Chế biến cá hộp xuất khẩu tại Khu công nghiệp Cảng cá Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều phức tạp, khó lường, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội tháng Tư và bốn tháng đầu năm 2021 tiếp tục phục hồi.
Sản xuất công nghiệp cả nước tăng cao; số doanh nghiệp thành lập mới, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tăng cao nhất so với nhiều năm. Riêng xuất nhập khẩu đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp tăng lên…
Tuy nhiên, với diễn biến bất ngờ, sự trở lại của dịch COVID-19 tại một số tỉnh, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng đang cho thấy những thách thức trong điều hành của Chính phủ để giữ vững thành quả trong thời gian qua và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Kiên định mục tiêu kép
Những số liệu về tình hình kinh tế bốn tháng năm 2021 tiếp tục khẳng định những thành quả của việc kiên định mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng Tư các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được bảo đảm, một số chỉ tiêu có xu hướng tích cực. Cụ thể, CPI tháng Tư giảm 0,04% so với tháng trước. CPI bình quân bốn tháng chỉ tăng 0,89% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Cùng với đó, thương mại và đầu tư duy trì đà tăng tích cực, xuất khẩu hàng hóa bốn tháng tiếp tục tăng, ước đạt gần 104 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái; Duy trì mức xuất siêu ước đạt gần 1,3 tỷ USD. Đáng chú ý, tỷ trọng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, chiếm hơn 75% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được thúc đẩy. Ước giải ngân bốn tháng năm 2021 đạt 86 .000 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Nếu không tính những khoản vốn chưa được phân bổ, giao kế hoạch, tỷ lệ giải ngân thực tế đạt hơn 22%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và các năm trước.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính chung bốn tháng năm 2021 đạt trên 12 tỷ USD, giảm 0,7%; vốn thực hiện ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sự phục hồi về thu hút FDI chưa thật sự vững chắc.
Một trong những điểm sáng nổi bật của kinh tế bốn tháng đầu năm đó là sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng khá. Tính chung bốn tháng, IIP ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, lần đầu trở lại mức tăng trưởng hai con số trong năm nay. Đóng góp chủ yếu là ngành chế biến, chế tạo, tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng ước đạt 12,7%. Cùng với đó, điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chăn nuôi tiếp tục phục hồi, sản xuất thủy sản tăng trưởng khả quan.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bốn tháng đầu năm tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng tích cực, một phần nguyên nhân do cùng kỳ năm trước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 2,8%.
Cùng với đó, đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng mạnh. Tính chung bốn tháng, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký đạt 627.700 tỷ đồng, tăng 17,5% về số doanh nghiệp và tăng 41% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, cũng trong bốn tháng, cả nước có tới 51.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 23% so với cùng kỳ.
Linh hoạt ứng phó
Tuy nhiên, đánh giá tình hình kinh tế bốn tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mức độ rủi ro, bất định còn cao; số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục gia tăng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng chưa ổn định; thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kết nối cung cầu lao động, bảo đảm an sinh xã hội còn gặp nhiều khó khăn...
Đặc biệt, việc xuất hiện các ca lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng vào cuối tháng Tư tại một số địa phương ảnh hưởng không nhỏ và cục bộ đến sản xuất kinh doanh ở một số nơi.
Với những diễn biến mới này, để duy trì các thành quả kinh tế, phấn đấu đảm bảo các mục tiêu kế hoạch năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ xem xét một số giải pháp. Đó là Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, hợp lý để duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát…
Đặc biệt, các địa phương, các ngành chức năng cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện kiểm soát, không để dịch bệnh lan rộng; tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, các tuyến biên giới.
Sản phẩm thép xây dựng tại Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương cung ứng ra thị trường. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Cùng với đó, Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ động, thường xuyên theo dõi, rà soát kế hoạch đầu tư công năm 2021 đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn nhằm giải ngân hết số vốn được giao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả, cung cầu thị trường, nhất là nguyên vật liệu, đầu vào sản xuất như sắt, thép, ximăng, thức ăn chăn nuôi… đánh giá tác động đến nền kinh tế, đầu tư công; kịp thời ngăn chặn các hành vi đầu cơ, tăng giá nhằm kiểm soát lạm phát, hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, cách thức vận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các chuyên đề, lĩnh vực cụ thể; đồng thời, nghiên cứu, thành lập cơ quan đầu mối để tiếp nhận, giải đáp thắc mắc khó khăn của doanh nghiệp.
Để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, các địa phương cần kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ các FTA, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU.
Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Anh, Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba tại châu Âu của Việt Nam. Trong ba tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng hơn 22% so với năm ngoái.
Do đó, dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn, nhất là với các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như sản phẩm gỗ, đồ gỗ, dệt may, cao su, càphê, gạo, giày dép...
Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Anh, các chuyên gia thương mại cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải nắm rõ văn hoá bản địa cũng như tìm hiểu kỹ hơn về phương thức thanh toán và các kênh phân phối tại đây.
Hay tại thị trường Australia, Thương vụ Việt Nam đang xúc tiến kế hoạch quảng bá, xây dựng thương hiệu và thúc đẩy gia tăng kim ngạch các mặt hàng nông sản chế biến khác của Việt Nam tại thị trường này.
Hiện Australia đã mở cửa thị trường cho bốn loại quả tươi của Việt Nam, bao gồm nhãn, vải, xoài và thanh long. Vì vậy, việc đa dạng sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm các cơ hội mới thông qua thương mại nông sản chế biến là một trong những hướng đi nhiều ưu thế, dành cho các doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam.
Nếu tận dụng được tốt các cơ hội, quốc gia lớn nhất khu vực châu Đại Dương sẽ là một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với chính sách tiền tệ, cần hướng tới duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4%; lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và đảm bảo tính thanh khoản trên thị trường tài chính.
Đối với chính sách tài khóa, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc giảm bội chi ngân sách là cần thiết trong trung và dài hạn, tuy nhiên trước mắt, trong tình hình nền kinh tế phục hồi chưa vững chắc, giải ngân đầu tư công sẽ cần tiếp tục thúc đẩy.
Nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, Chính phủ đã và đang thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuế đất. Đây là biện pháp cần thiết vừa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, nhấn mạnh khu vực doanh nghiệp vẫn là lực lượng nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ cần xem xét, cân nhắc để giảm hoặc miễn một số loại thuế cho doanh nghiệp trong giai đoạn doanh nghiệp chịu tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19 thay vì chỉ gia hạn như hiện nay./.
Tác giả: Thúy Hiền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy