UB Giám sát tài chính quốc gia: Cần hỗ trợ tăng tổng cầu xã hội
03/07/2014 14:12:00
Thanh khoản ngoại tệ bị áp lực, tổng cầu yếu, tiêu dùng chưa được cải thiện, vốn đầu tư tư nhân giảm sút, kinh tế có tăng nhưng tốc độ chậm... là những vấn đề mà Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng cần được xử lý để thúc đẩy tăng trưởng trong sáu tháng cuối năm nay.

Thanh khoản ngoại tệ bị áp lực, tổng cầu yếu, tiêu dùng chưa được cải thiện, vốn đầu tư tư nhân giảm sút, kinh tế có tăng nhưng tốc độ chậm... là những vấn đề mà Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng cần được xử lý để thúc đẩy tăng trưởng trong sáu tháng cuối năm nay.

 

Sức mua của người dân còn đang rất yếu. Ảnh TL SGT.

 

Tiền đồng ổn định, ngoại tệ bị áp lực

 

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô hàng tháng phục vụ cho phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định tiền đồng Việt Nam đang ổn định cả về lãi suất và thanh khoản song ngoại tệ lại bị áp lực lớn.

 

Việc giảm lãi suất huy động tiền đồng (VND) trong thời gian gần đây đã không ảnh hưởng đến mức huy động tiền gửi nội tệ của khách hàng và tỉ lệ giữa huy động và cho vay đã giảm. Tuy nhiên, thanh khoản ngoại tệ lại đang chịu áp lực do cho vay nhiều hơn huy động.

 

Theo Ủy ban, tính đến tháng 5-2014, lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 6 tháng đã giảm 0,8 điểm % so với đầu năm, từ mức 7,2%/năm xuống 6,4%/năm.

 

Mức giảm này đã không ảnh hưởng đến tiền gửi nội tệ của khách hàng, tính đến tháng 5 tiền gửi bằng VND vẫn tăng 7,1%  so với đầu năm.

 

Ủy ban cho biết, thanh khoản tiền đồng của hệ thống ngân hàng được duy trì tốt. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi giảm từ 82,4% cuối năm 2013 xuống còn 79% trong tháng 5-2014 do cho vay nội tệ tăng chậm hơn huy động. Tính đến tháng 5-2014, cho vay VND đã tăng 1,1% so với đầu năm, trong khi tiền gửi bằng VND tăng 7,1%. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sau khi có dấu hiệu tăng trong tháng 5 đã giảm trở lại trong tháng 6.

 

Tuy nhiên, thanh khoản đối với ngoại tệ lại chịu áp lực do tiền gửi bằng ngoại tệ giảm trong khi cho vay tăng. Theo số liệu của Ủy ban, tính đến tháng 5 tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 5,5%, cho vay ngoại tệ đã tăng 7% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ đã tăng từ 84,3% cuối năm 2013 lên 95,5% trong tháng 5-2014.

 

Do áp lực về thanh khoản, lãi suất đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3%/năm lên khoảng 0,4%/năm và dao động mạnh hơn.

 

Tổng cầu đầu tư yếu

 

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề nghị Chính phủ điều hành chính sách vĩ mô cần chuyển sang hỗ trợ tổng cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay.

 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt ở mức 5% cả năm nay, Ủy ban đề nghị Chính phủ xem xét việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản trong 6 tháng cuối năm.

 

Ủy ban cũng khiến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư Nhà nước, và tiếp tục đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.

 

Những gợi ý trên, theo Ủy ban, là do tổng cầu còn yếu, nhất là cầu đầu tư. Mặc dù tổng đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 30,2% GDP, cao hơn mức 29,6% GDP cùng kỳ năm 2013 nhưng đầu tư khu vực ngoài Nhà nước đã giảm từ 11,1% GDP xuống 10,3% GDP. Dư nợ tín dụng tính đến 20-5-2014 cũng chỉ tăng 1,1% so với tháng 12-2013, thấp hơn mức tăng 2,1% của cùng kì năm 2013.

 

Kinh tế tăng trưởng nhưng chậm

 

Trong khi đó, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu chững lại, một phần do sự cố ở một số khu công nghiệp trong tháng 5. So với cùng kì 2013, trong 6 tháng đầu năm 2014 vốn đăng kí (cấp mới và bổ sung) giảm 35,3% và vốn thực hiện chỉ tăng 0,9% (cùng kỳ năm 2013 tăng 5,6%).

 

Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 4,1% so cùng kì, trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng 16,2% so cùng kì.

 

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2014 cao hơn cùng kỳ hai năm trước (đạt mức 5,2%, so với mức 4,9% của cùng kì hai năm trước). Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng cải thiện chủ yếu nhờ khu vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng khi hai khu vực này đóng góp tương ứng 49,6% và 39,7% vào mức cải thiện tăng trưởng (nông-lâm-ngư nghiệp đóng góp 10,7%).

 

Tuy nhiên, riêng ngành xây dựng vẫn tăng trưởng chậm trong 6 tháng, đạt mức thấp hơn cùng kì 2013 (4,1% so với 4,6%), cho thấy khu vực bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Tổng mức hàng hóa bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2014 sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% so cùng kì năm trước, cao hơn mức tăng 4,9% của cùng kì 2013. Mức tiêu thụ điện trong 6 tháng/2014 cũng tăng nhanh hơn cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, mức cải thiện tiêu dùng vẫn còn hạn chế khi khối lượng vận chuyển hàng hóa trong 6 tháng/2014 tăng thấp hơn so với cùng kì (1,7% so với 2,8%).

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến