Dòng sự kiện:
VAMC cùng AMC của các tổ chức tín dụng chia sẻ giải pháp XLNX hiệu quả
29/10/2018 12:00:43
Ngày 26/10, VAMC phối hợp với các Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) tổ chức buổi Hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động XLNX và hợp tác phát triển thị trường mua bán nợ.

Đây cũng là Hội nghị “diên hồng” đầu tiên mà các công ty chuyên trách về xử lý nợ, xử lý tài sản ngồi lại với nhau để bàn thảo, hợp tác nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất giúp cho hoạt động xử lý nợ nhanh và hiệu quả.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) ông Nguyễn Tiến Đông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hoạt động xử lý nợ xấu. Điều này thể hiện rõ qua việc nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, NHNN, Nghị quyết Quốc hội… đề cập tới thị trường mua bán nợ xấu, trong đó nhấn mạnh đến hình thành thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

Căn cứ vào các chỉ đạo của Đảng cũng như Quốc hội, Chính phủ, Ban lãnh đạo NHNN, thời gian qua VAMC đã và đang quản lý cũng như xử lý mặt trái của hoạt động tín dụng là nợ xấu. Đến thời điểm này, VAMC đã mua 200 nghìn tỷ đồng nợ xấu của TCTD. VAMC đã phối hợp với các TCTD xử lý khoảng hơn trăm nghìn tỷ đồng. Nhất là đã mua được hơn 3.500 tỷ đồng nợ theo giá trị thị trường và đã gần như hoàn tất việc thu nợ.

Dù số nợ xấu mua theo giá trị thị trường chưa cao nhưng đây là tín hiệu tích cực đối với sự phát triển của thị trường mua bán nợ trong thời gian tới. Đây cũng là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy mua bán nợ là một trong những biện pháp quan trọng để thoát khỏi khủng hoảng. Sự phát triển của thị trường này giúp cho tình hình tài chính của các DN cũng như NHTM lành mạnh, minh bạch hơn. Trên thực tế tiềm năng phát triển thị trường mua bán nợ xấu rất lớn bởi nguồn cung rất dồi dào. 

Tuy nhiên, hiện nay các cơ chế chính sách cho thị trường mua bán nợ vẫn vừa thiếu, vừa yếu khiến cho thị trường này vận hành chưa được như mong muốn. Mặc dù Nghị quyết 42 ra đời tạo hành lang pháp lý mở cho thị trường mua bán nợ nhưng chưa có quy định cụ thể về hoạt động này. Chủ thể tham gia thị trường hiện nay còn hạn chế chủ yếu là VAMC, DATC, AMC của các TCTD. Không những vậy, năng lực tài chính của các chủ thể này cũng rất khiêm tốn. DATC có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, VAMC có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trong khi các AMC của TCTD vốn điều lệ chỉ vài chục tỷ đến 100 tỷ đồng.

Một bất cập khác là Việt Nam chưa có tổ chức định giá tài sản độc lập có uy tín khiến cho việc mua bán nợ còn khó khăn. Đặc biệt là các quy định về định giá khoản nợ. Hầu hết TCTD đều mong muốn việc bán TSBĐ ngoài thu hết nợ gốc, phải thu về được 30% lãi vay nhưng thực tế rất khó. Cho dù Nhà nước cho phép bán tài sản thế chấp theo giá thị trường nhưng nếu tài sản không đủ thu hồi vốn, cán bộ sẽ chịu trách nhiệm hình sự, người mua cũng gây khó khăn vì không muốn vẫn còn khoản nợ treo trên đầu…

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của sự phát triển thị trường mua bán nợ, theo các diễn giả cần phải sớm đưa thị trường này đi vào hoạt động. Để phát triển thị trường mua bán nợ, theo các diễn giả tại Hội thảo, cần phải có người tạo lập thị trường là cơ quan Chỉnh phủ và hành lang pháp lý đủ mạnh đề ra những yêu cầu, quy định đối với người tham gia thị trường cũng như các giao dịch mua bán. Bên cạnh đó, cần phải có cơ sở hạ tầng cho thị trường này như hình thành sàn giao dịch… 

Đại diện Eximbank AMC đề xuất VAMC là tổ chức hạt nhân của thị trường mua bán nợ bởi công ty này có trong tay nhiều lợi thế. VAMC đã mua và quản lý khối lượng lớn các khoản nợ xấu. Do đó, VAMC có đầy đủ hồ sơ nợ xấu và cơ chế để định giá các khoản nợ thông qua các đơn vị định giá uy tín… 

Đại diện ABBank AMC đề xuất để xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung, hiệu quả, ngoài cơ quan chức năng đứng ra điều phối giám sát, quản lý thị trường, cần đầu tư hệ thống công nghệ thông tin để các công ty mua bán nợ có cơ sở dữ liệu cập nhật các khoản nợ, tài sản cần xử lý, mua bán… tiến tới thành lập một sàn giao dịch mua bán nợ hiện đại, công khai, bình đẳng giữa các bên. 

Là cơ quan được giao trọng trách xử lý nợ xấu, đặc biệt thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển, lãnh đạo VAMC cho biết, trong thời gian tới VAMC sẽ trực tiếp làm việc các bộ, ngành liên quan đề xuất xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ ở Việt Nam vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. Đồng thời cơ quan này đặt mục tiêu thành lập Câu lạc bộ mua bán nợ với các thành viên là VAMC, DATC, AMC và các TCTC nhằm chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệp và cùng nhau hỗ trợ tái cấu trúc cho DN…   

Để VAMC phát huy được vai trò, đại diện NCB AMC cho rằng cần phải hóa giải thách thức về vốn. Theo vị này, VAMC cần phải tiền tươi thóc thật để mua nợ. Bởi vì nếu VAMC lại tiếp tục mua nợ bằng TPĐB sẽ tạo ra mối quan hệ tay ba giữa con nợ, NH và VAMC.

Về nguyên tắc NH bán nợ là chuyển nợ sang VAMC nhưng thực tế NH vẫn phải có trách nhiệm giữ và xử lý tài sản. Do đó, khi VAMC muốn bán các tài sản này phải đạt được thỏa thuận 3 bên, trong khi mỗi bên đều có tính lợi ích của mình dẫn đến vướng mắc kéo dài trong quá trình bán tài sản. Vì vậy, nếu VAMC có tiền để mua đứt các khoản nợ đó, quá trình xử lý nợ chắc chắn sẽ nhanh hơn. Mặt khác, VAMC cần phải được cho phép xử lý nợ xấu với giá thấp hơn so với giá đã mua và các khoản lỗ phải được thừa nhận thì cơ quan này mới mạnh dạn thực hiện mua bán nợ theo giá thị trường.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến