Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 với kết quả kinh doanh không mấy tươi sáng.
Chìm trong thua lỗ
Theo đó, năm 2023, Vạn Hương Investoco lỗ sau thuế 61,9 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2022, doanh nghiệp này cũng trượt dài trong thua lỗ, với mức lỗ sau thuế lần lượt là 15,5 tỷ và 5,4 tỷ.
Tình hình tài chính năm 2023 của Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương
Tại ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Vạn Hương Investoco ở mức 2.956 tỷ đồng, giảm 62 tỷ đồng so với số đầu năm.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Vạn Hương Investoco tăng từ 5,79 lần lên 7,55 lần; tương ứng khoản nợ phải trả tính đến cuối năm 2023 là hơn 22.341 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu đạt gần 4.400 tỷ đồng.
Dữ liệu trên HNX cho thấy Vạn Hương Investoco hiện đang lưu hành 8 lô trái phiếu, với mức lãi suất từ 9 -10%/ năm.
Do đã thực hiện mua lại trước hạn 322 tỷ đồng nên tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành của Vạn Hương Investoco còn hơn 5.200 tỷ đồng.
Mới đây, Vạn Hương Investoco công bố thông tin xin ý kiến trái chủ để thông qua phương án thay đổi điều kiện, điều khoản liên quan đến Mệnh giá trái phiếu, Lãi suất trái phiếu, kỳ tính lãi cuối, ngày thanh toán lãi cuối của mã trái phiếu VANHUONG.BOND.2019 năm 2019 (đợt I) ngày 26/9/2019 và mã trái phiếu VANHUONG.BOND.2019 năm 2019 (đợt II) ngày 26/3/2020.
Cụ thể, Vạn Hương Investoco đề xuất điều chỉnh giảm mệnh giá trái phiếu được điều chỉnh từ 1 tỷ đồng/trái phiếu thành 100 triệu đồng/trái phiếu.
Cùng với đó, lãi suất trái phiếu các kỳ tính lãi tiếp theo (kỳ tính lãi thứ tư trở đi) điều chỉnh thành cố định. Cụ thể, lãi suất được điều chỉnh từ lãi suất trung bình cộng tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam, trả lãi sau kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng: VCB, BIDV, Vietinbank, Agribank cộng (+) biên độ 3,5% thành cố định ở mức 9%/năm đối với kỳ thứ tư, và 10,8% các kỳ sau đó.
Bên cạnh đó, ngày thanh toán lãi cuối cùng là ngày 30/9/2026 được điều chỉnh thành ngày đáo hạn (tức là ngày 17/7/2027).
Cùng với đó, tài sản đảm bảo dự kiến là quyền tài sản phát sinh từ khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Baldoa thuộc dự án khu du lịch quốc tế Đồi Rồng được thay thế bằng quyền tài sản phát sinh từ việc đầu tư xây dựng, kinh doanh các lô ND-LK101, ND-BT103 đến NDBT111, ND-NT116, ND-BT117 thuộc khu VIII dự án Đồi Rồng.
Bên cạnh đó điều khoản về rút tài sản thế chấp cũng được điều chỉnh liên quan đến đối tượng đồng ý rút tài sản. Cụ thể, đại lý quản lý tài sản đảm bảo và tổ chức phát hành được quyền rút tài sản đảm bảo thay vì phải thỏa thuận với người sở hữu trái phiếu như trước kia.
Đáng chú ý là nội dung liên quan đến mua lại trái phiếu trước hạn theo yêu cầu của người sở hữu trái phiếu đã được bãi bõ trong đề xuất lần này.
Ông chủ dự án tỷ USD
Vạn Hương Investoco được thành lập từ năm 2010. Cuối năm 2016, vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 120 tỷ đồng.
Cổ đông sáng lập bao gồm: ông Phạm Văn Hùng nắm giữ 70% cổ phần, ông Bùi Quang Khải nắm giữ 25% và ông Nguyễn Thế Dũng sở hữu 5% cổ phần còn lại.
Đến ngày 31/12/2016, Vạn Hương Investoco tăng vốn điều lệ lên thành 200 tỷ đồng. Lúc này, ông Phạm Văn Hùng giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 38,39%; ông Bùi Quang Khả còn 14%; ông Nguyễn Thế Dũng thoái toàn bộ vốn.
Ngày 5/11/2020, vốn điều lệ Vạn Hương Investoco đột ngột tăng vọt từ 200 tỷ đồng lên ngưỡng 2.682 tỷ đồng; rồi tiếp tục tăng lên 3.000 tỷ đồng vào tháng 6/2021.
Hiện, tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Vạn Hương Investoco là ông Phạm Ngọc Tuân (sinh năm 1969).
Đáng chú ý, ông Tuân từng là thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) - thành viên Tập đoàn Geleximco. Doanh nhân sinh năm 1969 là chồng của bà Trần Kim Khánh, Thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), Giám đốc tài chính Tập đoàn Geleximco.
Phối cảnh khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.
Vạn Hương Investoco được biết đến với vai trò là chủ đầu tư khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn, Hải Phòng) có quy mô 480ha, vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án được giới thiệu thuộc danh mục bất động sản do Tập đoàn Geleximco của đại gia Thái Bình Vũ Văn Tiền phát triển.
Dự án bao gồm các hạng mục như sân golf 27 hố; trung tâm hội nghị, hội thảo; nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp; khách sạn 5 sao; resort; khu phố thương mại; biển nhân tạo; bể bơi nước ngọt, bể bơi nước mặn; công viên nước; khu vui chơi giải trí.
Để đảm bảo dòng tiền cho "siêu dự án" tại Hải Phòng này, thời gian qua, Vạn Hương Investoco đã liên tục huy động vốn thông qua kênh trái phiếu.
Theo đó, từ tháng 8/2021 – 4/2022, Vạn Hương Investoco đã huy động thành công 5.095 tỷ đồng nhờ phát hành 6 lô trái phiếu, kỳ hạn từ 24 – 60 tháng. Các lô trái phiếu này thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng toàn bộ quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, quyền tài sản liên quan đến dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng tại Đồ Sơn, Hải Phòng.
Đáng chú ý, lô trái phiếu 500 tỷ được phát hành vào ngày 31/8/2021 của Vạn Hương Investoco cũng được đảm bảo bằng 25 triệu cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn Geleximco) là bên bảo lãnh và Chứng khoán Tiên Phong (TPBS) là bên thu xếp cho Du lịch Vạn Hương thực hiện đợt huy động vốn này.
Tác giả: Giang Hà - Nguyễn Kim
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy