Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đơn vị này đã nhận được Công văn số 2533/UBKT15 ngày 12/1/2024 của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). VCCI đã có văn bản góp ý Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng vào tháng 7 năm 2023 và được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến về tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng và một số vấn đề quan trọng khác. Đối với tám vấn đề được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh tại Công văn số 2533, VCCI có một số ý kiến.
Người có liên quan
Điều 4.24.g của dự thảo quy định người có liên quan còn có thể bao gồm pháp nhân, cá nhân khác có quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, giám sát. Quy định này là hợp lý, giúp xác định những trường hợp người có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các ngân hàng nhưng không thuộc diện người có liên quan theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 4.24.g sẽ dẫn đến tình huống sau khi NHNN xác định một cá nhân, pháp nhân là người có liên quan thì cá nhân, pháp nhân hoặc nhóm người có liên quan đó sẽ vi phạm các quy định của Luật này (có thể về giới hạn tỷ lệ sở hữu, hoặc giới hạn cấp tín dụng hoặc các quy định khác). Khi đó chưa rõ các bên sẽ phải xử lý như thế nào: liệu các bên có phải điều chỉnh để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật hay quyết định xác định người có liên quan của NHNN sẽ không hồi tố? Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ để xử lý trường hợp này, tránh lúng túng khi triển khai trên thực tiễn, cân nhắc quy định theo hướng không hồi tố để bảo đảm quyền tài sản của các bên, trừ trường hợp các bên cố tình thực hiện các giao dịch giả để lách quy định trước đó.
Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng
Điều 41.1.b của Dự thảo quy định người quản lý, người điều hành và một số chức danh của tổ chức tín dụng phải có đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đây là quy định quan trọng, ảnh hưởng đến việc bố trí nhân sự của các tổ chức tín dụng. Việc quy định tại cấp văn bản Thông tư có thể sẽ không bảo đảm tính ổn định của pháp luật giúp các tổ chức tín dụng chủ động trong việc bố trí nhân sự phù hợp. Hơn nữa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyền chấp thuận danh sách dự kiến, có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ, có quyền yêu cầu coơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm, chỉ định người thay thế.
Do đó quy định về đạo đức nghề nghiệp của những người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng nên để ở văn bản pháp lý cấp cao hơn như Nghị định của Chính phủ thay vì thuộc thẩm quyền của Thống đốc.
Những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ
Điều 43 của Dự thảo quy định những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ, trong đó có quy định thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát không đồng thời quản lý doanh nghiệp khác.
Một số doanh nghiệp phản ánh với VCCI về việc quy định này sẽ gây khó khăn cho việc bố trí nhân sự. Thông thường, nhiệm vụ HĐQT và Ban Kiểm soát thường không phải là công việc toàn thời gian, nên nếu không cho họ làm thêm doanh nghiệp khác thì sẽ khó kiếm được người đủ năng lực để đảm nhận công việc.
VCCI nhận thấy rằng nếu cho phép thành viên HĐQT, BKS làm quản lý doanh nghiệp khác thì có thể dẫn đến rủi ro ưu tiên cấp tín dụng cho doanh nghiệp khác đó. Tuy nhiên, vấn đề này đã có quy định về hạn chế cấp tín dụng tại Điều 135 xử lý. Nếu cần thiết thì làm chặt hơn quy định tại Điều 135 hơn là việc cấm đồng thời đảm nhiệm chức vụ.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại vấn đề này.
Quyền và nghĩa vụ của người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng
Điều 48 của Dự thảo quy định về quyền và nghĩa vụ của người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng có một số nội dung chưa bảo đảm tính minh bạch và khả thi, cụ thể như sau:
Điều 48.6 yêu cầu người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng phải am hiểu về các loại rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Rất khó để đánh giá được việc một cá nhân có am hiểu về một vấn đề nào đó không, và cũng không có căn cứ để coi một người đã tuân thủ hay vi phạm nghĩa vụ này. Đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý theo hướng người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng phải đọc, nghiên cứu một số tài liệu về rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng do NHNN khuyến nghị.
Điều 48.9 yêu cầu người quản lý, người điều hành không được tăng thù lao, lương, trả thưởng “khi tổ chức tín dụng đó bị lỗ”. Quy định này không rõ ràng vì việc xác định lỗ lãi của tổ chức tín dụng phụ thuộc vào khoảng thời gian và đó là các thông tin trong quá khứ. Vào thời điểm ra quyết định tăng thù lao, lương, thưởng thì có thể chưa xác định được tổ chức tín dụng đang lãi hay đang lỗ. Đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng nếu tổ chức tín dụng báo cáo lỗ theo năm tài chính, thì không được tăng lương, thưởng, thù lao trong năm tài chính tiếp theo.
Công khai, công bố thông tin
Điều 49 của Dự thảo quy định về việc công khai và công bố thông tin của tổ chức tín dụng. Điều 49.4 quy định phải niêm yết và định kỳ hàng năm gửi cho đại hội đồng cổ đông các thông tin về người quản lý, người điều hành và cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Điều 49.5 quy định tổ chức tín dụng phải công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên trên trang thông tin điện tử.
Hình thức công bố thông tin bằng việc niêm yết tại trụ sở và gửi cho đại hội đồng cổ đông không thực sự hiệu quả do số lượng người tiếp cận ít và chỉ mang tính thời điểm. Trong khi đó, đây đều là các thông tin quan trọng, liên quan đến tính đại chúng của ngân hàng. Trên thực tiễn, tình trạng thao túng ngân hàng như tại SCB trong một thời gian dài không bị phát hiện, một phần là do các thông tin về người quản lý, người điều hành và cổ đông của ngân hàng không được công khai rộng rãi.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ hơn về nghĩa vụ công khai, công bố thông tin của các tổ chức tín dụng, cụ thể như sau:
Nghiên cứu mở rộng phạm vi các thông tin phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử, gồm cả thông tin về người quản lý, người điều hành và cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên.
Nghiên cứu mở rộng thêm một số thông tin phải công bố mà có thể ảnh hưởng đến tính đại chúng của ngân hàng như dư cấp tín dụng của các cá nhân, tổ chức được quy định tại Điều 135 và dư nợ cấp tín dụng của các khách hàng, nhóm khách hàng lớn tại Điều 136.
Những thông tin này được công bố sẽ giúp cho việc giám sát an toàn hệ thống ngân hàng được thực hiện tốt hơn.
Tác giả: Tuệ Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy