số 38 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 ban hành hôm 17/3 cũng một lần nữa đề cao tầm quan trọng của vaccine. Trong số nhiều biện pháp được Chính phủ nêu ra để “giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 xuống thấp hơn mức trung bình của châu Á”, thì vaccine vẫn là vũ khí chủ chốt.
 
Mục tiêu cụ thể Chính phủ đặt ra là đến hết quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người 12-17 tuổi; tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên; bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ 5-11 tuổi trước tháng 9.

Tác giả: Hoài Thu
Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến