Khảo sát tại nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) ở Hà Nội cho thấy hầu hết các loại vật liệu xây dựng phổ biến như sắt, thép, cát, xi măng... đã tăng giá so với thời điểm cuối năm 2021.
Giá cát tăng khoảng 10.000 đồng/m3, cát vàng thô đang ở mức 390.000 - 470.000 đồng/m3; cát đen từ 140.000 - 170.000 đồng/m3 (giá rao tận nơi đối với xe chở nhỏ hơn 20 khối)...
Giá xi măng tăng 3.000 - 5.000 đồng/bao 50kg; gạch ống tăng khoảng 100 đồng/viên; các loại sắt thép cũng tăng khoảng 500 đồng/kg.
“Cả sắt xây dựng, sắt pha đều tăng giá, chẳng hạn như thép C45, giá hiện tại là 27.500 đồng/kg, cao hơn 500 đồng/kg so với cuối năm 2021. Giá này đã chạm ngưỡng đỉnh điểm hồi tháng 7/2021”, chị Vũ Thị Dân, đại diện Công ty TNHH sản xuất & thương mại thép Thành Trung cho biết.
Giá nguyên vật liệu xây dựng trên đà tăng cao.
Gần đây, giá xăng dầu lên cao cũng góp phần thúc đẩy đà tăng giá của các loại vật liệu xây dựng. Chủ một cửa hàng sắt xây dựng ở Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Sau Tết, giá xăng tăng khiến mỗi xe hàng chúng tôi đều phải trả thêm khoảng 300.000 - 500.000 đồng tiền thuê. Vì vậy, chúng tôi cũng phải tăng giá mỗi thứ một ít để bù lỗ”.
Thực trạng trên như một bài toán khó khiến các chủ thầu xây dựng đau đầu. Ông Vũ Huy Hân, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và công nghệ Hoàng Phát cho biết, gần đây ông liên tục phải thông báo với khách hàng về chuyện vật liệu tăng giá và mong muốn có thể thương lượng lại tiền công.
“Trong năm 2021, giá thép tăng gần 50%, các loại vật liệu xây dựng khác tăng theo từ 20% trở lên. Đặc biệt là mỗi lần xăng dầu tăng, tất cả các loại đều tăng theo khiến nhà thầu phải ngậm đắng nuốt cay, bỏ tiền túi ra trả lương công nhân vì lỗ vốn. Hiện tại, trung bình tất cả các loại vật liệu xây dựng đều tăng giá khoảng 10 - 20% so với trước Tết. Nếu cứ tăng liên tục như thế này thì cũng tôi cũng không thể ký hợp đồng trọn gói với khách hàng được nữa, vì không biết phải tính chi phí thế nào. Còn những hợp đồng đã ký từ 2021 rồi, không tăng tiền công được thì tôi chỉ hy vọng không phải mang tiền nhà đi trả lương công nhân, chứ không dám nghĩ sẽ có lãi”, ông Hân chia sẻ.
Giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều chủ thầu xác định làm ăn không có lãi.
Anh Hữu Vĩnh, quản lý thi công công trình tại huyện đảo phú Quốc nói: “Giá vật liệu xây dựng ở trong này thường sẽ cao hơn 1,3 - 1,4 lần so với ngoài Bắc. Gần đây giá lại tiếp tục tăng cao nên giá thầu công trình cũng phải tăng theo thêm 25-30%. Nhiều người có nhu cầu xây, sửa chữa nhà ngao ngán".
Ngay cả doanh nghiệp thi công thiết kế có sử dụng nguyên vật liệu nhôm, thép cũng gặp khó khi giá sản phẩm này đang tăng phi mã. Ông Lê Thế Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần thiết kế thi công Maxko Decor ngán ngẩm: “Chúng tôi hầu hết chỉ thi công phần hoàn thiện, sản phẩm đến tay khách hàng ở dạng mô-đun lắp ghép. Vật liệu chủ yếu là nhôm, inox, gỗ, đinh ốc vít. Những nguyên vật liệu lớn nhỏ mỗi thứ tăng một chút. Tưởng là nhỏ nhưng tính ra cũng tăng thêm khoảng 5-6% chi phí đầu vào”.
Ông Tuấn chia sẻ, mặc dù nguyên vật liệu tăng giá nhưng có những sản phẩm không thể tăng giá khi chào hàng. Hoặc nếu tăng giá thì khách hàng cũng không chấp nhận. Do đó, nếu không muốn mất khách hàng thì đành chấp nhận lợi nhuận bị giảm đi trông thấy, thậm chí là làm không công.
Tác giả: Công Hiếu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy