Đây là điểm mới trong dự thảo Thông tư Quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT. Thực tế, các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư khiến nhiều người bệnh phải tự ra ngoài mua mới có đủ phương tiện điều trị bệnh; từ những thứ nhỏ như: Kim truyền, băng gạc, dao mổ… đến các loại thuốc, kể cả thuốc đắt tiền bằng tiền túi của người bệnh, dù đúng ra họ phải được BHYT chi trả khi bệnh viện sẵn có.
(Ảnh minh họa)
Vẫn có bất cập
Theo dự thảo Thông tư, người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở khám, chữa bệnh; hay không sẵn có thuốc thành phẩm nào chứa hoạt chất mà người bệnh được chỉ định hoặc không sẵn có vật tư y tế phù hợp mà người bệnh được chỉ định sử dụng.
Theo dự thảo Thông tư này quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT theo quy định tại điểm khoản 2 Điều 31 Luật BHYT và trong các trường hợp khác ngoài quy định tại Điều 4 Thông tư số 09/2019/TT-BYT ngày 10/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Dự thảo cũng quy định, việc thanh toán chi phí trực tiếp cho người tham gia BHYT được thực hiện khi người bệnh (hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp) mua thuốc, vật tư y tế tại nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng đã trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh và hợp đồng trúng thầu còn hiệu lực. Để được thanh toán, người bệnh xuất trình với cơ quan Bảo hiểm Xã hội đơn thuốc, vật tư được bác sỹ chỉ định kèm hóa đơn đã mua hợp lệ để làm căn cứ, chứng từ.
Để tránh việc lạm dụng quy định thanh toán trực tiếp và để các cơ sở khám, chữa bệnh phải chủ động đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh, Bộ Y tế cũng có quy định chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh. Cụ thể, bệnh viện phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu mua sắm, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh. Trường hợp bệnh viện không có đủ thuốc cung ứng cần chuyển người bệnh đến cơ sở có đủ điều kiện cung cấp thuốc, vật tư.
Nếu không chuyển, bệnh viện có trách nhiệm hướng dẫn người bệnh mua thuốc bảo đảm chất lượng và thông báo với cơ quan Bảo hiểm xã hội về trường hợp người bệnh tự mua để đảm bảo cho người bệnh được chi trả phù hợp.
Theo đánh giá của bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế): “Các quy định về Luật Đấu thầu thời gian qua còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn của việc mua sắm thuốc dẫn tới khó khăn trong việc mua sắm tại các cơ sở y tế. Nhất là nhiều vấn đề sau dịch COVID-19 đã dẫn tới tâm lý e ngại trong mua sắm trong khi nhiều cơ chế, chính sách pháp luật vẫn đang vướng, khó thực hiện… ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh”.
Rủi ro khi người bệnh tự mua thuốc
Luật BHYT quy định, Cơ sở khám chữa bệnh BHYT có trách nhiệm phải cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh đúng quy định để đảm bảo người bệnh được điều trị hiệu quả, an toàn và được phục vụ tốt nhất, nhanh nhất. Cơ quan BHXH tạm ứng trước kinh phí khám, chữa bệnh BHYT cho cơ sở y tế hàng quý để thực hiện khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT mà người bệnh chỉ được thanh toán một phần chi phí cho cơ sở khám, chữa bệnh như: Chi phí cùng chi trả, chi phí không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT… Nếu người bệnh có BHYT phải tự mua thuốc, vật tư y tế, vô hình chung, người bệnh sẽ không được hưởng quyền lợi được tạm ứng trước kinh phí khám, chữa bệnh mà phải tự chuẩn bị số tiền lớn để mua thuốc, vật tư y tế… khi không may mắc bệnh, đặc biệt là những bệnh trọng.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc nào cũng được thanh toán. Dự thảo Thông tư cũng quy định người bệnh, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp mua thuốc, vật tư y tế tại các địa chỉ như: Nhà thuốc của cơ sở y tế, nơi người bệnh điều trị và tại đơn vị cung ứng đáp ứng các điều kiện như đã trúng thầu với cơ sở khám chữa bệnh BHYT; thuốc được sử dụng và thanh toán cho người bệnh có thẻ BHYT tại bệnh viện nơi đơn vị cung ứng trúng thầu. Đặc biệt, hợp đồng thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế phải còn hiệu lực.
Để được thanh toán BHYT, người mua cần xuất trình với cơ quan Bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư y tế được bác sĩ chỉ định, hợp lệ để làm căn cứ thanh toán. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ ban hành quy trình giám định đối với các trường hợp thanh toán từ Quỹ BHYT theo phạm vi điều chỉnh của Thông tư.
Như vậy, người bệnh không chỉ tự bỏ tiền túi để mua thuốc mà còn dễ gặp các rủi ro như: Chất lượng thuốc khó đảm bảo, giá thuốc bất hợp lý… làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và an toàn điều trị của người bệnh. Chưa kể, nhiều trường hợp bị bệnh nặng, cấp cứu không có người thân đi cùng, thời điểm giữa đêm khuya hoặc người bệnh không có tiền… sẽ rất khó khăn trong việc phải tự đi mua thuốc, vật tư y tế.
Hiện đã có khoảng hơn 1.000 hoạt chất thuốc và hơn 350 nhóm vật tư y tế thuộc danh mục chi trả của quỹ BHYT, hàng trăm triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT mỗi năm. Dù cơ quan Bảo hiểm Xã hội có cố gắng đến đâu vẫn không thể thanh toán trực tiếp ngay cho người bệnh vì người bệnh sau khi kết thúc đợt khám chữa bệnh mới nộp hồ sơ đề nghị thanh toán, cơ quan Bảo hiểm Xã hội phải có thời gian để giám định xác định chi phí thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT thì mới thực hiện thanh toán được cho người bệnh. Quy định này đã phá vỡ ý nghĩa về chia sẻ rủi ro của BHYT, gây mất niềm tin của người tham gia BHYT và có thể dẫn đến khiếu nại của người bệnh khi nộp hồ sơ thanh toán mà không đủ điều kiện thanh toán trực tiếp do các loại thuốc tự mua không đủ điều kiện thanh toán theo chế độ BHYT hoặc mất hóa đơn tài chính.
Về phía cơ sở khám, chữa bệnh, thời gian qua, việc thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh không chỉ bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn có những vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm và tâm lý ngại trách nhiệm trong mua sắm, đấu thầu ở một số đơn vị. Khi quy định thanh toán trực tiếp trong trường hợp người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế vì lý do liên quan chậm trễ của công tác đấu thầu tập trung quốc gia hoặc nhà cung ứng đã trúng thầu nhưng không cung ứng hoặc cơ sở khám, chữa bệnh chưa kịp thời tổ chức mua sắm đấu thầu có thể tạo ra hệ lụy cơ sơ y tế không đấu thầu, không mua sắm thuốc, vật tư y tế theo quy định của pháp luật về đấu thầu, các nhà cung ứng từ đó có thể sẽ không tham gia thầu vì cung ứng trên thị trường với giá cao hơn và vẫn được thanh toán từ quỹ BHYT.
“Việc cơ sở y tế phải đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh là một trong những trách nhiệm của cơ sở, được quy định trong Luật BHYT, Luật Khám bệnh, chữa bệnh... Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian qua. Đó là do đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, vật tư từ các nước, các nguồn nguyên liệu sản xuất từ các quốc gia cũng bị thiếu hụt, giá thành cao…”, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT nói.
Tác giả: Lê Hoàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy