Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ngày 28/4, ông Reznikov cho biết: “Công tác chuẩn bị cho chiến dịch phản công sắp kết thúc. Nói cách khác, chúng tôi đã ở tư thế sẵn sàng cao độ. Vấn đề tiếp theo tùy thuộc vào Bộ Tổng tham mưu ... Khi ý trời, thời tiết và cấp chỉ huy quyết định, chúng tôi sẽ hành động”.

Binh sĩ Ukraine sử dụng pháo tự hành ở khu vực tiền tuyến Kharkiv. Ảnh: AP

Theo CNN, khi được hỏi liệu Kiev đã nhận được các vũ khí mà các đồng minh quốc tế hứa hẹn chuyển giao hay chưa, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ukraine nói, đất nước của ông đã nhận được các xe tăng chiến đấu Leopard 2 và Challenger, cũng như đang chờ nhận các xe tăng Leopard 1 “muộn hơn một chút”.

Ông Reznikov tiết lộ, các xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất sẽ không đến kịp để tham gia cuộc phản kích, nhưng các binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện sử dụng loại khí tài hiện đại này.

Ông Reznikov lưu ý, quân đội Ukraine đang có trong tay một lượng lớn xe bọc thép thuộc các loại khác nhau do các nước viện trợ, kể cả những mẫu xe chiến đấu bộ binh Bradley (Mỹ), Marder (Đức) và CV90 (Thụy Điển) cũng như xe thiết giáp bánh lốp Stryker (Canada). Các lực lượng Kiev đã hoàn thành những khóa đào tạo sử dụng các phương tiện này.

Moscow lên án Mỹ trợ giúp Ukraine

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 28/4 cáo buộc Mỹ đang “trực tiếp góp phần” làm người Nga thiệt mạng bằng cách viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Tuyên bố của bà Zakharova nhằm đáp trả phát biểu trước đó của Đại sứ Mỹ tại Moscow Lynne Tracy trên tờ Kommersant rằng Washington “không coi người Nga là kẻ thù”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc Mỹ đã đứng sau dàn dựng một cuộc đảo chính năm 2014, giúp đưa những người thân phương Tây lên nắm quyền ở Kiev.

Mỹ đã áp nhiều biện pháp trừng phạt với Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022. Washington và nhiều nước thành viên NATO khác cũng cung cấp các khí tài hạng nặng, bao gồm cả xe tăng và các khẩu pháo, cũng như chia sẻ thông tin tình báo với Kiev.

Giới chức Nga cảnh báo, viện trợ quân sự khiến Mỹ và NATO thực sự trở thành bên tham gia trực tiếp vào xung đột. Moscow cũng nhiều lần buộc tội các lực lượng Kiev đã sử dụng những vũ khí do Mỹ chế tạo như hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS và lựu pháo M777 để tấn công dân thường. Các quan chức Ukraine đã bác bỏ điều này.

Tác giả: Tuấn Anh