Dòng sự kiện:
Ứng dụng NCPAP trong điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
21/10/2021 13:26:53
Vừa qua, Bệnh viện Quốc tế Vinh thực hiện mổ lấy thai chủ động cho sản phụ mang thai 39 tuần 1 ngày, cân nặng 3100g, sau sinh trẻ khóc ngay, môi hồng hào và được chuyển đến Khoa Nhi sơ sinh để thăm khám và theo dõi

Sau 30 phút, trẻ bắt đầu có biểu hiện: Da tím tái, SpO2 < 90%, nhịp thở nhanh 70 -80 phút/lần, thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi. Ngay lập tức, trẻ được chỉ định thở Oxy qua gọng, chụp Xquang tim phổi tại giường và làm các xét nghiệm cần thiết.

Kết quả Chẩn đoán hình ảnh: Phổi kém sáng, hình ảnh mờ kẽ lan tỏa ở đỉnh và đáy phổi 2 bên, dày rãnh liên thùy, đồng thời xét nghiệm khí máu có tình trạng toan hô hấp. Kết hợp những dấu hiệu lâm sàng, Bác sĩ khoa Nhi sơ sinh đưa ra chẩn đoán: Suy hô hấp sơ sinh, theo dõi chậm hấp thu dịch phế nang/Nhiễm trùng sơ sinh.

Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Vinh

Sau 60 phút thở Oxy, trẻ vẫn còn gắng sức, thở rên và được chỉ định thở NCPAP. Ngay sau đó, trẻ đã có những chuyển biến tích cực: Da môi hồng hơn, SpO2 >92%, giảm gắng sức, giảm thở rên. Về chế độ dinh dưỡng và thuốc điều trị, trẻ được duy trì cho ăn sữa qua sonde dạ dày, kháng sinh phòng bội nhiễm, điều chỉnh các rối loạn kèm theo. Sau 4 ngày thở NCPAP tình trạng phổi cải thiện, thở đều không gắng sức được chuyển thở Oxy gọng mũi rồi cai hẳn. Qua 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của bé ổn định và được chỉ định xuất viện.

Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh – Khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế Vinh trực tiếp điều trị cho biết: Suy hô lấp là hội chứng thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sơ sinh đỏi hỏi phải cấp cứu nhanh và xử trí đúng. Có nhiều nguyên nhân tại phổi hoặc ngoài phổi gây suy hô hấp. Chậm hấp thu dịch phế nang thường gặp ở những trẻ sinh mổ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ, sinh quá nhanh, mẹ dùng thuốc ức chế β.


Ảnh chụp phổi trước và sau khi được điều trị

Nguyên nhân do trong lòng phế nang còn dịch gây cản trở thông khí và trao đổi khí. Khi thấy trẻ có dấu hiệu của suy hô hấp, trẻ đã được cho thở oxy hỗ trợ qua gọng mũi, theo dõi SpO2, tình trạng suy hô hấp không cải thiện nên chuyển thở áp lực dương liên tục để tăng độ giãn nở phổi, hỗ trợ hấp thu dịch phế nang, tăng cường trao đổi khí. Khi thở NCPAP trẻ được cho ăn qua sonde dạ dày làm giảm áp lực trong ổ bụng, duy trì lượng dịch cần thiết và xử trí các rối loạn kèm theo.

Với những nguy hiểm của hội chứng suy hô hấp gây ra, các sản phụ cần được theo dõi và quản lý thai nghén tốt, đặc biệt đối với các sản phụ có các yếu tố nguy cơ sau:

Sinh non tháng: Nguy cơ bệnh màng trong, cơn ngưng thở, tim bẩm sinh.

Sinh già tháng: Hít nước ối phân su, ngạt.

Sinh mổ: Chậm hấp thu dịch phế nang.

Mẹ vỡ ối sớm, sốt trước hay trong lúc sinh, nước ối bẩn hay có mùi hôi, viêm nhiễm phụ khoa: Viêm phổi, nhiễm trùng sơ sinh.

Mẹ tiểu đường: Ảnh hưởng tổng hợp surfactant (bệnh màng trong), hạ đường huyết sơ sinh.

Trẻ sẽ nhanh chóng bình phục khi được điều trị kịp thời

Thở áp lực dương liên tục hay thở NCPAP (Nasal Continuos Positive Airway Pressure) là phương pháp hỗ trợ điều trị không xâm lấn, thường được sử dụng cho trẻ em bị suy hô hấp khi thất bại với điều tri oxy. Bằng việc sử dụng duy trì một áp lực dương liên tục trong suốt chu kỳ thở, NCPAP giúp tăng độ giãn nở, tăng thể tích phổi; giãn phế quản nhỏ giúp trẻ dễ tống xuất đàm hơn; chống xẹp phổi, giảm phù phổi, và giảm máu tĩnh mạch về tim.

Tại Bệnh viện Quốc tế Vinh, bằng việc phối hợp nhịp nhàng theo mô hình kết hợp Sản – Nhi kết hợp, ứng dụng thành công kỹ thuật thở NCPAP đã điều trị hiệu quả cho nhiều trường hợp bệnh mà không cần xâm lấn, giảm tỉ lệ đặt nội quản và tử vong, an toàn cho sức khỏe trẻ sơ sinh.

Kim Chung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến