Nhiều biển giới thiệu, môi giới bất động sản được dựng lên trên tuyến đường dẫn vào khu vực dự án sân bay Phan Thiết. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Ngày 5/9, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đã thông tin về việc tổ chức này kiến nghị Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, nhà môi giới bất động sản gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
VARS đã đưa ra 5 đề xuất, đầu tiên là đề nghị bổ sung nhóm ngành bất động sản; trong đó có ngành dịch vụ môi giới bất động sản vào nhóm ngành được hưởng đầy đủ các chính sách của nhà nước; đồng thời, được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, bảo hiểm xã hội và một số nghĩa vụ khác đối với nhà nước để doanh nghiệp có nguồn tiền hỗ trợ lao động cũng như đồng hành cùng với chính quyền trong chống dịch.
Cụ thể, VARS đề nghị là bổ sung ngành kinh doanh bất động sản vào “Điều 2 - Đối tượng áp dụng” trong Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 của Chính phủ.
VARS bày tỏ mong muốn giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp sàn giao dịch bất động sản có phát sinh từ tháng 5 đến hết năm 2021 để có điều kiện sớm phục hồi sản xuất kinh doanh; có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực cho phí và chống đỡ khó khăn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đặc biệt, VARS đề nghị cơ quan chức năng thúc đẩy nhanh hơn chương trình điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc trong quy trình pháp luật đối với thủ tục đầu tư nhằm cải thiện việc giải quyết thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư bất động sản làm tăng nguồn cung cho thị trường và kích thích hoạt động đầu tư của xã hội.
Ngoài ra, để đồng hành, hỗ trợ các sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản, VARS cũng đề nghị chủ dự án hỗ trợ, tạo điều kiện, không phạt hợp đồng nếu các sàn chưa thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng do phải thực hiện giãn cách xã hội.
Đồng thời, VARS đề nghị chủ dự án không nợ phí môi giới của các sàn giao dịch; sớm thanh toán hoặc ít nhất là thanh toán 1 phần đề các sàn giao dịch có nguồn kinh phí duy trì hoạt động.
VARS cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, sàn giao dịch và đặc biệt là hội viên của mình thông qua việc đẩy mạnh hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho hội viên khi bị xâm phạm.
(Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Thông tin về các khó khăn của các hội viên khi bị nợ phí môi giới, hay cố tình bị lợi dụng việc không đảm bảo tiến độ bán hàng do giãn cách xã hội để phạt hợp đồng và danh sách những đơn vị cho thuê mặt bằng đã thực hiện giảm giá và không thực hiện giãn cách xã hội sẽ được cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của VARS: https://vars.com.vn
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ năm 2020 đến nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tục phải thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là tại các đô thị lớn, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Nhiều công trình xây dựng phải dừng hoặc giãn tiến độ xây dựng. Người dân giảm thu nhập hoặc có tâm lý chờ đợi đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường bất động sản nói chung và lĩnh vực môi giới bất động sản nói riêng.
Khảo sát của VARS cho thấy, có tới 28% sàn giao dịch có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
Hiện nay, hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. Quỹ lương cạn kiệt khiến nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân sự.
Cụ thể, 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương; 45% lao động trong số các sàn giao dịch thực hiện cắt giảm không còn thu nhập - tương đương với 26.325/75.000 lao động làm việc tại 500 Sàn giao dịch.
Số còn lại tuy được hưởng lương nhưng cũng chủ yếu là hưởng lương cơ bản, phụ cấp nghỉ dịch, hoặc hưởng 50% lương do thực hiện làm luân phiên. Hiện 28% sàn đã không còn quỹ lương để trả cho người lao động.
Trong khi đó, có tới 89% sàn giao dịch không được hường chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các ngân hàng cũng là rất hạn chế.
Cùng đó là khó khăn về chi phí thuê mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh. Các sàn giao dịch phản ánh, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động khiến doanh thu sụt giảm, thậm chí không có nguồn thu nhưng có tới hơn 70% sàn giao dịch không được giảm chi phí thuê mặt bằng.
Ngày cả các sàn giao dịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động để chống dịch cũng không được giảm...
Mặc dù các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng cũng không đủ để vượt khó.
Đặc biệt là đối với các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng. Bởi vậy, sự "trợ lực" từ chính sách dành cho các sàn giao dịch và môi giới bất động sản lúc này là rất cần thiết, VARS khẳng định.
Tác giả: Thu Hằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy