VAMC đã 'ôm' về gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu
11/09/2014 15:04:57
Tới đầu tháng 9/2014, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã “gom” được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐQT VAMC hồ hởi, trong gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu mà VAMC đã mua, ngay cả ngân hàng không thuộc diện bán nợ cho công ty này, nay cũng "xông xáo" đem bán.Theo ông Hùng, tính tới thời điểm 1/9/2014, công ty này đã thực hiện mua được 3.591 khoản nợ, tương ứng với 59.511 tỷ đồng nợ nợ gốc nội bảng với giá mua 49.378 tỷ đồng của 35 TCTD. Như vậy, sau 11 tháng chính thức mua nợ, VAMC đã mua được 1/3 nợ xấu trong tổng dư nợ xấu lên tới 201.000 tỷ đồng của toàn hệ thống ngân hàng.

Trong 11 tháng, VAMC đã mua được 1/3 tổng dư nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng

Trong số tất cả các khoản nợ đã mua, VMAC đã thực hiện phân loại 145 khoản nợ với tổng dư nợ là 14.785 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty này cũng đang cơ cấu lại nợ cho 123 khách hàng có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh với tổng dư nợ gốc là 9.685 tỷ đồng. Mức lãi suất điều chỉnh mà DN phải trả cho VAMC với các khoản nợ đã cơ cấu lại là 10,7%/năm.

Ông Hùng cũng tiết lộ, VAMC và các ngân hàng đã ký hạn mức cho vay hàng nghìn tỷ đồng và giải ngân được 450 tỷ đồng, đồng thời xem xét và ủy quyền cho TCTD miễn giảm lãi hàng trăm tỷ đồng cho khách hàng. Riêng đối với phát mại tài sản đảm bảo, công ty này đã chủ động phát mãi thông qua đấu giá với tổng giá trị gần 400 tỷ đồng.

Tuy số nợ đã mua được lên tới gần 60.000 tỷ đồng, nhưng số nợ thu hồi và phát mại mới chỉ đạt được 1.400 tỷ đồng, gồm cả việc ủy quyền cho các ngân hàng.
“So với thực trạng nợ xấu, kết quả mua nợ xấu còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn khiêm tốn, chưa bán được khoản nợ, tài sản cho nhà đầu tư nước ngoài”- ông Hùng thừa nhận.
Lý giải vướng mắc trong xử lý đầu ra nợ xấu của VAMC, ông Hùng dẫn giải nhiều nguyên nhân. Trước tiên, là việc bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, hiện quy định pháp luật hiện  hành việc nhận thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất… đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Vì thế, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong khi mua nợ xấu của VAMC, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

Đối với khó khăn trong phát mãi tài sản, đến nay thông tư hướng dẫn VAMC về đấu giá phát mại tài sản vẫn chưa ban hành, nên quá trình phát mãi rất lâu, đấu giá nhiều lần không thành công, dù mỗi lần thay đổi bước giá là 10%.

Ngoài ra, Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu và không có sẵn một thị trường để VAMC chủ động bán nợ xấu. VAMC cũng đang loay hoay với cơ chế định giá nợ xấu khi bán nợ, nên các giao dịch liên quan tới bán nợ xấu vẫn … dậm chân tại chỗ.

“Các khoản nợ mà ngân hàng bán cho VAMC thực chất đã rất xấu và có tính chất phức tạp, khách hàng vay nhiều TCTD. Vì thế, việc xử lý nợ của VAMC gặp nhiều khó khăn. Tâm lý của TCTD bán cho VAMC để giãn thời gian, sau 5 năm mua lại khi đã trích lập đủ dự phòng rủi ro”- ông cho hay.

Theo Infonet.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến