Dòng sự kiện:
Vấn nạn doanh nghiệp giải trình kiểu đối phó
01/08/2018 11:35:04
Bên cạnh một số doanh nghiệp làm tốt hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR), còn không ít doanh nghiệp vẫn coi nhẹ vấn đề này, mà dễ thấy nhất là trong khâu giải trình.

Giải trình chưa đồng nghĩa với minh bạch

Theo quy định, các doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện nghĩa vụ công bố các thông tin định kỳ như báo cáo tài chính hàng quý, báo cáo soát xét bán niên, báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm và báo cáo thường niên.

Ngoài bản báo cáo tài chính có phần phức tạp bởi các số liệu và cách thức hạch toán, đối với nhà đầu tư, bản giải trình kết quả kinh doanh cũng quan trọng không kém để có thể hiểu rõ hơn nguồn cơn tăng trưởng hay sụt giảm lợi nhuận của một doanh nghiệp.

Vậy nhưng, một thực tế diễn ra đã nhiều năm nay, đó là việc doanh nghiệp có thực hiện giải trình kết quả kinh doanh, nhưng lại theo cách “cho có”. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II năm nay lại tiếp tục chứng kiến những trường hợp như vậy.

Tại CTCP Tư vấn đầu tư IDICO (INC), báo cáo tài chính quý II/2018 cho thấy, lợi nhuận sau thuế kỳ này sụt giảm tới 37% so với cùng kỳ năm trước. Theo quy định, với sự biến động này, INC buộc phải có báo cáo giải trình.

Tuy vậy, nội dung giải trình của INC chỉ vỏn vẹn một câu: “Lợi nhuận sau thuế quý II/2018 đạt 406.374.778 đồng, so với quý II/2017 646.917.454 giảm 37% do doanh thu quý II/2018 thấp hơn so với cùng kỳ 30%”. Trong khi đó, lý do vì sao doanh thu giảm mạnh là nội dung nhà đầu tư quan tâm lại không được doanh nghiệp đề cập cụ thể.

Tương tự, báo cáo giải trình của CTCP Xây dựng số 5 (SC5) cũng rất sơ sài, bởi thông tin về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 14,8 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 48% chỉ được cho biết là do doanh thu quý II/2018 đạt 583,7 tỷ đồng, tăng 129% so với cùng kỳ năm 2017.

Tại CTCP Cảng Đồng Nai, báo cáo giải trình kết quả kinh doanh quý II/2018 có vẻ… khá dài.

Tuy nhiên, tất cả nội dung đều mang tính liệt kê đơn thuần về mặt số học, điều mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể tự tính toán dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Nội dung quan trọng là nguyên cớ của việc doanh thu tăng thêm 42,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 32% thì lại không được đề cập.

Đây cũng chính là cách nhiều doanh nghiệp sử dụng để đối phó với nghĩa vụ giải trình kết quả kinh doanh. Số lượng các công ty có giải trình sơ sài như thế này không hề hiếm trên sàn chứng khoán, mô típ thường dùng là lợi nhuận tăng/giảm do doanh thu tăng/giảm, các chi phí giảm/tăng…

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, không bị chịu nhiều sự kiểm soát nghiêm khắc về mặt công bố thông tin còn phớt lờ luôn nghĩa vụ giải trình của doanh nghiệp, mặc dù kết quả kinh doanh có sự đột biến bất thường, như CTCP Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG) trong quý I vừa qua.

Không chỉ ở giải trình kết quả kinh doanh, doanh nghiệp cũng buộc phải có giải trình đối với một số điểm bất thường, ví dụ như việc cổ phiếu tăng trần/giảm sàn trong 10 phiên liên tiếp.

Vậy nhưng, trong đa số các bản giải trình này, lý do được đưa ra đơn giản là do “quy luật của thị trường” và khẳng định doanh nghiệp không hề có tác động, can thiệp gì tới giá cổ phiếu.

Cần siết chặt cơ chế giải trình

Những bản giải trình theo “khuôn mẫu” như vậy không có bất cứ giá trị nào về mặt thông tin cho nhà đầu tư. Bởi vậy, dù có trên tay nội dung giải trình, các cổ đông vẫn không biết nên ứng xử thế nào với các thông tin mà doanh nghiệp đưa ra.

Theo đánh giá của một chuyên gia phân tích, hiện các cơ quan quản lý (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán) vẫn chủ yếu nhìn vào sự hợp lệ và đầy đủ về mặt công bố thông tin, chứ chưa thực sự quản lý được về chất lượng của báo cáo.

Do vậy, các doanh nghiệp niêm yết vẫn có “cơ hội” để đưa ra các báo cáo giải trình một cách đối phó.

Đây đang là một trong những tồn tại làm hạn chế tính minh bạch trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư thậm chí là cơ quan quản lý có khả năng bị chính những doanh nghiệp “qua mặt” bởi các thủ thuật hạch toán trên báo cáo tài chính một cách tinh vi, bởi việc giải trình vốn dĩ đã được nhiều doanh nghiệp xem như là một nghĩa vụ mang tính thủ tục.

Để giảm bớt sự đối phó này, chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần phải giám sát chặt chẽ hơn trước hết là trong cơ chế giải trình, gia tăng tính minh bạch cho thị trường chứng khoán, mang lại thông tin đầy đủ và chính xác cho nhà đầu tư. 

"Vấn nạn" doanh nghiệp có thực hiện giải trình kết quả kinh doanh, nhưng lại theo cách giải trình “cho có”.

Theo ĐTCK


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến