Dòng sự kiện:
VDB vẫn tiềm ẩn những rủi ro tương tự như các ngân hàng thương mại khác
19/07/2019 09:08:34
Mặc dù VDB là ngân hàng chính sách thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, trong hoạt động của VDB vẫn tiềm ẩn những rủi ro tương tự như các NHTM khác.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 17/7 cho hay, theo Thông tư 07 vừa được Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn ký ban hành, từ đầu năm 2020, tổng mức dư nợ cấp tín dụng (bao gồm cả tín dụng đầu tư của Nhà nước) tính trên vốn tự có của VDB sẽ không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

VDB cũng phải đảm bảo các quy định về tỉ lệ dự trữ thanh khoản, được tính bằng tỉ lệ phần trăm của tài sản có tính thanh khoản cao so với tổng nguồn vốn. 

Theo đó, cho đến cuối năm 2020, VDB phải duy trì tỉ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu là 0,6%; kể từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31.12.2022 là 1%; kể từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024 là 1,5% và từ ngày 1/1/2025 trở đi là 2%.

Giải thích về lộ trình này, NHNN cho hay nếu áp dụng ngay theo mức của các ngân hàng thương mại (NHTM), VDB sẽ khó có thể tuân thủ bởi tài sản có tính thanh khoản cao của VDB ít, chủ yếu là tiền mặt, vàng; tiền gửi tại NHNN và tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng. Hơn nữa VDB cũng không có giấy tờ có giá sử dụng trong các giao dịch của NHNN.

Bên cạnh đó, nhu cầu dự trữ thanh khoản của VDB không cao do không tham gia nhiều các hoạt động thanh toán, dòng tiền luân chuyển ít, do đó việc yêu cầu duy trì dự trữ thanh khoản nhiều sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho VDB.

Ngoài ra, VDB cũng phải tuân thủ quy định về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động. Cụ thể, VDB được duy trì tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động ở mức 100% cho tới hết năm 2020; còn từ 1/1/2021 VDB chỉ được cho vay tối đa 95% tổng nguồn vốn huy động. Tổng dư nợ cho vay của VDB bao gồm: Dư nợ cho vay ngắn hạn hỗ trợ xuất khẩu; Dư nợ cho vay ngắn hạn chương trình đặc biệt của Chính phủ; Dư nợ cho vay trung hạn tín dụng đầu tư; Dư nợ cho vay trung hạn chương trình đặc biệt của Chính phủ; Dư nợ cho vay dài hạn tín dụng đầu tư; Dư nợ cho vay dài hạn chương trình đặc biệt của Chính phủ;  Dư nợ cho vay khác; Dư nợ các khoản nợ vay chờ xử lý.

Còn tổng vốn huy động bao gồm: Tiền gửi của tổ chức trong nước, nước ngoài; tiền vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vay ngân sách Nhà nước, vay của các tổ chức tài chính, TCTD trong nước và nước ngoài; tiền huy động từ phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá khác.

Lý giải cho quy định trên, NHNN Việt Nam cho biết, quy định trên là phù hợp với đặc thù thực tế hoạt động của VDB. Đó là nguồn vốn huy động của VDB chủ yếu là Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, vay TCTD, tổ chức tài chính, ngân sách Nhà nước, không huy động từ dân cư.

Thứ hai, định hướng đã được Bộ Tài chính thống nhất về việc yêu cầu VDB phải nắm giữ lượng tài sản có tính thanh khoản cao so với quy mô tổng nợ phải trả để chủ động triển khai các giải pháp cần thiết đảm bảo an toàn chi trả, thanh khoản là 2%, tiến tới là 5%.

Linh Nhi (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến