Dòng sự kiện:
Vẫn còn tình trạng nội dung được thảo luận công khai, nhưng tài liệu đóng dấu 'mật'
18/12/2019 16:17:36
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, một số nội dung còn hạn chế cần tiếp tục lưu ý rút kinh nghiệm đó là vẫn còn tình trạng nội dung được trình bày, thảo luận công khai tại hội trường, nhưng tài liệu lại đóng dấu “mật”.

Sáng 18/12, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. 

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ 8 do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày khẳng định, sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ, đổi mới, lắng nghe và cầu thị, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp với kết quả thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác; giám sát 1 chuyên đề, xem xét nhiều báo cáo và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.

Những nội dung quan trọng được Quốc hội ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế, kịp thời điều chỉnh những vấn đề lớn, mới phát sinh trong thực tiễn đời sống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và tiếp tục tạo nền tảng cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Toàn cảnh phiên họp sáng 18/12. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, đoàn kết, dân chủ, gần dân, sát với thực tiễn; đồng thời thể hiện sự chủ động, thận trọng, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong công tác phối hợp chuẩn bị, tiến hành kỳ họp của cả hệ thống chính trị, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo tổng kết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc tổ chức kỳ họp thứ 8 còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm. Cụ thể, một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao, chậm gửi hồ sơ tài liệu. Vẫn còn tình trạng nội dung được trình bày, thảo luận công khai tại hội trường, nhưng tài liệu lại đóng dấu “Mật”, gây khó khăn, lúng túng trong sử dụng thông tin của đại biểu Quốc hội, cũng như cơ quan thông tấn báo chí.

Một số chất vấn còn dài dòng, chưa rõ ý; việc thảo luận, tranh luận có lúc chưa hiệu quả. Trong việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số vấn đề quan trọng, tỉ lệ đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến còn thấp so với tổng số đại biểu Quốc hội…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nêu lên một số nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, trong đó có việc chủ động, nghiêm túc hơn trong công tác chuẩn bị các nội dung của kỳ họp thứ 9 để khắc phục cho được tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu kỳ họp.

Thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến chương trình kỳ họp này sẽ kéo dài 20,5 ngày.

Trong đó, Quốc hội sẽ dành thời gian cho công tác lập pháp 11 ngày. Cụ thể, Quốc hội xem xét thông qua 10 dự án Luật và 1 dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 với thời gian là 5,75 ngày. Quốc hội cũng dành 5,25 ngày cho ý kiến 7 dự án Luật.

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội dành 9,5 ngày làm việc. Trong đó dự kiến sẽ có 2,5 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Dự kiến, kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV sẽ họp trù bị và khai mạc vào ngày 20/5/2020 và bế mạc vào ngày 17/6/2020.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến