Dòng sự kiện:
Uber rút đơn kiện, hơn 53 tỷ đồng nợ thuế có thu hồi được?
25/08/2018 18:32:07
Một số luật sư cho rằng, dù Uber không còn văn phòng hoạt động tại Việt Nam nhưng cơ quan Thuế vẫn có thể thu hồi được số nợ thuế mà công ty này còn thiếu.

 
Tiếp tục thu hồi nợ thuế của Uber.
 
Tự nguyện rút đơn kiện

Tòa án nhân dân TP.HCM đã có quyết định đình chỉ vụ kiện hành chính của Uber B.V với Cục thuế TP.HCM, do pháp nhân này xin rút đơn kiện.

Sau khi kết thúc thanh tra, đầu tháng 9/2017, Cục Thuế TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền hơn 66,68 tỷ đồng đối với Công ty Uber B.V (Hà Lan).

Sau khi Cục Thuế TP.HCM ban hành quyết định truy thu thuế, Uber đã khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính với lý do hãng này không phải đóng thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hà Lan. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời chính thức, theo đó bác khiếu nại của Uber về quyết định truy thu 66,68 tỷ đồng thuế của Cục Thuế TP.HCM.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ các quy định trong pháp luật về thuế và kết quả thanh tra thuế tại Công ty TNHH Uber Việt Nam, Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua các cơ sở thường trú tại Việt Nam. Do đó, Công ty có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu theo quy định.

Tuy nhiên, không đồng ý với kết quả trên, Công ty này mới nộp 13,3 tỷ đồng, còn lại hơn 53 tỷ đồng chưa nộp và khởi kiện Cục Thuế TP.HCM ra Tòa án TP.HCM.

Cục Thuế TP.HCM từng thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định để buộc công ty nộp đủ số tiền hơn 53 tỷ đồng còn lại trong tổng số gần 67 tỷ đồng bị ngành thuế truy thu. Theo đó, Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản gửi các ngân hàng có liên quan đề nghị khấu trừ toàn bộ số tiền chuyển vào tài khoản của tất cả khách hàng để thực hiện cưỡng chế, nhưng Uber lại không mở tài khoản tại ngân hàng Việt Nam, vì thế biện pháp cưỡng chế này không hiệu quả. 

Hồi đầu năm 2018, Toà án nhân dân TP.HCM cũng đã từng có quyết định đình chỉ vụ kiện hành chính của Uber B.V với Cục Thuế TP.HCM. Thời điểm đó, lý do đình chỉ vụ kiện được đưa ra là bởi Uber B.V chưa nhận được ủy quyền của công ty Uber mẹ tại Hà Lan, nên chưa đủ tư cách pháp lý làm nguyên đơn khởi kiện.

Mới đây, Công ty Uber B.V tự nguyện rút đơn kiện Cục Thuế TP.HCM, nên Tòa án nhân dân TP.HCM đã đình chỉ vụ kiện. 

Truy thu bằng được

Trao đổi với phóng viên về khả năng thu hồi số nợ thuế trên của Uber, Luật sư Trương Xuân Tám, Đoàn Luật sư Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, Uber không còn hoạt động tại Việt Nam, nhưng họ vẫn còn hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới nên để truy thu số thuế nêu trên, cơ quan Thuế có thể nộp đơn yêu cầu ra ban trọng tài quốc tế nhờ hỗ trợ để truy thu số thuế còn thiếu. Theo đó, cơ quan Thuế có thể tống đạt các hồ sơ, chứng từ có liên quan thông qua ủy thác tư pháp. Tuy nhiên, biện pháp này khá tốn kém.

Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty CP Thuế Kế toán Luật Việt Á cho rằng, với một thương hiệu lớn, tầm cỡ quốc tế như Uber thì khoản nợ 53 tỷ đồng tại Cục Thuế TP.HCM khả năng lớn là sẽ được đơn vị này thanh toán. Trường hợp Uber không tự nguyện thanh toán khoản nợ trên, cơ quan Thuế có thể căn cứ theo Luật kinh doanh trong nước để thu hồi nợ vì khi đăng ký kinh doanh có pháp nhân. Nếu Uber không còn trụ sở tại Việt Nam, bán thương hiệu cho đơn vị khác, thì bên mua sẽ chịu trách nhiệm với phần nợ thuế này của Uber.

Theo Cục Thuế TP.HCM, Uber rút đơn kiện là động thái tích cực. Qua đó cũng cho thấy công ty này rất có thiện chí giải quyết những khoản nợ đối với ngân sách nhà nước của Việt Nam. 
Khó khăn hiện nay là Uber không còn ở Việt Nam. Do đó, Cục Thuế TP.HCM đã báo cáo và đề nghị Tổng cục Thuế giúp đơn vị tháo gỡ vướng mắc về việc truy thu thuế đối với Uber từ hệ thống quốc tế. Đồng thời kiến nghị Tổng cục Thuế cần nhanh chóng xây dựng cơ chế chính sách và cơ chế quản lý đối với các phương thức kinh doanh mới, đặc thù như kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh chia sẻ.
 
Theo báo Hải quan
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến