Dòng sự kiện:
Van tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt
29/12/2018 18:01:36
Kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng là một trong những điểm tích cực nhất của hệ thống ngân hàng năm 2018

Chỉ nới room cho một số trường hợp đặc biệt

Hiện trên thị trường có thông tin một số ngân hàng được điều chỉnh tăng trưởng tín dụng (TTTD) trong năm 2018. Mặc dù động thái điều chỉnh hạn mức TTTD cho một số ngân hàng, theo đánh giá của giới chuyên môn, cũng là bình thường và ngay từ đầu năm NHNN cũng phát đi thông điệp năm 2018 cơ quan này tiếp tục điều hành tín dụng linh hoạt phù hợp với diễn biến thực tế.

NHNN tiếp tục điều hành tín dụng linh hoạt phù hợp với diễn biến thực tế

“Đầu năm do nhiều dự báo về áp lực lạm phát, NHNN đã phải chủ động kiểm soát hạn mức TTTD đối với các ngân hàng để điều tiết tổng TTTD cũng như giảm áp lực lên cung tiền. Đến thời điểm này, áp lực lạm phát có vẻ dễ thở hơn trước do giá dầu liên tục giảm… nên NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu cho một số ngân hàng cũng là hợp lý. Cách điều hành tín dụng cẩn trọng như vậy rất tốt”, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định động thái điều chỉnh chính sách TTTD của NHNN.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo vụ chức năng NHNN cho biết, NHNN điều chỉnh TTTD cho một số ngân hàng. Nhưng hầu hết các ngân hàng này đều đang tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, và có cải thiện năng lực tài chính rất tích cực.

Tại Chỉ thị 04/CT-NHNN, Thống đốc NHNN yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng TCTD theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu TTTD (trừ trường hợp đặc biệt, như một số NHTM tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém). Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông;...

Cũng chính bởi vậy, nếu như những năm trước đây, khoảng cuối quý II, đầu quý III là nhiều nhà băng đã đánh tiếng xin nới room tín dụng. Sau khi trình NHNN, hầu hết các ngân hàng đều được chấp thuận. Nhưng năm nay thì ngược lại, chỉ có một số ít ngân hàng được nới room và mức độ nới cũng rất nhẹ, từ 14% lên 15% theo mức TTTD chung toàn Ngành đặt ra nên không ảnh hưởng nhiều đến mức tăng trưởng của toàn Ngành.

Vị lãnh đạo vụ chức năng trên cũng bổ sung, việc nới room tín dụng không phải dễ dàng đối với các ngân hàng bởi NHNN kiểm soát rất chặt chất lượng tín dụng và đưa hoạt động tín dụng của các ngân hàng vào khuôn khổ theo hướng chặt chẽ hơn.

Chính bởi vậy, tính đến ngày 12/12/2018, TTTD toàn hệ thống đạt khoảng 12,98% và dự báo cả năm sẽ chỉ tăng dưới 16%. Đặc biệt dòng vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chế biến chế tạo. Hiện tín dụng cho khu vực NNNT đã tăng hơn 15%, còn tín dụng dành cho lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo cũng khoảng hơn 14% so với cuối năm trước và đều cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn Ngành.

Nên tăng ở mức 14-15%

Theo Báo cáo thường niên mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tốc độ tăng cung tiền M2 và tín dụng đều giữ xu hướng giảm. Tỷ lệ M2/GDP đến cuối năm 2018 ước khoảng 168%, tăng thấp hơn so với bình quân giai đoạn 2012-2016. Tín dụng năm 2018 ước tăng 14-15%, thấp hơn 3-4 điểm phần trăm so với năm 2017. Đây cũng là mức thấp nhất từ năm 2015 đến nay.

Sự thận trọng trong TTTD được sự đồng tình của giới chuyên môn. Theo một chuyên gia ngân hàng, việc kiểm soát tốt dòng tín dụng là tín hiệu rất tích cực và phù hợp với diễn biến nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tốt, cơ cấu kinh tế tốt hơn, thâm dụng vốn trong nền kinh tế giảm, nên không có lý do gì để cần phải tăng mạnh tín dụng năm 2019. “Khi thâm dụng tín dụng được cải thiện, thì nên có chính sách TTTD tốt hơn trong dài hạn. Tôi nghĩ TTTD khoảng 15% là hợp lý. Cung tiền, tín dụng cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô”, vị này cho biết.

Cùng quan điểm trên, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng khác với hai năm trước, tín dụng thường xuyên tăng trên 18%, đẩy tỷ lệ thâm dụng tín dụng lên cao. Nhưng trong năm 2018, về phía cầu, tăng trưởng GDP không cần nhờ nhiều từ tăng trưởng tín dụng. “Chúng tôi cũng như nhiều nhà đầu tư đều cho rằng không thể tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức 17-18% đến năm 2020 sẽ gây mất bình ổn cho nền kinh tế. Việc giữ tăng trưởng tín dụng thấp là cần thiết và cũng là một trong những điểm tích cực nhất trong năm 2018 của hệ thống ngân hàng”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Còn nhớ tại Báo cáo Tham Vấn Điều IV 2018 với Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đánh giá, mục tiêu TTTD thấp hơn 17% đặt ra cho năm 2018 giúp thắt chặt điều kiện tín dụng hơn nhưng vẫn cần phải giảm thêm nữa trong những năm tới. Bởi nếu để TTTD và giá tài sản tăng mạnh có thể sẽ góp phần tạo nên những rủi ro mới trong hệ thống tài chính.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ cũng cho rằng, TTTD duy trì ở mức 14-15% càng lâu càng tốt. Với cách điều hành chính sách tín dụng của NHNN hiện nay, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Như năm 2018, NHNN đặt ra mức 17% nhưng cuối năm tín dụng chỉ tăng 15%, và theo hướng này năm sau có thể thấp hơn. Theo ông, trước diễn biến phức tạp kinh tế thế giới cũng như trong nước cần phải nắm chắc một van an toàn nhất đó chính là van cung tiền. Hiện tại, NHNN đang nắm chắc van này và cần tiếp tục giữ nó không nên quan tâm hay chạy đua theo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tại Chỉ thị 04/CT-NHNN, Thống đốc NHNN yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng TCTD theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số NHTM tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém). Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông;...

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến