Dòng sự kiện:
Vận tải Dầu khí PVT đặt kế hoạch lợi nhuận “èo uột”
07/04/2017 10:52:02
ANTT.VN - Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) đã thông qua nhiều nội dung, trong đó có kế hoạch kinh doanh năm 2017 với các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận giảm nhiều so với năm 2016.

Tin liên quan

Vừa qua, tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí PVTrans (mã chứng khoán: PVT) – đơn vị vận tải duy nhất của tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.

Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như báo cáo hoạt động năm 2016, kế hoạch hoạt động năm 2017 và phương án tái cơ cấu 5 năm giai đoạn 2016 – 2020.

Năm 2016 các doanh nghiệp ngành dầu gặp khá nhiều khó khăn từ việc giá dầu giảm, tuy nhiên PVT – đơn vị chiếm hơn 90% thị phần trong nước vẫn có một năm kinh doanh thuận lợi khi các chỉ tiêu tài chính đều đạt được ở mức vượt kế hoạch.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 6.936 tỷ đồng, vượt kế hoạch 39%; lợi nhuận sau thuế đạt 483 tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch năm. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.321 đồng/cổ phiếu.   

Tuy nhiên, PVTrans cũng rút ra những hạn chế còn tồn tại mà công ty cần khắc phục như việc đội tàu có tuổi bình quân khá cao, dẫn đến chi phí hoạt động ngày càng tăng, gây ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của công ty.

Theo kế hoạch, quý II/2017 nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ bắt đầu chạy thử tàu VLCC. Cuối năm, PVT sẽ đưa tàu vào chạy thương mại chính thức hoặc chậm nhất là đầu năm 2018.

Dự kiến, việc vận hành tàu VLCC phục vụ nhà máy này sẽ đem về doanh thu 500 đến 700 tỷ đồng khi nhà máy hoạt động toàn bộ công suất.

Về việc giá dầu thế giới có thể sẽ biến động trong năm nay, lãnh đạo PVT cho biết, đơn vị này không chịu ảnh hưởng quá lớn bởi giá dầu do quy mô thị trường Việt Nam nhỏ và đặc thù kinh doanh. Chủ yếu là năng lực quản lý của doanh nghiệp và PVT đang tiến hành tái cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả hoạt động.

Tại đại hội, các cổ đông cũng đã đặt ra câu hỏi về việc PVTrans thoái vốn tại công ty Gas Shipping – một đơn vị thành viên đang hoạt động hiệu quả.

Trả lời cho vấn đề này, PVT cho biết, việc thoái vốn này nằm trong xu thế chung của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước hiện nay. Theo kế hoạch, đến năm 2020, tổng công ty PVTrans sẽ thoái vốn tại công ty Gas Shipping từ 68% hiện nay xuống còn 51%.

Năm 2017, kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp có thể khiến tình trạng thương mại toàn cầu sụt giảm theo. Trong đó, vận tải biển là ngành chịu nhiều tác động bởi sự biến động của thương mại thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên thế giới đã xuống mức thấp nhất 6 năm trong tháng Hai vừa qua, và chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Bên cạnh đó, nhiều tàu được đặt hàng đóng mới vào trước giai đoạn khủng hoảng sắp xuất xưởng nhiều hơn số tàu được thanh lý khiến đội tàu tiếp tục tăng lên về số lượng. Đội tàu toàn cầu cũng đang rơi vào tình trạng thừa tàu nhưng thiếu hàng.  

Mặt khác, năm nay, việc nhà máy lọc dầu Dung Quất tiến hành bảo dưỡng sửa chữa định kỳ 52 ngày (dự kiến vào tháng 6-7/2017) sẽ ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả khai thác toàn bộ đội tàu nội địa trong việc vận chuyển dầu thô đầu vào của nhà máy cũng như sản phẩm đầu ra do các đơn vị trong ngành phân phối.

Các khách hàng lớn trong nước của PVTrans liên tục cắt giảm ngân sách, chi phí và nhu cầu dịch vụ giảm mạnh cũng sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Với tình hình an ninh kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, giá cước vận tải dự kiến giảm 20 – 30%, PVT đã đặt ra một kế hoạch kinh doanh đầy thận trọng.

Theo kế hoạch, năm 2017 PVT đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 5.013 tỷ đồng, giảm 27,7% so với thực hiện 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 328 tỷ đồng, giảm 32% so với năm 2016.

Hiện cổ phiếu PVT đang được giao dịch tại mức giá 12.800 đồng/cổ phiếu.

Thanh Hương 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến