Vá lỗ hổng khiến “đất vàng” doanh nghiệp nhà nước có giá “bèo”
17/03/2017 14:02:19
Bộ Tài chính vừa xây dựng Dự thảo nghị định mới về chuyền doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần thay thế Nghị định 59, Nghị định số 188 và Nghị định 116 của Chính phủ trước đó. Việc này được cho nhằm chuẩn bị cho kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng lộ trình được Chính phủ đưa ra trong Quyết định 58 của Chính phủ.

Tin liên quan

 

Nhiều trường hợp khi cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước đã "quên" tính giá trị quyền sử dụng đất vào tài sản của doanh nghiệp.

Điểm mới của Nghị định này đó là điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá; xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá; xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước.

Trong đó, xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá được coi là vấn đề quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hoá trong thời gian qua. Tại dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Quy định phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương trước khi tổ chức thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.

Khi thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước đã phải rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch; những diện tích đất mà doanh nghiệp cổ phần hóa được tiếp tục sử dụng đã được tính toán, hướng dẫn đảm bảo phù hợp với pháp luật đất đai hiện hành.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, cho biết để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, dự thảo Nghị định đã quy định rõ công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của doanh nghiệp theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong trường hợp công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công ty cổ phần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, Nghị định còn đề cập đến chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá, về cơ bản chính sách ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp đã được kế thừa và duy trì qua các giai đoạn.

Về các phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo Nghị định bổ sung thêm phương pháp mới là phương pháp dựng sổ (Book building).

Dự thảo còn nhấn mạnh việc kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn... khi tham gia hoạt động hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi doanh nghiệp.

Ông Tiến cũng khẳng định, với những điểm đổi mới cơ bản trong Dự thảo nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sau khi Chính phủ xem xét, ban hành sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung và chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nói riêng trong thời gian tới có hiệu quả, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Vneconomy 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến