Dòng sự kiện:
Uyên Linh: 'Yêu cả chục người thì có gì sai?'
16/11/2017 06:30:07
"Khi nhắc đến Tóc Tiên, chúng ta có ngay từ sành điệu. Khi nhắc đến Sơn Tùng, tôi gọi đó là độc đáo. Còn tôi là lịch thiệp", Uyên Linh chia sẻ.

Trước khi bước vào cuộc phỏng vấn, Uyên Linh làm việc với ê-kíp hình ảnh. Nữ ca sĩ tạo nhiều dáng nhưng luôn nhắc nhiếp ảnh gia: "Anh chụp cho em giống ca sĩ một chút chứ đứng thành người đẹp nào đó nha".

Uyên Linh có lý do để yêu cầu như vậy, bởi đây là lần gặp trực tiếp hiếm hoi giữa cô và báo chí sau 3 năm, một khoảng nghỉ dài bất thường.

Nhưng với quán quân Vietnam Idol 2010, cô lại cho rằng đây chính là cơ hội để mình được làm nghệ thuật theo cách đậm đặc. Nữ ca sĩ không xuất hiện trên truyền thông, không lên truyền hình, không cần ra một sản phẩm mỗi tháng.

Thay vào đó, Uyên Linh vùi mình vào phòng thu, công việc mà theo cô phải mất hàng nghìn giờ đồng hồ trước khi làm một cái gì đó thật lớn lao. Tròn 7 năm kể từ khi bước ra khỏi sân khấu Vietnam Idol, Uyên Linh nói về đánh giá của đàn chị Thanh Lam, danh xưng "tiểu diva" và cách yêu của Văn Mai Hương.

Sau 3 năm, có phải Uyên Linh sợ khán giả quên mình nên tung sản phẩm mới?

Đơn giản vì tôi đã hoàn thành xong dự án lần này. Tất nhiên bản thân tôi cũng có những trăn trở về nghề, nhưng tôi lại không quá lo sợ về nó. Ai đi làm mà không tham vọng thì tâm hồn người đó có lẽ già cỗi rồi.

Nếu chỉ là những bài nghe "hay hay", "đẹp đẹp" thì mình ra mắt để làm gì?

Chị có tham vọng gì với lần trở lại này?

Mỗi sản phẩm là một đứa con tinh thần của tôi, cho nên tôi luôn mong được khán giả đón nhận ở mức độ nào đó, dù là tinh tuý hay bùng nổ. Nhìn lại chặng đường 7 năm ca hát, với nhiều ưu ái và cơ duyên trong nghề nghiệp, tôi đã được truyền cảm hứng rất, rất nhiều.

Cũng như thời trước khi nghe những album của chị Thanh Lam, chị Mỹ Linh, chị Hà Trần, chị Hồng Nhung... tôi đều thôi thúc mình phải hát được như vậy, phải ra được những sản phẩm như vậy. Với CD này, tôi muốn truyền cảm hứng cho những bạn trẻ thực sự yêu ca hát, thực sự khao khát trở thành một tiếng hát đương thời, chứ không chỉ xem ca hát như một nghề hái ra vật chất và đầy hào quang.

Có người so sánh về cách hát của chị và bản gốc ca khúc "Bài hát của em" như thế này: "Trang hát như một cô gái mới biết tổn thương lần đầu, còn Uyên Linh hát như một người phụ nữ tổn thương tận cùng và không bao giờ tổn thương nữa". Chị nghĩ gì về nhận định này?

Tôi đã đọc và phải công nhận đây là một bình luận thú vị, vì không ngờ bài hát của mình lại mang đến cho khán giả những cảm xúc khác nhau đến thế. Để so sánh, Trang có một chất giọng mảnh và nhẹ nhàng hơn, đi kèm với nó là sự trẻ trung, trong sáng hơn.

Còn tôi khi đã trải qua những năm làm việc và kinh nghiệm trong cuộc sống thì dĩ nhiên cách thể hiện cũng sẽ khác đi. Về mặt trải nghiệm của mỗi người, tôi thiết nghĩ mình không cần can thiệp hay chú tâm quá nhiều.

Trong phần nhận định về tôi, rằng Uyên Linh sẽ không bao giờ tổn thương nữa, tôi thật lòng không mong điều đó xảy ra. Bởi nếu không tổn thương, thì làm sao bạn có thể biết cảm giác hạnh phúc, sung sướng tận cùng là thế nào?

Bài hát được xem là điểm khởi đầu cho hành trình làm mới bản thân của chị, nhưng có vẻ cái mới ấy vẫn chưa đột phá lắm đối với khán giả?

Nếu nói về bùng nổ hay khiến khán giả phải "wow" lên về mặt hình ảnh thì đó chẳng phải là Uyên Linh nữa. Tôi luôn chọn cách chia sẻ những cảm xúc bên trong, chia sẻ quan điểm và trải nghiệm của mình. Đẹp là một đặc ân, nhưng cái đẹp còn phải đi cùng nội dung.

Uyên Linh không phải là cái tên đạt 4 triệu lượt xem, 30 triệu lượt xem, 50 triệu lượt xem mỗi sản phẩm như Sơn Tùng hay Hương Tràm. Nhưng điều đó không có nghĩa là Uyên Linh không được mời đi hát.

Ở những chỗ Sơn Tùng và Hương Tràm hát, Uyên Linh ít khi được mời hát cùng; và ngược lại, ở nơi Uyên Linh biểu diễn, hai bạn ấy có vẻ không phù hợp. YouTube đang là xu hướng nghe nhạc chung của thế giới, và mọi thứ đều được thể hiện qua con số. Nhưng có ai trong số đó dám khẳng định họ không phải đánh đổi điều gì? Tôi tự tin là mình không phải đánh đổi điều gì cả.

Tôi rất nể những người có sức làm việc kinh khủng như anh Đàm Vĩnh Hưng, chị Hồ Ngọc Hà, chị Lệ Quyên hay các em Tóc Tiên và Sơn Tùng.

Vậy điều đó có ảnh hưởng đến cát-xê của chị?

Tôi có thể tự tin nói rằng, cát-xê của tôi không cao, không thuộc hàng top nhưng mang lại cho tôi một đời sống rất tốt. Tôi phải cảm ơn những khán giả của mình.

Có thể họ sẽ không lên mạng "cày view" cho tôi, không có thời gian đọc báo về tôi. Nhưng khi Uyên Linh hát, họ bỏ tiền đi xem. Hoặc Uyên Linh ra CD, họ bỏ tiền ra mua. Những gì tôi có bây giờ đều nhờ khán giả. Chính họ đã cho tôi tình yêu, sự tự tin để mà ngồi đây nói chuyện và một đời sống vật chất sung túc.

Số lượng sản phẩm của Uyên Linh hiện khá ít ỏi, hoàn toàn không tương xứng với thực lực và thâm niên ca hát của chị?

Tôi đã đi hát sang năm thứ 7, tương tự người ta đi làm, tức là cả tôi và mọi người đều đang xây dựng đế chế cho mình. Tất nhiên tôi hiểu ca hát là một nghề đặc thù, nó có tuổi thọ riêng về sự nổi tiếng.

Nhưng để một người có thể trở thành một chuyên gia, hay một người cực kỳ giỏi trong lĩnh vực của họ, thì không cách nào khác người đó phải bỏ ra hàng nghìn giờ làm việc cùng nó.

Tôi nghĩ mỗi người cần ít nhất 10 năm làm việc trong sự nghiệp trước khi chuẩn bị cho những điều lớn lao. Chỉ khi nào mình đã làm việc đó hàng nghìn giờ đồng hồ, mình mới đủ sức bước sang một đời sống mới.

Cũng vì vậy mà người ta cho rằng chị ngại khó, không mặn mà với nghệ thuật?

Mặn mà hay không tự bản thân tôi biết. Khác với những đĩa nhạc trước, có sự góp tay của các nhà sản xuất như Quốc Trung, Đức Trí hay Dũng Đà Lạt. Ở đĩa nhạc này, tôi chính là nhà sản xuất. Tôi đã chờ đợi 3 năm để có đủ những ca khúc mà mình hài lòng, tôi đã chờ đợi một cách kiên nhẫn để có những bản phối tốt nhất cho ca khúc của mình.

Không phải cứ phối xong một bài là tôi vừa ý, mà có khi đến lần thứ ba hoặc nhiều hơn. Tôi hát bản demo đến cả chục lần, cho tới lần cuối cùng mà tôi cảm thấy ưng ý là cả quãng đường dài. Vậy cho tôi hỏi ngược lại, một tháng bạn có thể ra được một sản phẩm theo cách đậm đặc như vậy được không?

Tôi không bào chữa, mà chỉ đang chia sẻ chân thành. Vậy nên nếu nói "Uyên Linh không mặn mà với nghệ thuật" thì oan cho tôi quá. Tôi chỉ không mặn mà với truyền thông, không mặn mà thi game show nữa, không mặn mà lên truyền hình đến nỗi mọi người phải hỏi tôi giờ đâu rồi.

Nhưng không lẽ bây giờ tôi lại trả lời rằng: "Uyên Linh phải đi hát nhiều quá nên không có thời gian xuất hiện nữa?". Nói thế thì... chảnh quá, ý tôi là mình đi hát đã đủ nhiều rồi, mà ca hát cũng chỉ là một khía cạnh của cuộc sống thôi. Thời gian còn lại, tôi phải dành cho cha mẹ, bạn bè và bản thân mình chứ.

Tôi hát mọi lúc mọi nơi, trong hầu hết ngày. Từ 3h sáng sắp ra sân bay cho đến 5h sáng lên sân bay và đi về trung tâm lúc 6h sáng. Hát chính xong 11h rồi quay ngược lại Sài Gòn tôi cũng hát. Nếu không yêu nghề, não bộ tôi không bao giờ tiết ra được những chất có thể giúp tôi duy trì sức khoẻ và tình yêu đến vậy.

Yếu tố nào giúp chị vừa không cần bon chen, vừa có một cuộc sống sung túc? Vì có nhiều ca sĩ cũng hát hay như chị, lại còn hoạt động liên tục mà vẫn không thành công.

Tôi nghĩ điều quan trọng chính là khi nhắc một cái tên, người ta sẽ nghĩ ngay đến một tính từ. Ví dụ nhắc đến Tóc Tiên, chúng ta có ngay từ sành điệu. Không ai có thể rời mắt khi cô ấy đang diễn.

Khi nhắc đến Sơn Tùng, tôi gọi đó là độc đáo. Cậu ấy là một cái gì đó vô cùng độc đáo. Hay chị Lệ Quyên là cảm xúc. Anh Đàm Vĩnh Hưng là bùng nổ. Chị Hồ Ngọc Hà là ngỡ ngàng. Chị Thu Minh là dữ dội.

Vậy tính từ của chị là gì?

Tôi hy vọng là lịch thiệp. Như đã nói, tôi là người coi trọng nội dung bên trong. Mỗi nghệ sĩ, mỗi cách hát sẽ có một đối tượng khán giả riêng. Với những khán giả hay những người đã bỏ tiền đi nghe Uyên Linh hát, điều đầu tiên tôi cần làm chính là đối xử với họ một cách lịch thiệp và trân trọng. Hướng tới một cấp độ cao hơn, nồng đậm hơn, là bặt thiệp.

Cũng 7 năm rồi kể từ Vietnam Idol, thời điểm mà chị được gọi là "tiểu diva". Chị bây giờ nhìn nhận nó thế nào?

Tôi rất vui, cảm thấy sung sướng và tự hào trong lòng khi được khán giả gọi như thế. Mà vui nhất vẫn là ở chữ "tiểu", tức là nhỏ, khi mình vẫn còn trẻ và chưa già. Sau đó là đến "diva", có nghĩa là chín chắn, hát mạnh mẽ, nghiêm túc và đam mê. Nên thành thật mà nói, tôi thích được gọi là "tiểu diva" hơn.

Còn nhận định của chị Thanh Lam rằng "Uyên Linh chưa xứng đáng làm hiện tượng"?

Lúc đầu tôi tin chị Lam nói đúng. Nhưng sau này đi đến đâu khán giả cũng say sưa kể với tôi về Vietnam Idol, thì tôi hoàn toàn tin: Uyên Linh trong Vietnam Idol thực sự là một hiện tượng.

Sản phẩm này của chị không còn gắn tên với Dũng Đà Lạt nữa. Mối quan hệ hai người giờ ra sao?

Tôi và anh Dũng chia tay lâu rồi. Trong công việc, anh ấy luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi. Nhưng tôi thì lại ngại bởi nó sẽ gây bất tiện cho cả hai. Tuy nhiên, anh ấy rất lịch sự bằng cách chỉ khi nào tôi cần thì mới xuất hiện. Đây cũng là điều mà tôi học được từ cuộc sống này, rằng dù mình có tử tế, yêu quý nhau đến đâu, mình cũng nên từ tốn và lịch thiệp. Tính từ mà tôi nhắc đến ở trên được ảnh hưởng từ anh ấy.

Một người từng nhận là quen biết chị có nói: "Uyên Linh phải rung động cả chục người rồi mới có thể hát cảm xúc, đàn bà được vậy". Chị có đính chính gì không?

Cả chục thôi sao? Tôi nghĩ là vài chục. Nhưng yêu, rung động với chục người hay vài chục người thì có gì là xấu? Tình yêu không phải ai cũng may mắn gặp được, nhưng rung động với nhiều người thì có.

Vì sao con người ta còn có thể rung động được? Vì chúng ta có cơ duyên, và ít nhiều chúng ta đối xử chân thật với cảm xúc của mình. Người nghệ sĩ sinh ra vốn nhạy cảm và luôn cảm nhận cuộc sống ở mức thái quá, song tôi lại cho đây là một món quà. Nên tôi nghĩ, ai mà yêu được thì cứ yêu đi, mừng cho họ. Vì tình yêu là điều đẹp nhất trên thế giới này.

Nhưng có bao giờ việc yêu của chị mang lại cảm xúc tiêu cực trong âm nhạc không? Taylor Swift cũng yêu nhiều như chị, nhưng các ca khúc của cô ấy thì chị biết rồi đấy, rất xéo xắt và nguy hiểm.

Văn hoá Việt Nam không giống phương Tây, để có thể đưa những ngôn ngữ bình thường vào bài hát một cách tự nhiên như vậy. Âm nhạc phương Đông thích nói về cái đẹp, sự tinh tế và ý nhị. Cụ thể với dòng nhạc mà tôi đang theo đuổi, nếu tôi mà hát một bài về trả thù người yêu thì rất vô duyên, và cũng không ai sáng tác những ca khúc có nội dung kiểu thế cho tôi cả.

Còn chân thành mà nói, tôi không bao giờ có những cảm xúc tiêu cực về người yêu cũ. Khi chia tay, mọi việc đã đủ tồi tệ, tại sao mình vượt qua được rồi mà còn phải khơi lại những cái xấu làm gì nữa? Ai mà từng yêu, tôi đều trân trọng, coi họ là những người bạn, những người đã cho tôi ý nghĩa, những bài học trong cuộc sống.

Văn Mai Hương vừa có chia sẻ về việc từ bỏ sự nghiệp để chọn tình yêu. Chị có đồng cảm?

Nếu chỉ xét về bề nổi hay thông qua những gì mà báo chí đưa tin, Hương là một người yêu sâu đậm, và tình yêu khiến cho Hương quên đi thế giới bên ngoài. Tôi chưa bao giờ yêu được như vậy cho nên tôi sẽ rất ghen tỵ với em ấy.

Đó có phải là yếu điểm cố hữu của những nghệ sĩ nữ, luôn khó khăn trong việc cân bằng sự nghiệp và tình yêu?

Đâu riêng gì trong âm nhạc, phụ nữ châu Á nào khi yêu cũng chỉ biết đến người yêu mà thôi. Đó vừa là nét mềm mại hết sức đáng yêu, vừa là bài toán cần nghiên cứu để tìm ra... giải pháp.

Chị sẽ mềm yếu hay lấn lướt người đàn ông?

Mọi người nghĩ tôi lấn lướt đúng không? Đúng là như vậy. Từ ăn gì trong các buổi đi chơi cho đến mặc gì, tôi luôn là người lựa chọn. Nhưng tôi nghĩ, người đàn ông nào yêu tôi sẽ thích điều đó. Bởi tính tôi vốn quyết liệt và dữ dội, nếu trong hai người ai cũng vậy thì mối quan hệ rất dễ đổ vỡ.

Song dĩ nhiên cũng có những người đàn ông khiến tôi nhẫn nhịn, kiềm chế một chút. Ở độ tuổi này, tôi không còn quá ngây thơ để yêu theo kiểu bản năng nữa. Tính tôi rất dễ mềm lòng với những người đàn ông ngọt ngào, lãng mạn trong cách đối xử với tôi và những người xung quanh.

Có phải vì đã đầy đủ về mặt vật chất rồi, nên chị mới dám đầu tư vào khía cạnh cảm xúc?

Thời còn yêu anh Dũng, tôi không suy tính gì cả. Cứ thế mà yêu thôi. Sau khi chia tay, yêu thêm 1-2 người, tôi bắt đầu cân đo đong đếm một chút, lúc đó tôi nghĩ những người ngang bằng với mình sẽ tốt hơn.

Nhưng cuối cùng, mọi chuyện cũng không đi đến đâu cả. Tôi lại thấy cảm xúc vẫn là quan trọng nhất. Bây giờ tôi vẫn chờ đợi một người đàn ông tình cảm như anh Dũng, nhưng phải đúng thời điểm để hai người có thể đi xa hơn.

Theo Tri thức trực tuyến

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến