Dòng sự kiện:
UBCKNN đã nhận hồ sơ chào bán 603,3 triệu cổ phần BIDV cho KEB Hana Bank
29/10/2019 11:23:22
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận được văn bản của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBNCKNN) về việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của BIDV.

Theo đó, UBCKNN đã nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo giấy đăng ký chào bán riêng lẻ ngày 2/8 của BIDV và đã công bố trên website của UBCKNN.

Trước đó, hồi tháng 7, BIDV thông báo phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV. Tổng giá trị giao dịch là hơn 20.295 tỷ đồng, tương ứng với mức giá 33.640 đồng/cổ phần.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận đủ hồ sơ đăng ký phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank của BIDV.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch ngân hàng là ông Phan Đức Tú hồi tháng 9 cho biết thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc cũng đang ở giai đoạn hoàn tất cuối cùng, dự kiến sẽ thực hiện xong trong tháng 10 này.

Đây có thể là lý do giúp ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất hệ thống tài chính Việt Nam giải tỏa được áp lực tăng vốn, đồng thời chủ động xin chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tổng tỷ lệ 14% cho 2 năm 2017, 2018.

Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 8/11 và ngày dự kiến thanh toán là 12/12. Như vậy, với tổng cộng hơn 3,41 tỷ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, BIDV sẽ chi ra khoảng hơn 4.786 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này.

Tuy nhiên, trong trường hợp tới ngày 8/11, nhà đầu tư chiến lược KEB Hana Bank đã chính thức trở thành cổ đông của BIDV, số tiền chi trả sẽ cao hơn con số trên.

Với việc đang nắm giữ trên 3,25 tỷ cổ phiếu của BIDV, Nhà nước sẽ nhận về tới 4.560 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức này. Số tiền trên sẽ được chuyển cho cơ quan "quản tiền quốc gia" là Bộ Tài chính.

Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt gần 26.398 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ tăng trưởng tới 18,7%, đạt doanh thu lũy kế hơn 3.018,7 tỷ đồng. Các hoạt động khác đạt 3.591 tỷ đồng sau 3 quý kinh doanh.

Việc gia tăng trích lập chi phí rủi rotín dụng, đạt 23.529,8 tỷ đồng, đã khiến cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của BIDV trong 9 tháng đầu năm 2019 có phần chững lại, thậm chí sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận còn lại của ngân hàng lũy kế đạt 5.496,3 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính đến ngày 30/9/2019, dư nợ cho vay của BIDV đạt 1.073.510 tỷ đồng, tăng 8,57% so với đầu năm. Trong đó, tổng các khoản nợ từ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tới nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đạt 22.436 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu đạt 2,09%.

Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng mạnh từ 7.170 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 12.193 tỷ đồng (tương ứng tăng hơn 5.023tỷ đồng).

Phân tích chất lượng nợ vay của BIDV tại ngày 30/9 (Nguồn: BCTC hợp nhất Quý 3/2019 của BIDV)

Ngoài ra, BIDV cũng gia tăng mạnh việc nắm giữ các chứng khoán nợ là “chứng khoán Chính phủ, chính quyền địa phương” đạt 1.423,9 tỷ đồng tính tới cuối Quý 3/2019 (đầu năm là 104,3 tỷ đồng).

Quy mô tổng tài sản của BIDV tính tới ngày 30/9 đạt 1.425.398,5 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến