Dòng sự kiện:
Vạ lây với cuộc chiến thương mại
01/07/2018 10:00:41
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc áp thuế nhập khẩu hàng hóa lẫn nhau càng lúc càng quyết liệt.

Hai bên như đang trong một phiên đấu giá, cứ bên này công bố tăng thuế mặt hàng nào và bao nhiêu, thì ngay lập tức bên kia cố “trả giá” ngay cho bằng được. Trong vòng chưa đầy một tháng “chọi nhau” nhưng cứ ngỡ như cuộc chiến tranh thương mại đã gay cấn lắm rồi.

“Ăn miếng trả miếng”

Ngày 19-6, Chính phủ Mỹ quyết áp 10% thuế trên 200 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thị trường cho rằng đó chính là cách trả đũa của Mỹ khi Trung Quốc đòi đánh thuế 25% lên 34 tỉ đô la hàng nông sản nhập khẩu của nước này. Đến nay, với tổng cộng 450 tỉ đô la giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc mà Mỹ đòi áp thuế, Mỹ chia thành ba gói. Đối với gói 50 tỉ đô la đầu tiên, Mỹ đã đòi áp thuế 25%, và không khó hiểu khi Trung Quốc trả đũa lên 34 tỉ đô la hàng nông sản Mỹ với mức thuế tương đương.

Thật ra cả Mỹ lẫn Trung Quốc vẫn còn có nhiều cơ hội để đàm phán. Tổng thống Donald Trump vẫn nói rằng chính phủ ông sẵn sàng đàm phán miễn đừng để cho nước Mỹ thiệt. Trung Quốc cũng chẳng muốn đối đầu khi họ là nước xuất siêu nhiều năm qua Mỹ. Rất có thể Tổng thống Donald Trump có dụng ý làm nóng tình hình với chiến thuật gây căng thẳng theo kiểu hâm nóng tâm lý đám đông, nhưng đến nay có cảm giác chỉ là những “đòn gió” trước đợt bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ, sẽ diễn ra vào tháng 11-2018.

Đấy cũng là một hình thức để Tổng thống Donald Trump chứng tỏ rằng ông ta đang thực hiện lời hứa với cử tri Mỹ, giành lại các hợp đồng kinh tế và công ăn việc làm có lợi cho nước Mỹ, dân Mỹ.

Về phía Trung Quốc, do là nước nhập khẩu nông sản lớn nhất của Mỹ như đậu nành, bông vải..., nên cần “đánh” làm sao cho nông dân các bang sản xuất nông sản tại Mỹ kêu “cho thấu”. Khi đó, đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump sẽ bị thua phiếu tại các bang vốn mới đây ủng hộ ông. Việc giáng 25% thuế nhập khẩu lên 34 tỉ đô la hàng nông sản Mỹ bán sang Trung Quốc đã làm giá nhiều loại nông sản lộn nhào.

Theo dõi kết quả thực hiện của 35 sàn giao dịch tài chính phái sinh lấy đồng đô la Mỹ làm phương tiện thanh toán trong vòng một tháng trở lại đây, đã có đến 29 sàn có giá giảm (tính đến 22-6-2018). Trong đó, các sàn nông sản Mỹ có mức giảm mạnh nhất như đậu nành mất 13,6%, bắp giảm trên 9%, lúa mì âm 7,4%, bông vải bốc hơi 3,4%...

Cà phê là loại thương phẩm hầu như hai bên Mỹ và Trung Quốc không có giao dịch nào vẫn bị vạ lây với sàn arabica New York giảm 2,8% và sàn robusta London mất 2,74%.

Theo dõi dòng sự kiện, người ta tin rằng đòn trả đũa của hai bên, nhất là từ phía Mỹ, sẽ chưa để thị trường yên cho đến khi có kết quả bầu cử Quốc hội Mỹ. Liệu Trung Quốc nhượng bộ hay dùng bầu cử làm “bảo bối”? Rõ ràng Tổng thống Donald Trump sẽ còn gây căng thẳng không chỉ trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước có liên quan, mà cuộc tranh chấp này càng kéo dài thì nhiều nước nông nghiệp càng ăn không ngon ngủ không yên.

Ứng phó khi bị ảnh hưởng

Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản và tất yếu sẽ chịu ảnh hưởng từ cuộc tranh chấp nói trên, đặc biệt với hai mặt hàng gạo và cà phê. Các mặt hàng như điều, hồ tiêu tuy có ảnh hưởng nhưng không trực tiếp như cà phê, vì cà phê có sàn giao dịch kỳ hạn lấy đồng đô la Mỹ làm phương tiện thanh toán nên ảnh hưởng rất lớn.

Riêng đối với các mặt hàng nhập khẩu như bắp, đậu nành..., đây là thời cơ để tiếp cận trực tiếp với các nhà xuất khẩu Mỹ và là dịp để loại dần các khâu trung gian khác. Đây cũng là lúc không nên mua vội khi chưa cần hàng vì giá các loại nông sản này còn chiều hướng đi xuống.

Cà phê là một mặt hàng nông sản được kinh doanh dưới dạng thương phẩm, dù không có trong danh mục “trả đũa”, ảnh hưởng tiêu cực về giá của mặt hàng này là không thể tránh khỏi.

Thật ra, không phải chỉ đến khi có chiến tranh thương mại thì giá cà phê mới giảm. So với các loại nông sản khác, giá cà phê giảm không nhiều trong thời gian này, nhưng về giá kỳ hạn London, tính từ ngày đầu niên vụ đến nay đã mất trên 300 đô la mỗi tấn (còn 1.705 đô la so với 2.007 đô la trước đó).

Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất cơ bản đồng đô la, sản lượng cà phê thế giới được mùa, cả Brazil lẫn Việt Nam và nhiều nước khác như Colombia, Ấn Độ, Indonesia... đã có tâm lý tháo chạy trên sàn kỳ hạn. Thêm vào đó, các quỹ đầu tư tài chính đã đánh hơi trước, bán khống mạnh trên sàn. Tính đến ngày 19-6, ước tính họ có lượng dư bán trên sàn robusta London gần 300.000 tấn và sàn arabica New York hơn 1 triệu tấn. Đó là các yếu tố chính làm giá cà phê giảm , còn “đấu đá” chỉ là tác nhân phụ.

Theo nhận định của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam (G20), lượng cà phê còn tồn trong nước chừng 30% sau khi đã xuất khẩu 1,15 triệu tấn tính đến cuối tháng 4-2018. Tồn kho như thế là không nhiều, nhưng gộp với trên 1,2 triệu tấn sẽ xuất bán từ hai nước lớn thứ nhì và thứ ba sau Việt Nam là Brazil và Indonesia, thế giới sẽ còn không dưới 1,5 triệu tấn robusta cần bán trong nửa năm 2018 còn lại.

Như vậy, với cà phê robusta, các yếu tố cung cầu đã không ủng hộ. Ngoài ra, tình hình tranh chấp thương mại giữa hai nước Mỹ - Trung sẽ làm chao đảo giá nông sản nói chung và cà phê nói riêng. Liệu mức 1.700 đô la Mỹ mỗi tấn đang giao dịch trên sàn London còn giữ được không trước tình hình này?

Nếu trữ, biết lúc nào giá mới lên lại nhất là cà phê toàn cầu được mùa. Còn bán, cũng không được do giá thấp.

Nói vậy để thấy các nhà kinh doanh cà phê nên chuẩn bị tinh thần ứng phó. Theo dõi thị trường, chọn đỉnh giá trên sàn để giảm thiểu tồn kho, tìm cách mua bán với những nhà kinh doanh và rang xay loại nhỏ và vừa để bảo đảm an toàn vốn liếng và giảm dần tồn kho.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến